Chính phủ: Đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% là cực khó

(Dân trí) - Ông Mai Tiến Dũng cho biết, tinh thần của Chính phủ vẫn là phấn đấu mức độ cao nhất để đạt mục tiêu nhưng để đạt được tốc độ tăng GDP 6,7% trong năm 2016 là cực khó. Trong khi đó, theo đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP tăng thấp hơn mục tiêu sẽ ảnh hưởng đến một số chỉ tiêu (nợ công/GDP, bội chi/GDP) song ảnh hưởng "trong tầm chấp nhận được".

Chỉ tiêu tăng trưởng và các biện pháp nhằm đạt chỉ tiêu tăng trưởng trong năm 2016 là một nội dung quan trọng được lãnh đạo Chính phủ bàn bạc tại phiên họp kéo dài hai ngày 3-4/10 vừa qua.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, các mục tiêu đã được "đặt hàng" cho Chính phủ trong năm nay là phải đưa tốc độ tăng GDP đạt 6,7%, xuất khẩu duy trì mức 7,5-8%; bội chi không quá 4%, nợ công không quá 65%, nợ Chính phủ không quá 50%.

Việc tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng tới một loạt chỉ tiêu khác (ảnh: Bloomberg)
Việc tăng trưởng GDP không đạt mục tiêu sẽ ảnh hưởng tới một loạt chỉ tiêu khác (ảnh: Bloomberg)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, trong bối cảnh còn rất nhiều khó khăn thách thức, nhiệm vụ còn lại cuối năm 2016 rất nặng nề, nhất là mục tiêu tăng trưởng GDP và mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu. Trong 13 chỉ tiêu, thì 9 tháng đã hoàn thành và vượt 11 chỉ tiêu, còn lại 2 chỉ tiêu là tăng trưởng GDP và xuất khẩu. Xuất khẩu là mục tiêu 7,5-8% nhưng 9 tháng mới đạt 6,7%. Còn chỉ tiêu GDP thì "nỗ lực đạt mục tiêu cao nhất kế hoạch năm 2016 từ 6,3-6,5%", theo Thủ tướng.

Nói tại phiên họp báo thường kỳ tháng 9 vừa diễn ra chiều qua (4/10), ông Mai Tiến Dũng, người phát ngôn của Chính phủ khẳng định, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hiện không đặt vấn đề hạ chỉ tiêu tăng trưởng so với Nghị quyết của Quốc hội.

"Tinh thần của Chính phủ vẫn là phấn đấu mức độ cao nhất để đạt mục tiêu nhưng theo các dự báo thì để đạt được tốc độ tăng GDP 6,7% trong năm 2016 là cực khó. Muốn đạt được, phải đạt tăng trưởng quý IV là 8,3%, quý III đạt 6,4%", ông Dũng nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, ngay cả với quyết tâm đạt được tăng trưởng GDP quý IV ở mức 7,7% để qua đó đưa tốc độ tăng GDP cả năm lên 6,5% cũng là "rất quyết liệt".

Khoảng tăng trưởng mục tiêu từ 6,3% đến 6,5% được Chính phủ đặt ra trong bối cảnh điều kiện kinh tế thế giới nhiều yếu tố không thuận, thương mại toàn cầu suy giảm lớn. Tình hình trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề, tiêu cực của biến đổi khí hậu, hạn hán miền Trung, Tây Nguyên, ngập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long, cơn bão số 1 tại các tỉnh ven biển như Thái Bình, Ninh Bình, Hà Nam, Hải Phòng, lạnh giá gây hại gia súc, sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi... đẩy tăng trưởng lĩnh vực nông nghiệp xuống mức âm 1,23% trong quý I và đến quý II vẫn âm 0,18%. Trong khi đó, tỉ lệ khai khoáng giảm do giá dầu thô giảm so với cùng kỳ.

Một số nhóm giải pháp Chính phủ đưa ra song quan trọng nhất phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. "Quan điểm của Thủ tướng là tỉ lệ tăng trưởng không quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng", ông Dũng cho hay.

Theo đó, một số giải pháp được đưa ra là thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, giảm chi phí trong sản xuất, thúc xuất nhập khẩu, thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Ban hành Nghị quyết 60 thúc đẩy giải ngân. Ngoài ra, tăng cường thúc đẩy phát triển tại các bộ, ngành, địa phương, thực hiện an sinh xã hội...

Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu lưu ý rằng, việc chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các chỉ số khác vì tăng trưởng GDP là mẫu số tính toán nhiều chỉ tiêu khác (như nợ công/GDP, bội chi/GDP). Tuy nhiên, sự ảnh hưởng, theo ông Thu "chắc chắn trong tầm chấp nhận được".

Bích Diệp