Chính quyền Taliban sẽ là khách hàng mới của dầu và khí đốt Nga
(Dân trí) - Chính quyền Taliban vừa ký thỏa thuận tạm thời mua xăng, dầu diesel, khí đốt và lúa mì của Nga.
Nói với Reuters, quyền Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Afghanistan Haji Nooruddin Azizi cho biết bộ của ông đang nỗ lực đa dạng hóa các đối tác thương mại và Nga đã đề nghị cung cấp cho chính quyền Taliban các sản phẩm dầu, khí đốt và lúa mì với mức giá rẻ hơn so với mức giá trung bình trên toàn cầu.
Thỏa thuận trên được cho là thỏa thuận kinh tế quốc tế lớn đầu tiên do chính quyền Taliban thực hiện kể từ khi họ trở lại nắm quyền ở Afghanistan hơn một năm trước. Điều đó có thể làm giảm bớt sự cô lập của phong trào Hồi giáo vốn đã bị cắt đứt hoàn toàn khỏi hệ thống ngân hàng toàn cầu.
Nga hiện vẫn chưa chính thức công nhận chính phủ Taliban, nhưng Moscow đã đón tiếp lãnh đạo của phong trào này trước khi Kabul sụp đổ và đại sứ quán của Nga là một trong số ít đại sứ quán vẫn mở ở thủ đô Afghanistan.
Ông Azizi cho biết, thỏa thuận đề cập đến việc mỗi năm Nga sẽ cung cấp cho Afghanistan khoảng 1 triệu tấn xăng, 1 triệu tấn dầu diesel, 500.000 tấn khí đốt hóa lỏng (LPG) và 2 triệu tấn lúa mì.
Hãng tin TASS của Nga cũng dẫn lời đại diện đặc biệt của Moscow tại Afghanistan xác nhận rằng "các thỏa thuận sơ bộ" cung cấp nhiên liệu và lương thực cho Kabul đã đạt được.
Các bộ trưởng năng lượng và nông nghiệp của Nga vẫn chưa trả lời bình luận về vấn đề này. Văn phòng của Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak, phụ trách lĩnh vực dầu và khí đốt của Nga, cũng chưa có phản hồi về thông tin trên.
Ông Azizi cho biết thỏa thuận sẽ được thử nghiệm trong một thời gian, sau đó hai bên sẽ ký một thỏa thuận dài hạn hơn nếu họ đáp ứng được thỏa thuận.
Mặc dù từ chối tiết lộ chi tiết về mức giá và các phương thức thanh toán, song ông Azizi cho biết Nga đã đồng ý giảm giá so với giá toàn cầu cho các mặt hàng chuyển đến Afghanistan bằng đường bộ và đường sắt.
Kể từ Taliban trở lại nắm quyền, Afghanistan đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế sau khi các khoản viện trợ bị cắt và các lệnh trừng phạt đóng băng phần lớn lĩnh vực ngân hàng.
Thỏa thuận thương mại có thể sẽ được Mỹ theo dõi chặt chẽ vì các quan chức Mỹ vẫn thường xuyên thỏa luận với chính quyền Taliban về các kế hoạch cho hệ thống ngân hàng nước này.
Washington đã công bố thành lập một quỹ ủy thác cho một số quỹ dự trữ của ngân hàng trung ương Afghanistan tại Mỹ. Chính quyền Taliban đã yêu cầu giải phóng khoản tiền khoảng 7 tỷ USD và cho rằng số tiền này cần được sử dụng cho các hoạt động của ngân hàng trung ương.
Theo ông Azizi, các dữ liệu quốc tế đều cho thấy hầu hết người Afghanistan đều sống dưới mức nghèo khổ và văn phòng của ông đang tiếp cận với quốc tế để hỗ trợ thương mại và kinh tế đất nước.
"Người Afghanistan đang rất cần. Những gì chúng tôi làm là dựa trên lợi ích quốc và lợi ích của người dân", ông nói và cho biết Afghanistan đã nhận được một ít dầu và khí đốt từ Iran và Turkmenistan và có mối quan hệ thương mại song phương chặt chẽ với Pakistan. Song Afghanistan cũng muốn đa dạng hóa các đối tác thương mại.
"Một đất nước không nên chỉ phụ thuộc vào một nước, chúng tôi cần phải có những phương án thay thế", ông nói.
Trong khi đó, để hạn chế nguồn thu từ xuất khẩu dầu của Nga, nhóm các nước G7 đang tìm cách áp giá trần đối với dầu Nga. Lệnh cấm vận dầu Nga của châu Âu cũng sẽ có hiệu lực từ ngày 5/12 đối với dầu thô và từ ngày 5/2/2023 đối với các sản phẩm dầu của Nga.
Tuy nhiên, Nga vẫn đang cố gắng duy trì nguồn thu bằng cách tăng cường bán dầu thô sang châu Á, đặc biệt là Trung Quốc và Ấn Độ.