Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam bị “vạ lây” như nào?

(Dân trí) - Trước một số quan điểm cho rằng cơ hội Việt Nam có được từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ nhiều hơn là thách thức, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng đây là “suy nghĩ có phần quá lạc quan”...

Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế.
Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào "cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế".

Lo ngại tác động tới tỷ giá

Ngày 6/7, Mỹ và Trung Quốc chính thức bước vào "cuộc chiến thương mại lớn nhất lịch sử kinh tế" khi áp các mức thuế mới lên hàng chục tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ mỗi bên.

"Cuộc chiến" bắt đầu đã thổi bùng không khí căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa nền kinh tế số một thế giới với nước đông dân nhất thế giới.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã bày tỏ lo ngại chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ trên diện rộng sẽ tác động nghiêm trọng lên nền kinh tế toàn cầu. Ông Roberto Azevedo - Tổng Giám đốc WTO dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể giảm tốc rất nhanh. Đặc biệt, các nền kinh tế dựa trên xuất khẩu của châu Á đối mặt với nguy cơ mắc kẹt ở giữa nếu cuộc chiến thương mại leo thang.

Trao đổi với Dân trí, ông Đinh Tuấn Minh – chuyên gia kinh tế, Giám đốc nghiên cứu công ty nghiên cứu thị trường VietAnalytics cũng cho rằng cuộc chiến này sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn thế giới.

“Bất ổn là điều chắc chắn nhưng mức độ ra sao thì cần phải chờ thêm thời gian”, ông Minh nói.

Thời điểm này cũng chưa thể “vạch” ra chi tiết cuộc chiến này sẽ tác động tới Việt Nam ra sao. Bởi theo ông Minh, chúng ta vẫn chưa biết cuộc xung đột này sẽ diễn biến căng thẳng, leo thang đến đâu.

Tuy nhiên nếu xét trên khía cạnh tổng thể thì chắc chắn cuộc chiến này sẽ tác động tới thương mại và đầu tư của Việt Nam theo những chiều hướng rất khác nhau, đặc biệt trong dài hạn.

“Cuộc chiến đã và đang xảy ra tạo nên những bất định, bất ổn. Trong một môi trường bất ổn, mọi quốc gia đều bị ảnh hưởng. Trong đó, rõ nét nhất là những bất ổn về môi trường đầu tư”, ông Minh nói.

Điểm thứ hai có thể thấy rõ đó là tác động về tỷ giá. Theo ông Minh, đồng Nhân dân tệ đang mất giá, điều này rõ ràng không có lợi cho Việt Nam. Thực tế trong mấy tuần qua, tỷ giá USD và VND tăng khá mạnh, một phần do USD tăng giá trên thị trường thế giới, một phần khác do đồng Nhân dân tệ mất giá so với USD, cộng với đó là sự lo ngại về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

“Khi tỷ giá bị tác động thì ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề về kinh tế vĩ mô, từ hoạt động xuất nhập khẩu đến tâm lý đầu tư, chứng khoán, nguy cơ lạm phát…”, chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhận định nếu leo thang căng thẳng, Nhân dân tệ tiếp tục mất giá thì Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng rất lớn.

Trước một số quan điểm cho rằng cơ hội Việt Nam có được từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ nhiều hơn là thách thức, ông Minh cho rằng đây là “suy nghĩ có phần quá lạc quan”. Mặc dù việc nhận định như vậy có thể nhằm làm tránh tâm lý hoang mang song theo ông Minh, tuyệt đối không “tô hồng” mà cần phản ánh thực chất để có được thế chủ động.

“Hàng hoá Trung Quốc có tràn vào Việt Nam hay không, Việt Nam có tận dụng được cơ hội vào thị trường Mỹ hay không. Tất cả còn khá mông lung vì nó còn phụ thuộc vào diễn biến xung đột, dài hay ngắn, và liệu có thêm những động thái gì không. Tổng thống Mỹ là một chính trị gia khó có thể đoán định được. Bên cạnh đó có chớp được cơ hội hay không phụ thuộc vào năng lực, sự chủ động của doanh nghiệp”, ông Minh nhận định.

Việt Nam cần làm gì?

“Cần phải có những biện pháp theo dõi, bám sát tình hình, đưa ra những kịch bản ứng phó. Cùng với đó là sự minh bạch hoá mọi thông tin. Ngoài ra cần có những đội ngũ chuyên gia để theo dõi bám sát theo dõi tình hình Trung quốc, Mỹ nhằm đưa ra những khuyến cáo giúp doanh nghiệp chủ động với tình hình. Đó là những gì Chính phủ cần làm”, ông Đinh Tuấn Minh nói.

Về phía doanh nghiệp, ông Minh cho rằng “hơn ai hết, họ phải là người chủ động với các chiến lược sản xuất kinh doanh của mình để tự tạo cơ hội, giảm thách thức”.

Bên cạnh đó, mỗi một cá nhân, doanh nghiệp khi chịu ảnh hưởng phải tự có động thái phòng thủ, xử lý, không thể đưa ra một công thức chung cho tất cả mọi người. Trong quá trình đó theo ông Minh, nhà nước cần tiếp tục tạo ra môi trường vĩ mô ổn định cho người dân, doanh nghiệp yên tâm làm ăn.

Trước ý kiến cho rằng hàng hoá Trung Quốc có thể “đội lốt” hàng Việt vào Mỹ, ông Minh cho rằng: Đây có thể là một khả năng, cần theo dõi sát sao để tránh ảnh hưởng “vạ lây” đến những doanh nghiệp khác cùng ngành.

Trước đó, theo nhận định của các chuyên gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), kim ngạch thương mại hằng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP. Điều này khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Vì vậy, nếu xảy ra sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam là Mỹ và Trung Quốc sẽ có thể dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, một số quan điểm lạc quan hơn cũng cho rằng sự dịch chuyển nhà máy sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia ổn định hơn đang là xu hướng. Căng thẳng về đầu tư Mỹ - Trung cũng có thể là cơ hội cho Việt Nam trong thu hút thêm đầu tư từ Mỹ và là cú hích để sự dịch chuyển này diễn ra nhanh hơn.

Nguyễn Mạnh

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam bị “vạ lây” như nào? - 2