Chính sách “sát sườn” đồng loạt có hiệu lực
(Dân trí) - Nhiều quy định “sát sườn” đồng loạt có hiệu lực từ hôm nay (1/1/2015) như Giảm thuế nhập khẩu đối với nhiều mặt hàng; Giảm giá trần vé máy bay; Miễn thị thực cho công dân 7 nước; Chính thức cho phá sản ngân hàng yếu kém…
Theo Thông tư số 173 của Bộ Tài chính, thuế nhập khẩu các mặt hàng cá, đông lạnh (trừ phi-lê cá và các loại thịt khác) được giảm xuống còn 18%.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
* Hân hoan thời khắc chuyển giao năm mới * Sẽ hỗ trợ sản xuất, kinh doanh xăng E5 |
Xe bốn bánh chủ động giảm từ 59% còn 55%; xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa tổng trọng lượng có tải tối đa không quá 5 tấn giảm từ 59% còn 56%; mô tô (kể cả moped) và xe đạp có gắn động cơ phụ trợ, có hoặc không có thùng xe bên cạnh, mô tô thùng có động cơ đốt trong kiểu piston với dung tích xi lanh trên 800 cc loại khác giảm từ 47% còn 40%.
Việc cắt giảm các dòng thuế này của Bộ Tài chính nhằm để thực hiện cam kết WTO năm 2015.
Miễn thị thực đơn phương cho công dân 7 nước
Nghị quyết của Chính phủ miễn thị thực có thời hạn đối với công dân 7 nước khi nhập cảnh Việt Nam gồm: Liên bang Nga; Nhật Bản; Đại Hàn Dân Quốc; Vương quốc Đan Mạch; Vương quốc Na Uy; Vương quốc Thụy Điển và Cộng hòa Phần Lan.
Chính sách trên được thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 1/1/2015 đến hết ngày 31/12/2019 và được xem xét, gia hạn theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Giảm giá trần vé máy bay nội địa
Từ 1/1/2015, mức tối đa khung giá cước vận chuyển hành khách hạng phổ thông trên các đường bay nội địa còn vị thế độc quyền (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là 4.250 đồng/hành khách/km, thay cho mức 5.000 đồng/hành khách/km trước đây.
Quyết định cũng nêu rõ, hãng hàng không quy định giá vé theo từng đường bay hoặc nhóm đường bay nhưng không vượt quá mức giá hướng dẫn của Cục Hàng không Việt Nam; Thực hiện đa dạng giá vé phù hợp với thị trường và chất lượng dịch vụ…
Nới thời hạn cho vay ngoại tệ với doanh nghiệp xuất khẩu, xăng dầu
Theo thông tư của Ngân hàng Nhà nước, kể từ 1/1/2015, các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu và doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được vay ngoại tệ thêm 1 năm.
Tổ chức tín dụng xem xét quyết định cho vay bằng ngoại tệ đối với các nhu cầu vốn ngoài các nhu cầu vốn nêu trên thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển sản xuất, kinh doanh theo quy định tại các nghị quyết, nghị định, quyết định, chỉ thị và các văn bản khác của Chính phủ sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản đối với từng trường hợp cụ thể theo trình tự, thủ tục quy định tại thông tư này...
Như vậy, sau một thời gian chờ đợi, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có thông tư thay thế Thông tư 29/2013 về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay là người cư trú.
Tàu cao tốc chở khách sử dụng không quá 20 năm
Nghị định quy định niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa và niên hạn sử dụng của phương tiện thủy được phép nhập khẩu có hiệu lực từ 1/1/2015. Theo đó, tàu cao tốc chở khách được sử dụng không quá 20 năm.
Về niên hạn sử dụng của phương tiện thủy nội địa, Nghị định quy định, tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi có niên hạn sử dụng không quá 35 năm với vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép; không quá 20 năm với vỏ gỗ.
Còn tàu khách không phải là tàu thủy lưu trú du lịch ngủ đêm, khách sạn nổi, nhà hàng nổi, tàu cao tốc, tàu đệm khí có niên hạn sử dụng không quá 30 năm với vỏ kim loại, chất dẻo cốt sợi thủy tinh, xi măng lưới thép, bê tông cốt thép; không quá 25 năm với vỏ gỗ.
Chính thức cho phá sản ngân hàng yếu kém
Luật Phá sản (sửa đổi) gồm 9 Chương, 133 Điều, quy định về trình tự, thủ tục nộp đơn, thụ lý và mở thủ tục phá sản; xác định nghĩa vụ về tài sản và biện pháp bảo toàn tài sản trong quá trình giải quyết phá sản; thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh; tuyên bố phá sản và thi hành quyết định tuyên bố phá sản. Trong đó, luật dành riêng một chương quy định về thủ tục phá sản tổ chức tín dụng.
Luật quy định, sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán thì những người như: chủ nợ; người lao động, công đoàn; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông; thành viên hợp tác xã có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Tổ chức tín dụng có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; trong trường hợp tổ chức tín dụng không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Ngân hàng Nhà nước nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với tổ chức tín dụng đó.
Khắc phục đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công
Luật Đầu tư công đã thể chế hóa quy trình quyết định chủ trương đầu tư. Đây là nội dung đổi mới quan trọng nhất của Luật Đầu tư công, được coi là điểm khởi đầu quyết định tính đúng đắn, hiệu quả của chương trình, dự án theo đúng các mục tiêu, định hướng, kế hoạch, quy hoạch và chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước.
Đồng thời, Luật sẽ ngăn ngừa sự tùy tiện, chủ quan, duy ý chí trong việc quyết định chủ trương đầu tư, nâng cao trách nhiệm của người ra quyết định chủ trương đầu tư, góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả trong đầu tư công.
Chậm làm sổ đỏ phạt đến 1 tỷ đồng
Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định: Đối với trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở sẽ bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỷ đồng, tùy thời gian làm chậm và số hộ gia đình, cá nhân bị làm chậm.
Cũng theo Nghị định này, hành vi lấn chiếm đất ở sẽ bị phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Tăng lương tối thiểu vùng và thêm 8% lương, trợ cấp cho cán bộ thu nhập thấp
Từ 1/1/2015, hai chính sách quan trọng về tiền lương sẽ có hiệu lực. Đó là chính sách về tăng lương tối thiểu vùng phân theo khu vực doanh nghiệp và chính sách về tăng lương cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống).
Cụ thể, lương tối thiểu tại vùng 1 (gồm các quận và một số huyện của Hà Nội, TP HCM, một số quận, huyện thuộc Hải Phòng; Thành phố Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; một số huyện, thành phố thuộc tỉnh Đồng Nai, Bình Dương) sẽ tăng 400 nghìn đồng so với năm 2014 lên 3,1 triệu đồng/tháng.
Vùng 2 tăng từ 2,4 triệu đồng/tháng lên 2,75 triệu đồng/tháng; vùng 3 tăng từ 2,1 triệu lên 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 4 tăng từ 1,9 triệu lên 2,15 triệu đồng/tháng.
Như vậy, mức lương mới này cao hơn mức lương hiện nay khoảng từ 250 nghìn-400 nghìn đồng/tháng.
Cũng từ mốc thời gian này, ngân sách sẽ dành 11.000 tỷ đồng để điều chỉnh tăng 8% đối với lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công và tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang có thu nhập thấp (hệ số lương từ 2,34 trở xuống, tương đương lương tháng dưới 3 triệu đồng).