Trình Quốc hội thông qua Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam

(Dân trí) - Trong kỳ họp Quốc hội lần này, Chính phủ sẽ trình “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020”. Nếu được Quốc hội thông qua, dự kiến dự án sẽ khởi công vào năm 2019 và hoàn thành vào năm 2021.

Hiện tuyến cao tốc Bắc - Nam từ cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) đến TP.Cà Mau dài 1.500 km, trong đó một số đoạn thành phần đã được đưa vào khai thác, còn lại cần đầu tư gần 1.400 km trên đoạn Hà Nội - TPHCM.

Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đưa ra chi tiết các đoạn tuyến được đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 với tổng chiều dài 654km, giảm 59km so với phương án cũ (713km). Tổng mức đầu tư sơ bộ của các đoạn tuyến đầu tư trong giai đoạn 2017 - 2020 giảm từ 130.216 tỷ đồng xuống còn 118.716 tỷ đồng. Dự kiến, lộ trình đầu tư theo 3 đoạn.

Giai đoạn từ năm 2017 - 2020: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.

Giai đoạn 2021 - 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.

Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công trong năm 2019 và hoàn thành vào năm 2021
Nếu được Quốc hội thông qua trong kỳ họp này, dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ được khởi công trong năm 2019 và hoàn thành vào năm 2021

Trong giai đoạn 2017 - 2020, đầu tư khoảng 654km, chia thành 11 dự án thành phần đi qua 13 tỉnh, thành là Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Tiền Giang và Vĩnh Long.

Trong đó, 8 dự án thuộc các đoạn Mai Sơn (Ninh Bình) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) đầu tư theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, còn lại 3 dự án thành phần đầu tư theo hình thức công gồm: Cao Bồ (Nam Định) - Mai Sơn (Ninh Bình), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên - Huế) và cầu Mỹ Thuận 2.

Ngày 21/10, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ ký gửi Quốc hội “Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020”, để Quốc hội xem xét thông qua chủ trương đầu tư.

Sơ bộ tổng mức đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 của dự án khoảng 118.716 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn Nhà nước hỗ trợ khoảng 55.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, còn lại nguồn vốn nhà đầu tư khoảng 63.716 tỷ đồng (vốn chủ sở hữu khoảng 12.743 tỷ đồng, vốn vay khoảng 50.973 tỷ đồng).

Theo Bộ GTVT, công tác chuẩn bị đầu tư đối với các đoạn tuyến giai đoạn 2017 - 2020 sẽ được thực hiện trong hai năm 2017 - 2018, thời gian dự kiến khởi công năm 2019 và cơ bản hoàn thành vào năm 2021.

Trong quá trình lựa chọn quy mô phân kỳ đầu tư, Chính phủ đã nghiên cứu phương án đầu tư giai đoạn phân kỳ với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, bề rộng nền đường tối thiểu 24,75m với mức vốn Nhà nước hỗ trợ riêng các đoạn đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 khoảng 86.100 tỷ đồng.

Bộ GTVT khẳng định, việc đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam không thể trì hoãn, nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang kinh tế Bắc - Nam, đặc biệt là một số đoạn có nhu cầu cấp bách nhằm sớm khắc phục tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông, giải quyết những hạn chế mà quốc lộ 1 không thể đáp ứng và đây là lựa chọn khả thi trong bối cảnh đường sắt tốc độ cao chưa thể đầu tư.

Trong Kết luận số 19 ngày 5/10/2017 của Bộ Chính trị nêu rõ: Bộ Chính trị đồng ý chủ trương giai đoạn 2017 - 2020 tập trung ưu tiên đầu tư một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, trên cơ sở nguồn vốn trái phiếu Chính phủ đã được Quốc hội khóa XIV thông qua (Nghị quyết số 26/2016/QH14, ngày 10/11/2016), đảm bảo công khai, minh bạch, có cơ chế giám sát, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư.

Châu Như Quỳnh

Trình Quốc hội thông qua Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam - 2