Chiến lược nào cho hàng Việt?!
(Dân trí) - Nếu như hàng Việt không có tính cạnh tranh, mẫu mã không phong phú, giá cả không phù hợp thì có vận động, tuyên truyền, thuyết phục đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể nào dành được niềm tin từ người tiêu dùng.
Đó là nhận định của bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam tại cuộc Hội thảo “Hàng Việt Nam trong hệ thống bán lẻ hiện đại: Cần một chiến lược lâu dài” do Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội ngày 18/9.
“Nếu như các sản phẩm mang thương hiệu “made in Vietnam” không có tính cạnh tranh, mẫu mã không phong phú, giá cả không phù hợp thì có vận động, tuyên truyền thuyết phục đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thể nào dành được niềm tin từ người tiêu dùng”, bà Loan nhấn mạnh.
Do đó, cơ quan chức năng cần khảo sát, có số liệu chính xác từng loại hình bán lẻ để có cơ sở xây dựng chiến lược cho hàng Việt và đến lúc cần lựa chọn ưu tiên, không phải hàng Việt nào cũng được quảng bá để tránh lãng phí và dàn trải, bà Loan đề xuất.
Bà Loan tính toán Việt Nam có gần 90 triệu dân, trong đó khoảng 70 triệu người đang trực tiếp tiêu dùng, chỉ cần 20% số người này (14 triệu người) mỗi tháng bỏ 100.000 đồng mua hàng Việt, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiêu thụ được 1.400 tỉ đồng.
Nặng khâu chi phí trung gian
Theo bà Lê Việt Nga - Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, mặc dù hàng Việt đã được người tiêu dùng quan tâm hơn, tỷ lệ bày bán trên tổng lượng hàng tại nhiều siêu thị ở mức 80-90%, và có tới 80% các sản phẩm được cải thiện về mẫu mã, bao bì nhưng nhìn chung vẫn còn chưa theo kịp các sản phẩm cùng loại nhập khẩu, chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Bên cạnh đó, mức độ tươi sống đối với hàng rau củ quả, thực phẩm được bày bán trong cửa hàng, siêu thị còn hạn chế.
Sự xâm nhập của hàng Việt tới kênh bán lẻ hiện đại chưa đồng đều. Cụ thể với ngành hàng thực phẩm thì hiện hàng Việt chiếm khoảng 90 - 95% nhưng với hàng điện tử, điện lạnh, viễn thông chỉ chiếm 50 – 60%.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc chuỗi siêu thị Fivimart cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến giá cả của các sản phẩm “made in Vietnam” vẫn cao là do chi phí phân phối trung gian. Điều này ảnh hướng lớn tới tính cạnh tranh của sản phẩm.
“Các nhà sản xuất lớn thường chọn cho mình đại lý cấp 1, cấp 2 là nhà phân phối để đưa sản phẩm ra thị trường mà không lấy hệ thống siêu thị là nhà phân phối nên siêu thị phải lấy hàng từ đại lý cấp 1 nên giá bán ra của siêu thị vô tình đã phải cộng thêm lãi của đại lý cấp 1 dẫn đến giá bán ra từ siêu thị sẽ cao,” bà cho biết thêm.
Trong bối cảnh hội nhập nhập, các doanh nghiệp phải tăng tính hấp dẫn cho sản phẩm của mình như giá thành, mẫu mã, chất lượng. Thị trường nội địa vốn bị các doanh nghiệp trong nước bỏ trống trong một thời gian dài, việc bãi bỏ thuế nhập khẩu từ các nước trong khu vực từ năm 2009 là đòn bẩy cho hàng hoá từ các nước như Trung Quốc, Thái Lan và Malaysia tràn sang và uy hiếp hàng Việt Nam, bà Hậu nói.
Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ Phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương, cũng chỉ rõ chủng loại hàng sản xuất trong nước còn hạn chế, các hoạt động hỗ trợ cho dịch vụ phân phối, nhất là logistics còn chưa phát triển (như hệ thống kho vận, cơ sở bao gói…); quy mô vốn của các doanh nghiệp bán lẻ còn thấp, chưa mạnh dạn đầu tư…
Vẫn còn tình trạng một số DN lợi dụng khuyến mãi để thực hiện hành vi gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng.
Tuy vậy, bà Nga cho biết, thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển. Bà dẫn ra một vài số liệu cụ thể: Đến cuối năm 2011, cả nước có 639 siêu thị tại 60/63 tỉnh, thành phố và 121 trung tâm thương mại tại 34/63 tỉnh thành phố. Dự kiến hết năm 2012, cả nước có khoảng 698 siêu thị tại 60 tỉnh; có khoảng 127 trung tâm thương mại tại 40/63 tỉnh. Kênh bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 20% tổng thị trường bán lẻ trong nước và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 40% vào năm 2020.
Đặc biệt, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã có tác động tích cực, tỷ trọng hàng Việt trong kênh bán lẻ hiện đại đã tăng rõ rệt và hiện chiếm khoảng 70 - 90% lượng hàng hóa kinh doanh của kênh bán lẻ hiện đại.
Cần xem xét lại mô hình cải tạo chợ thành trung tâm thương mại
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tại sao nhiều trung tâm thương mại mọc lên nhưng tiểu thương không mặn mà, Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam thừa nhận thực tế rằng nhiều trung tâm thương mại vắng khách. “Điều này khá dễ hiểu vì người dân Việt Nam quen với mua bán hàng hoá ở chợ, trong khi vào các trung tâm hiện đại chỉ để mua một vài mặt hàng thông dụng có vẻ không phù hợp”, bà giải thích.
“Tôi nghĩ rằng xem xét lại mô hình cải tạo chợ thành trung tâm thương mại sau đó lại kết hợp với bán hàng theo kiểu chợ truyền thống của tiểu thương để thu hút khách hàng,” bà gợi ý.
Về tình trạng hàng Trung Quốc tràn lan trên thị trường, “đội lốt” hàng Việt, bà cho rằng cần phải chỉ rõ đây là sự lợi dụng tình cảm của người Việt đối với hàng Việt để lừa người tiêu dùng. |
Nam Hằng