Chính phủ: Chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT
(Dân trí) - Đây là nhiệm vụ được Chính phủ giao cho Bộ Giao thông Vận tải phải thực hiện tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7. Bộ GTVT sẽ đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2016.
Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2016 vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, tại nghị quyết này, Chính phủ nêu rõ, nhiệm vụ của Bộ Giao thông Vận tải là đề xuất giải pháp giảm gánh nặng chi phí vận tải nội địa cho người dân và doanh nghiệp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2016.
Chính phủ cũng yêu cầu bộ này tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án công trình, giao thông sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ được giao trong kế hoạch năm 2016. Cùng với đó là chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý vi phạm việc lạm thu, gian lận phí BOT.
Chỉ đạo này của Chính phủ được đưa ra sau khi kết quả thanh tra tại dự án BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho thấy có sự chênh lệch lớn giữa con số thu phí bình quân thực tế và con số báo cáo của chủ đầu tư (chênh lệch lên tới 800 triệu đồng/ngày).
Hiện tại, trên địa bàn cả nước có 86 trạm thu phí BOT trong đó đã có 45 trạm đang thu phí. Bộ Tài chính mới đây đã đưa kiến nghị xem xét giảm 10 - 20% phí với nhóm xe dưới 12 chỗ và xe đến 30 chỗ ngồi là 45.000 đồng tại 5 trạm đã thu phí mức cao nhất gồm 2 trạm ở Quốc lộ 5, 2 trạm cầu Bến Thủy Quốc lộ 1 và 1 trạm cầu Gianh Quốc lộ 1. Nếu được chấp thuận, sẽ có 24 trạm thu phí giảm phí cho các xe nhóm 4, 5 với mức 10 - 15% và có 5 trạm giảm phí cho các xe nhóm 1, 2 với mức từ 10 - 20%.
Bộ Tài chính đã có công văn 1954 ngày 19/7 gửi các bộ, địa phương, các nhà đầu tư dự án BOT đề nghị các cơ quan và các doanh nghiệp BOT có ý kiến và gửi về Bộ Tài chính ngày 1/8. “Hiện nay, Bộ Tài chính đang tổng hợp các ý kiến phản hồi về đề xuất giảm phí và trong tháng 8 này, Bộ Tài chính sẽ trình Thủ tướng Chính phủ”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết.
Tại Nghị quyết, Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương ra sức khắc phục khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.
Đồng thời phát huy tinh thần đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực trong và ngoài nước, tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp trên tất cả các lĩnh vực theo Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, của Chính phủ đã đề ra.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất.
Bộ Tài chính xây dựng đề án cơ cấu lại thu chi ngân sách và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững trình Chính phủ trong tháng 9/2016. Chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách, chống thất thu, chuyển giá, triệt để tiết kiệm chi.
Kiểm tra, chấn chỉnh ngay việc hoàn thuế giá trị gia tăng và đề xuất phương án hoàn thuế nhanh, kịp thời, thuận lợi cho doanh nghiệp, theo hướng cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế giá trị gia tăng trước, kiểm tra sau, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2016.
Theo yêu cầu của Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với tư cách người đứng đầu, phải chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý nhà nước và kết quả triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý.
Bích Diệp