Chính phủ “lệnh” kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại ngân hàng yếu kém
(Dân trí) - Tại Nghị quyết Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2015, Chính phủ đều thống nhất yêu cầu NHNN phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD, kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại các TCTD yếu kém; phấn đấu đưa nợ xấu xuống dưới 3% cuối năm 2015.
Hai ngân hàng Ocean Bank và GP Bank đều đã nằm trong "tầm ngắm" của NHNN
Cụ thể, từng Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục có các giải pháp cụ thể, thiết thực để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển sản xuất, kinh doanh đầu tư của doanh nghiệp; trong đó, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, đất đai, xây dựng, tiếp cận điện, thành lập doanh nghiệp, phá sản doanh nghiệp…
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và các Đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực đã được phê duyệt, nhất là đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2014-2015, tập trung cổ phần hóa, thoái vốn ngoài ngành và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Đưa nợ xấu xuống dưới 3% vào cuối năm nay
Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ sản xuất, xuất khẩu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
NHNN chỉ đạo ưu tiên vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh có hiệu quả. Đồng thời,tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, kiên quyết sắp xếp, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém; phấn đấu đưa nợ xấu xuống dưới 3% cuối năm 2015. Phối hợp với các Bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải nghiên cứu đề xuất gói tín dụng cho đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tổ chức triển khai có hiệu quả Luật đầu tư công. Đẩy mạnh hợp tác theo hình thức đối tác công - tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để huy động tối đa nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.
Bộ này cũng được giao chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, NHNN nghiên cứu, đề xuất các giải pháp bổ sung vốn đối ứng cho dự án ODA, báo cáo Thủ tướng trong tháng 3 này; và sớm báo cáo Thủ tướng xem xét, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc bổ sung kế hoạch vốn ODA và vốn đối ứng năm 2015 để đáp ứng tiến độ triển khai các dự án.
Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương quyết liệt triển khai công tác quản lý giá cả các mặt hàng thiết yếu và các mặt hàng do nhà nước quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự kiểm soát của nhà nước.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính còn có nhiệm vụ thực hiện tốt thu ngân sách nhà nước, tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, triển khai quyết liệt các biện pháp chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế; điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ theo đúng dự toán được giao, hạn chế tối đa xử lý bổ sung ngoài ngân sách.
Bộ Công Thương thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu; xây dựng các giải pháp về thị trường, xúc tiến thương mại, khai thác tối đa thị trường hiện có, phát triển thị trường mới, có tiềm năng để xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng và giá trị kim ngạch cao. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan mở rộng hệ thống phân phối xăng E5, đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng để bảo vệ quyền lợi người sử dụng.
Bích Diệp