Chính phủ muốn tiếp tục hạ lãi suất

(Dân trí) - Chỉ đạo của Chính phủ được đưa ra giữa bối cảnh nợ xấu mặc dù đã giảm song vẫn ở mức cao, tốc độ tăng trưởng tín dụng 2 tháng đầu năm âm và có tới gần 9.000 doanh nghiệp buộc đóng cửa.

Mức tỉ lệ nợ xấu bất ngờ được giảm xuống 6% đang gây nhiều tranh cãi.
Mức tỉ lệ nợ xấu bất ngờ được giảm xuống 6% đang gây nhiều tranh cãi.

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2013 vừa được Chính phủ ban hành ngày 7/3, các thành viên của Chính phủ đều đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn khó khăn, thách thức khi lãi suất đang ở mức cao, dư nợ tín dụng giảm và nợ xấu lớn.

Mặc dù theo số liệu gần nhất, nợ xấu đã giảm từ hơn 8% xuống còn 6% song cùng với đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tới thời điểm 6/2 vẫn bị âm 0,16%, cho thấy vốn tới tay doanh nghiệp còn hạn chế.

Điều này đã khiến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, nhất là sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn, tồn kho cao ở một số ngành, số lượng doanh nghiệp giải thể không ngừng tăng. Đến 28/2/2013, cả nước đã có tới 8.600 doanh nghiệp phải đóng cửa, trong khi số doanh nghiệp mới thành lập chỉ đạt con số 8.000.

Trong định hướng điều hành thời gian tới, Chính phủ yêu cầu phải khẩn trương, quyết liệt để đưa các cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu đi vào cuộc sống. Trong khi đó vẫn tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ, đối với chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước cần điều hành theo hướng giảm lãi suất, tăng dư nợ tín dụng phù hợp với mục tiêu cả năm 2013 (đạt 12%); bảo đảm vừa hỗ trợ sản xuất, vừa kiểm soát lạm phát.

Trên thực tế, khả năng hạ lãi suất phụ thuộc vào tình hình kiểm soát lạm phát. Xuất hiện trước báo chí thời gian gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, nếu lạm phát năm nay dưới  6% thì sẽ có cơ sở để giảm lãi suất huy động, từ đó làm tiền đề hạ lãi suất cho vay.

Tuy vậy, với chỉ đạo lần này của Chính phủ, doanh nghiệp sẽ có nhiều kỳ vọng hơn trong khả năng tiếp cận vốn năm 2013 này.

Ngoài ra, cũng trong Nghị quyết của Chính phủ, cơ quan điều hành yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục theo dõi và điều hành tỷ giá hợp lý; tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng; cơ cấu nợ và sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu.

Trong đó, một nhiệm vụ quan trọng của Ngân hàng Nhà nước là khẩn trương trình phê duyệt Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng, trình thành lập và quy định Điều lệ Công ty quản lý tài sản; phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Bích Diệp