1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Chiến tranh” thương mại Trung-Mỹ!

Người Mỹ đang ngày càng bất an với sự bành trướng về kinh tế của Trung Quốc, nước có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 9% trong thập kỷ qua.

Mỹ buộc tội Trung Quốc “cướp” việc làm ở Mỹ, cố tình giữ cho đồng NDT thấp hơn giá trị thực, xuất khẩu thiểu phát bằng cách bán hàng hóa của Trung Quốc ra thế giới với giá thấp do trợ cấp, vi phạm các quyền lao động để giữ tiền lương thấp, và không thực hiện đúng các cam kết với WTO khi gia nhập.

Mỹ mở đầu cuộc tấn công Trung Quốc một cách quyết liệt nhất vào năm 2004 bằng một số vụ khiếu kiện của các nhóm lợi ích tại Mỹ, trong đó có vụ kiện của 27 nhà sản xuất đồ gỗ đòi chính phủ phải áp đặt thuế chống bán phá giá lên sản phẩm nhập khẩu từ 135 nhà sản xuất của Trung Quốc, nước chiếm đến 40% thị phần đồ gỗ ở Mỹ, với những lý do như không đảm bảo quyền lợi của công nhân Trung Quốc và giữ mức lương thấp nhằm hạ giá thành sản xuất một cách bất công.

Kết cục là Chính phủ Mỹ chấp thuận đánh thuế tới 198% lên những nhà sản xuất không hợp tác điều tra bán phá giá, và 24% cho những nhà sản xuất còn lại. Trung Quốc phản ứng lại: 120 nhà sản xuất tập hợp lại dọa đưa vụ việc ra tòa, buộc Mỹ cuối cùng phải hạ mức thuế xuống trung bình còn 8,6%.

Thực ra, đa phần các lời buộc tội trên không chính xác. Nhưng sự hiểu lầm đằng sau những lời buộc tội này đã mở ra con đường dẫn đến xung đột thương mại giữa hai nước, là điều mà nếu tiếp tục leo thang thành một cuộc chiến tranh thì sẽ gây tổn hại lớn cho cả hai bên.

Trung Quốc không “cướp” việc làm ở Mỹ, cũng như không có những hành động thương mại gian lận làm sói mòn sức mạnh kinh tế của Mỹ để trở thành một siêu cường thế giới. Trên thực tế, 60% hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc xuất sang Mỹ được sản xuất tại các doanh nghiệp nước ngoài, nhiều trong số đó thuộc về người Mỹ.

Những nhà nhập khẩu lớn của Mỹ, như Wal-Mart - nhập đến gần 20 tỷ USD trong một hai năm gần đây - luôn gây sức ép lớn buộc các nhà cung cấp ở Trung Quốc phải giữ mức giá của họ thấp nhất có thể.

Vì vậy, người thực ra đáng bị buộc tội trong việc Trung Quốc xuất khẩu thiểu phát và xuất khẩu của Trung Quốc tăng chóng mặt chính là những nhà nhập khẩu Mỹ, người tiêu dùng Mỹ - là những người mua hàng của Trung Quốc với giá rẻ mạt, và những cổ đông các công ty Mỹ luôn đòi hỏi chia lợi tức cao hơn (do đó buộc các công ty này phải di chuyển sang Trung Quốc hoạt động để duy trì tính cạnh tranh). Một cuộc chiến thương mại kéo dài sẽ làm tổn hại những nhóm quyền lợi này nhiều hơn bất cứ ai khác.

Một trong những chỉ trích chính của Mỹ nhằm vào Trung Quốc nảy sinh từ sự hiểu lầm về tỷ giá NDT/USD. Luận điệu của các nhóm chỉ trích - từ quan chức chính phủ đến lãnh đạo các doanh nghiệp và nghiệp đoàn - đều giống nhau khi cho rằng Trung Quốc đang ấn định giá NDT/USD ở mức thấp để chiếm ưu thế một cách bất công trong xuất khẩu.

Ưu thế này, theo họ, là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại lớn ở Mỹ với Trung Quốc, lên gấp rưỡi gần đây từ mức 124 tỷ USD năm 2003.

Tuy vậy, tỷ giá không phải là nguyên nhân gây ra thâm hụt thương mại của Mỹ. Trước tiên, đồng NDT không bị phá giá trên các thị trường quốc tế. Nếu như những người chỉ trích buộc tội Trung Quốc là xuất khẩu thiểu phát, thì người ta cũng có thể dễ dàng thấy Trung Quốc đang nhập khẩu lạm phát.

Giá nhập khẩu các nguyên liệu vào Trung Quốc, đặc biệt như quặng sắt, thép, nhôm, đã tăng chóng mặt trong mấy năm qua. Vì lo sợ nền kinh tế phát triển quá nóng và gây lạm phát, chính phủ Trung Quốc đã kiểm soát và hạn chế nhập khẩu nhằm hạ nhiệt nền kinh tế. Nếu không, nhập khẩu còn tăng lên nữa, có cơ vượt quá mức xuất khẩu.

Tỷ giá chẳng liên quan gì đến thực tế rằng Trung Quốc thừa khả năng tài chính để chi trả tất cả các khoản nhập khẩu nhằm duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và vượt lên trên các đối thủ cạnh tranh khác trên thế giới. Hiểu một cách đơn giản hơn: người ta không thể sống khỏe bằng việc mua đắt bán rẻ mãi được!

Nhiều người còn lấy chuyện Trung Quốc có kho dự trữ ngoại tệ khổng lồ - chủ yếu có được từ thặng dư thương mại và FDI - để làm bằng chứng rằng đồng NDT bị định giá thấp, dựa trên suy luận rằng các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc chỉ vì nước này có lao động giá rẻ, dồi dào và đồng bản tệ rẻ.

Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc là những nhà đầu tư dài hạn: Trung Quốc là thị trường nội địa lớn nhất trên thế giới và là địa điểm lý tưởng cho bất cứ một công ty đa quốc gia nào muốn vươn lên vị trí hàng đầu thế giới.

Đa phần các nhóm chỉ trích kêu gọi Trung Quốc thả nổi đồng NDT xóa bỏ kiểm soát lưu chuyển ngoại hối. Tuy nhiên, ngay các quan chức tài chính Mỹ như Alan Greenspan (thời còn đương chức Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ) cũng cảnh báo rằng kết cục của việc thả nổi đồng NDT sẽ là sự chảy ngược các khoản tiền gửi từ hệ thống ngân hàng Trung Quốc ra nước ngoài (để tránh rủi ro lạm phát cao, do nền kinh tế phát triển quá nóng, làm giảm lãi suất thực được hưởng ở Trung Quốc), có thể làm sụp đổ hệ thống tài chính ngân hàng đang trong thời kỳ thay đổi mạnh mẽ ở nước này, là điều quá sức chịu đựng của chính phủ Trung Quốc.

Một nguyên nhân quan trọng khác của vấn đề dự trữ ngoại hối tăng nhanh là một khối lượng lớn ngoại tệ đầu cơ bí mật thâm nhập vào Trung Quốc trước triển vọng Trung Quốc sớm hay muộn sẽ có ngày phải nâng giá đồng NDT (và đúng như vậy). Theo ước tính của ngân hàng trung ương Trung Quốc thì chỉ riêng trong năm 2004 đã có khoảng 120 tỷ USD thâm nhập vào Trung Quốc không rõ nguồn gốc.

Nguồn ngoại tệ này chủ yếu đầu tư vào bất động sản, thị trường chứng khoán Hong Kong, và cho vay cá nhân hoặc doanh nghiệp tư nhân, những người không có khả năng vay mượn từ ngân hàng. Trong khi đó, ngân hàng trung ương vẫn phải mua gom ngoại tệ trôi nổi để giữ tỷ giá NDT ổn định, do đó làm tăng nhanh dự trữ ngoại hối (riêng năm 2004 đã tăng thêm 206 tỷ USD).

Trung Quốc tuyên bố rằng mục tiêu cuối cùng của họ là một đồng NDT tự do chuyển đổi, nhưng họ sẽ thực hiện điều này “dần dần và an toàn” hướng đến một cơ chế tỷ giá linh động hơn. Không có gì chứng minh rằng họ không có ý định nghiêm túc như vậy.

Nhưng hiện nay, Trung Quốc tuyên bố rằng họ sẽ không đáp lại các yêu cầu nâng giá NDT từ bên ngoài, mà kết cục, theo họ, chỉ là sự tăng mạnh các dòng tiền đầu cơ khi nhà đầu cơ tin rằng nếu tăng áp lực bên ngoài hơn nữa sẽ buộc Trung Quốc phải tiếp tục nâng thêm giá đồng NDT.

Một yếu tố quan trọng nữa làm hàng hóa của Trung Quốc có giá rất rẻ không bắt nguồn từ trợ cấp bất công của chính phủ, mà chỉ đơn giản là hậu quả của việc mở cửa nền kinh tế và làm gia tăng tính cạnh tranh giữa các nhà sản xuất Trung Quốc.

Tuy nhiên, bất chấp sự thực của “mối đe dọa Trung Quốc” đối với nước Mỹ chỉ là sự hiểu lầm như vậy, nhiều chính khách Mỹ vẫn xem Trung Quốc như một mối đe dọa thực sự.

Đặc biệt, việc tập đoàn máy tính Levono của Trung Quốc mua lại ngành máy tính cá nhân của IBM đã được nhìn nhận như là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc đang từng bước kiểm soát các công nghệ và tài sản chiến lược (mặc dù không chỉ có Trung Quốc mới mua lại các công ty Mỹ, và Trung Quốc không chỉ mua lại công ty của Mỹ mà còn của các nước khác).

Cuối cùng, có lẽ phải lý giải sự việc ở góc độ chính trị, ở sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc trong cán cân lực lượng ở khu vực, đặc biệt liên quan đến Nhật và Đài Loan, hai đồng minh thân cận của Mỹ.

Trên hết, sự bất đồng sâu sắc giữa Mỹ và Trung Quốc phải được giải quyết ổn thỏa bằng một tiếng nói chung. Nếu không, một cuộc chiến tranh thương mại giữa 2 cường quốc này là điều không tránh khỏi, và sẽ gây ra hậu quả hết sức nặng nề không những cho cả 2 nước mà còn cho triển vọng tự do hóa thương mại của thế giới.

TS. Phan Minh Ngọc
(Đại học Kyushu, Nhật Bản)
VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm