Chìm trong khủng hoảng vì thuế quan, Boeing liệu có thể tìm lại ngôi vương?
(Dân trí) - Khủng hoảng an toàn nối tiếp đại dịch, Boeing chưa kịp phục hồi thì lại lao đao vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Hành trình trở lại đỉnh cao của Boeing giờ đây trở nên mong manh hơn bao giờ hết.

Boeing "khó chồng khó"
Trong những năm gần đây, Boeing liên tiếp vướng phải nhiều vấn đề nghiêm trọng, từ khủng hoảng an toàn gây ra các vụ tai nạn và lệnh cấm bay, nhu cầu máy bay sụt giảm trong đại dịch, cho đến các cuộc đình công kéo dài.
Giờ đây, với vị thế là hãng xuất khẩu hàng đầu của Mỹ, chính sách thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể là "đòn giáng" tiếp theo vào công ty này và cả nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Máy bay Boeing có thể đắt hơn hàng triệu USD nếu các quốc gia khác áp thuế trả đũa với hàng hóa Mỹ. Trong khi đó, các mức thuế mà Mỹ đã áp dụng có thể khiến chi phí sản xuất trong nước tăng mạnh, do Boeing phụ thuộc nhiều vào các nhà cung cấp nước ngoài.
"Cuộc chiến thuế là điều Boeing không hề mong muốn lúc này", ông Ron Epstein, nhà phân tích hàng không tại Bank of America, nhận định trong báo cáo.
Dấu hiệu rắc rối đầu tiên xuất hiện gần đây khi 2 máy bay tại nhà máy của Boeing ở Trung Quốc phải quay về Seattle, thay vì được giao cho khách hàng tại đây. Việc này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc áp thuế nhập khẩu 125% với toàn bộ hàng hóa Mỹ, để trả đũa việc bị Mỹ áp thuế 145%.

Chiếc Boeing 737 MAX dự kiến giao cho Xiamen Airlines quay về đáp tại Seattle, Washington, Mỹ hôm 19/4 (Ảnh: Reuters).
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp tục đẩy các ông lớn vào thế khó. Tập đoàn Boeing mới đây xác nhận Trung Quốc không chỉ trả lại các đơn hàng sắp bàn giao mà còn ngừng nhận máy bay mới.
Theo CNBC, Giám đốc điều hành Boeing Kelly Ortberg ngày 23/4 cho biết, Trung Quốc đã gửi trả 2 máy bay và chiếc thứ 3 đang trên đường về Mỹ, sau khi các khách hàng Trung Quốc từ chối nhận máy bay do căng thẳng thương mại với Mỹ. "Họ thực sự đã dừng nhận máy bay vì môi trường thuế quan hiện tại", ông Ortberg nói.
Trung Quốc hiện là một trong những thị trường máy bay lớn nhất của Boeing. Năm 2018, gần một phần tư sản lượng của Boeing được xuất khẩu sang thị trường tỷ dân này. Vị CEO của Boeing cũng cho biết, 50 chiếc máy bay mà tập đoàn này dự kiến bàn giao cho Trung Quốc trong năm nay nhiều khả năng sẽ không được nhận.
Boeing vẫn đang tồn kho loạt máy bay vốn được sản xuất dành cho các hãng hàng không Trung Quốc. Hãng cảnh báo rằng căng thẳng thương mại leo thang có thể gây tổn hại thêm cho chuỗi cung ứng vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch và chỉ mới bắt đầu hồi phục trở lại.
Mới chỉ là khởi đầu của các rắc rối thương mại?
Nhiều chuyên gia bày tỏ lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế Mỹ. Nếu áp thuế lên máy bay và linh kiện, hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy trong ngành hàng không và chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng.
Điều này sẽ càng đẩy nền kinh tế gần hơn đến bờ vực suy thoái. "Nếu muốn có một ngành sản xuất đạt xuất khẩu ròng, tại sao lại trừng phạt họ?", ông Epstein đặt câu hỏi.
Ban lãnh đạo Boeing cho biết họ tin rằng chính quyền Trump sẽ xoa dịu các lo ngại liên quan đến thuế. "Chúng tôi trao đổi với quan chức mỗi ngày, từ các bộ trưởng đến Tổng thống Mỹ. Tình hình hiện nay rất biến động", CEO Boeing Kelly Ortberg nói với nhà đầu tư ngày 23/4.
Trong các cuộc trao đổi, ông nhận thấy chính quyền Trump hiểu rõ tầm quan trọng của ngành hàng không vũ trụ với nền kinh tế Mỹ và vai trò hãng xuất khẩu hàng đầu của Boeing. Dù đối mặt với nhiều khó khăn, Boeing ước tính hãng đang hỗ trợ 1,6 triệu việc làm cả trực tiếp và gián tiếp, bao gồm gần 150.000 nhân viên tại Mỹ.

Nếu áp thuế lên máy bay và linh kiện, hoạt động sản xuất của nhiều nhà máy trong ngành hàng không và chuỗi cung ứng sẽ bị ảnh hưởng (Ảnh: Getty Images).
Việc các máy bay này quay đầu có thể chỉ là bước khởi đầu cho các rắc rối thương mại của Boeing. Trung Quốc hiện là thị trường lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cho máy bay thương mại.
Theo phân tích gần đây của Boeing, các hãng hàng không Trung Quốc dự kiến mua 8.830 máy bay mới trong 20 năm tới. Con số này chiếm khoảng 10-15% nhu cầu toàn cầu.
Tuy nhiên, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến Boeing mất dần thị phần vào tay các đối thủ. Khách hàng Trung Quốc từng đặt mua 122 máy bay Boeing trong năm 2017 và 2018.
Tuy nhiên năm ngoái, con số này chỉ còn 28 chiếc, phần lớn là loại chở hàng hoặc do các công ty cho thuê máy bay Trung Quốc mua. Từ năm 2019 đến nay, Boeing chưa ghi nhận đơn hàng máy bay chở khách nào từ các hãng hàng không Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất cũng có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì khoảng 80% linh kiện máy bay của Boeing được làm ở nước ngoài. Ví dụ, cánh máy bay của dòng 787 Dreamliner được sản xuất tại Nhật Bản. Tấm bịt cửa của chiếc 737 Max lại đến từ một công ty ở Malaysia.
Tìm được nhà cung cấp thay thế trong nước sẽ không dễ dàng. Mỗi nhà cung cấp mới cần được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp chứng nhận. Quá trình này có thể mất hơn một năm.
Điều này buộc Boeing tiếp tục phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu - đồng nghĩa phải chịu thêm tiền thuế khiến chi phí bị đội thêm hàng triệu USD. Boeing cũng chưa ghi nhận lãi năm kể từ năm 2018. Lỗ hoạt động lũy kế hiện lên tới 51 tỷ USD.
Tương lai của Boeing sẽ đi về đâu?
Boeing đang tìm cách phân phối lại 41 máy bay đã sản xuất cho các khách hàng khác - phần lớn là dòng 737 MAX - bởi nhu cầu từ các hãng hàng không khác vẫn rất cao.
"Chúng tôi sẽ không tiếp tục sản xuất máy bay cho khách hàng không có ý định nhận hàng", ông Ortberg nói thêm. Với 9 chiếc máy bay chưa vào dây chuyền, Boeing đang xem xét lại ý định đặt hàng của các hãng Trung Quốc để sẵn sàng chuyển hướng.
Hãng hàng không Malaysia Airlines cho biết đang đàm phán với Boeing để mua lại các máy bay có thể không được phía Trung Quốc tiếp nhận. "Vẫn còn rất nhiều khách hàng muốn sở hữu dòng Max. Chúng tôi sẽ không chờ quá lâu. Tôi sẽ không để việc này cản trở quá trình phục hồi của công ty", Ortberg nhấn mạnh với báo chí.
Boeing không có ý định chờ đợi lâu. "Chúng tôi sẽ không để chuyện này làm chậm lại quá trình phục hồi của công ty", ông Ortberg khẳng định. Việc linh hoạt điều chỉnh kế hoạch sản xuất và giao hàng sẽ là chiến lược giúp hãng tránh bị đình trệ.
Boeing cũng cho biết, không chỉ những chiếc máy bay đang sẵn có, mà cả các đơn hàng dự kiến sản xuất cho Trung Quốc trong thời gian tới cũng có thể được điều hướng sang nơi khác nếu tình hình không cải thiện.
Dù gặp khó khăn với thị trường Trung Quốc, Boeing vẫn công bố kết quả kinh doanh quý I khả quan hơn dự báo. Công ty ghi nhận mức thua lỗ thấp hơn kỳ vọng và lượng tiền mặt tiêu hao cũng thấp hơn so với lo ngại của giới phân tích.
Trong thư gửi nhân viên, Ortberg dẫn ra nhiều chỉ số cho thấy hoạt động đang dần cải thiện, nhưng cũng thừa nhận các vấn đề thương mại có thể ảnh hưởng đến kết quả thời gian tới.
Sự cải thiện này đến từ việc giao hàng tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm, cho thấy hoạt động sản xuất và bàn giao máy bay của hãng đã có dấu hiệu hồi phục sau quãng thời gian khủng hoảng vì sự cố dòng 737 Max và ảnh hưởng của đại dịch.
Sau khi Trung Quốc từ chối nhận máy bay, hãng hàng không giá rẻ Air India của Ấn Độ đã đưa ra yêu cầu đặt mua 10 máy bay của Boeing trong đơn hàng.

Chính sách thuế nhập khẩu có thể là đòn giáng tiếp theo vào Boeing (Ảnh: Reuters).
Trong ngành hàng không, những máy bay chưa sử dụng thường được gọi là "đuôi trắng", vì chúng được chế tạo mà không có nhãn hiệu cụ thể hoặc hoàn thiện cấu hình. Điều này khiến các máy bay "đuôi trắng" trở thành ứng cử viên hàng đầu để Air India đặt mua, mặc dù có thể cần phải sửa đổi nhỏ để phù hợp với các tiêu chuẩn hoạt động của Air India.
Aviation A2z nhận định, những gián đoạn của chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm chậm quá trình sản xuất và giao máy bay khiến nhiều hãng hàng không phải vật lộn để tăng công suất. Đối với Air India, cơ hội mua máy bay phản lực chế tạo sẵn có thể giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi, giảm sự phụ thuộc vào các đơn đặt hàng mới đang bị trì hoãn từ các nhà sản xuất.
Đối với Boeing, việc tìm kiếm khách hàng mua lại những chiếc máy bay bị từ chối nhận là một nhu cầu chiến lược. Với sự không chắc chắn của những đợt giao hàng với các hãng hàng không Trung Quốc trong thời gian tới thì việc tái sử dụng những chiếc máy bay phản lực này cho phép Boeing duy trì đà giao hàng, thu hồi chi phí liên quan đến hàng tồn kho chưa giao.
Air India mua lại 10 chiếc máy bay của Boeing là một thương vụ đôi bên cùng có lợi hiếm có. Vì việc này vừa giúp Boeing giảm bớt lượng máy bay tồn, lại vừa đáp ứng nhu cầu vận chuyển của Air India hiện tại.
Hiện tại, đại diện Air India và Boeing vẫn chưa đưa ra phản hồi nào về thương vụ trên.
Tuy nhiên, việc bị gián đoạn với thị trường lớn như Trung Quốc chắc chắn sẽ là một thách thức lớn nếu kéo dài. Boeing cần duy trì đà tăng trưởng và củng cố mạng lưới khách hàng toàn cầu để tránh phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường cụ thể.