Chính phủ yêu cầu triển khai xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông

(Dân trí) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết về đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Bản Dự thảo hoàn thiện dự kiến sẽ được trình Chính phủ xem xét, thông qua tại kỳ họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018.

Trước đó, tháng 11/2017, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam để năm 2021 phải hoàn thành dự án.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu triển khai xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam để năm 2021 phải hoàn thành dự án.

Theo Nghị quyết, giai đoạn 2017 - 2020 dự kiến đầu tư 654 km, chia thành các dự án thành phần vận hành độc lập, hình thức, quy mô đầu tư phù hợp với từng dự án thành phần. Dự án áp dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại, bảo đảm yêu cầu an toàn, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả.

Được biết, dự án hơn 654 km sẽ được chia thành 11 dự án thực hiện độc lập nhau, gồm 3 dự án đầu tư công, 8 dự án PPP gồm các đoạn Mai Sơn - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai).

Tổng mức đầu tư dự kiến xây dựng các phân đoạn cao tốc Bắc - Nam, giai đoạn 2017 - 2020 là 118.716 tỷ đồng, trong đó có 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và 63.716 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động.

Bộ GTVT đang tạm tính tỷ suất lợi nhuận khoảng 14%/năm cho phần vốn chủ sở hữu; 10,37%/năm cho phần vốn vay; mức thu giá dịch vụ là 1.500 đồng/PCU/km (bắt đầu từ thời điểm dự án đưa vào khai thác), dự kiến 3 năm điều chỉnh 1 lần, mỗi lần tăng khoảng 12%. Với các yếu tố đầu vào này, các nhà đầu tư có thể hoàn vốn dự án trong thời gian dưới 24 năm.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, hiện Quốc hội đã giao Chính phủ xây dựng cơ chế huy động nguồn lực tham gia đầu tư Dự án. Vì vậy, các cơ quan liên quan phải sớm trình Chính phủ ban hành Nghị quyết để triển khai Dự án, bảo đảm tiến độ cơ bản hoàn thành Dự án vào năm 2021.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phải tổ chức đấu thầu công khai, minh bạch để lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực để triển khai các gói thầu, bảo đảm chất lượng, tiến độ, tránh thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

Ngoài hoàn thiện dự án, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sớm có ý kiến về nội dung cơ chế, gửi Văn phòng Chính phủ trước ngày 20/1/2018.

Hiện trên đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ TP.HCM tới Cần Thơ, đoạn cao tốc từ TP.HCM - Trung Lương đã hoàn thành và đang khai thác từ năm 2010; đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai thi công theo hình thức PPP, dự kiến hoàn thành trong năm 2019. Do đó, việc sớm đầu tư xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 là rất cần thiết, giúp nối thông tuyến cao tốc từ TP.HCM đến Cần Thơ.

Ngoài ra, 2 phân đoạn cao tốc Bắc - Nam khác cũng được kiến nghị đầu tư theo hình thức đầu tư công là Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình); Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế).

Nguyễn Tuyền

Chính phủ yêu cầu triển khai xây dựng một số đoạn cao tốc Bắc - Nam phía Đông - 2