1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chính phủ đề xuất vay 3 tỷ USD qua trái phiếu quốc tế

(Dân trí) - Theo khẳng định của Chính phủ, về cơ bản, phương án này sẽ không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định.

Trong Tờ trình gửi lên Quốc hội kỳ 10 khóa XIII, Chính phủ đã đề xuất trong thời gian tới cần tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) để tăng cường huy động vốn cho ngân sách nhà nước, đồng thời từng bước thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ Chính phủ.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Cụ thể, Chính phủ đề nghị cho phép phát hành TPCP với tất cả các kỳ hạn. Trên cơ sở chủ trương được Quốc hội phê duyệt, trong điều hành Chính phủ sẽ tập trung phát hành TPCP có kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, dự kiến vào khoảng 60-70% tổng khối lượng phát hành tùy vào tình hình thị trường.

Với điều kiện kinh tế vĩ mô, thị trường ổn định và khối lượng huy động qua kênh TPCP phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường thì Chính phủ dự kiến kỳ hạn phát hành bình quân của TPCP là 5,5 năm trong giai đoạn 2016 – 2020.

Đồng thời, Chính phủ sẽ huy động vốn thông qua phát hành TPCP tại thị trường quốc tế. Dự kiến khối lượng phát hành trái phiếu quốc tế của Chính phủ khoảng 3 tỷ USD để tái cơ cấu lại khoản nợ TPCP trong nước trong giai đoạn 2015-2016. Từ năm 2017, sẽ phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi và bù đắp thiếu hụt nguồn vốn nước ngoài khi Việt Nam “tốt nghiệp” IDA (nguồn vốn vay chính thức của Ngân hàng Thế giới).

Theo phương án trình, kỳ hạn phát hành từ 10 đến 30 năm. Lãi suất phụ thuộc vào điều kiện thị trường vốn quốc tế tại thời điểm phát hành.

“Về cơ bản, phương án này sẽ không làm tăng dư nợ Chính phủ, các chỉ số an toàn về nợ công đến năm 2020 vẫn được duy trì trong giới hạn quy định, đồng thời vẫn đáp ứng được mục tiêu cơ cấu nợ hợp lý theo chiến lược đã đề ra là đến năm 2020 tỷ lệ nợ nước ngoài của Chính phủ luôn thấp hơn 50% tổng nợ Chính phủ” – Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thay mặt Chính phủ khẳng định trước Quốc hội.

Ông Dũng cũng cho biết, điều này cũng sẽ giảm nghĩa vụ trả nợ ngắn hạn của Chính phủ trong giai đoạn tới, góp phần đảm bảo chỉ tiêu nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép (không quá 25% thu ngân sách nhà nước hàng năm).

Theo số liệu Chính phủ cung cấp, trong 9 tháng đầu năm 2015, khối lượng phát hành TPCP (gồm cả trái phiếu nội tệ và ngoại tệ) mới chỉ bằng 51% kế hoạch và bằng 60,6% so với cùng kỳ năm 2014. Theo ước tính, nếu không được phát hành đa dạng hóa các kỳ hạn TPCP thì dự kiến cả năm 2015 chỉ huy động được khoảng 160.000 tỷ đồng, hụt 90.000 tỷ đồng so với kế hoạch.

Tại báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với các nội dung Chính phủ trình, nhưng đề nghị việc phát hành TPCP ra thị trường vốn quốc tế phải bảo đảm chi phí vay vốn nước ngoài bằng hoặc thấp hơn chi phí vay vốn trong nước để cơ cấu lại nợ chính phủ và cân nhắc sửa đổi có giới hạn với việc phát hành TPCP trong nước. Theo đó, đề nghị chỉ cho phép phát hành TPCP từ 3 năm trở lên và khối lượng không quá 30% tổng khối lượng TPCP phát hành, thực hiện trong năm 2015 và 2016.

Bích Diệp

Chính phủ đề xuất vay 3 tỷ USD qua trái phiếu quốc tế - 2