Trong giới chơi cây cảnh ở Việt Nam, nghệ nhân Đặng Xuân Cường không phải là cái tên xa lạ. Ông được mệnh danh là “ông vua cây cảnh” và là cha đẻ của nhiều “siêu cây triệu đô” từng gây tiếng vang như: Mâm xôi con gà, Dấu ấn thời gian, Nghinh phong...
Năm 2017, sau khi về hưu, ông Cường và vợ quyết định chuyển hẳn từ trung tâm Thủ đô về xã Tiến Xuân (Thạch Thất, Hà Nội) sống cảnh điền viên, hòa mình với thiên nhiên và nhất là để thỏa mãn niềm đam mê chơi cây cảnh.
Căn nhà của ông Cường rộng 245m2, nằm trên diện tích đất gần 1400m2, với thế “lưng tựa sơn, chân đạp thủy”, hai mặt trước và sau của ngôi nhà đều hướng ra hồ nước rộng mênh mông. Đặc biệt, từ ngôi nhà có thể bao quát ra toàn bộ cảnh thiên nhiên thoáng đạt, hùng vĩ bên ngoài.
Căn nhà bao gồm 2 tầng và được hoàn thành trong vòng gần 2 năm. Tất cả không gian trong nhà đều được thiết kế mở, ngập tràn ánh sáng tự nhiên.
Trong đó, khuôn viên trước nhà, ông Cường dành toàn bộ diện tích để trưng bày cây cảnh do mình tạo tác hoặc sưu tầm trong suốt 25 năm qua. Nơi đây cũng là nơi gặp gỡ của những người bạn có chung niềm đam mê cây cảnh.
Hàng trăm cây cảnh với đủ mọi dáng thế được ông Cường sưu tập, tạo tác. Nhiều cây trong số này được đánh giá là "kiệt tác" hiếm có khó tìm, được giới chơi cây định giá cao.
Trong đó, nổi bật nhất là cây cổ “Nghinh phong” với gần 100 năm tuổi. Cây sanh có chiều cao khoảng 1m8, đường kính thân 26cm, bộ rễ của cây ôm trùm lấy phiến đá lũa.
Cây sanh cổ “Huyền phượng vũ” trong vườn nhà ông Cường cũng được giới chơi cây xếp vào dạng kiệt tác, hiếm có khó tìm. Vào năm 2006, cây được giới định giá lên tới triệu đô, cao gấp 1,5 lần so với siêu cây “Mâm xôi con gà”.
Ngoài ra, trong khu vườn rộng hơn 1.000m2, còn có nhiều cây quý với dáng thế độc lạ khác như: cây mai chiếu thủy, tùng là hán, sung cổ... được ông Cường sưu tập từ khắp mọi nơi. Hàng ngày nghệ nhân Đặng Xuân Cường dành phần lớn thời gian chăm chút cho từng gốc cây, chậu cảnh.
Theo ông Cường, một tác phẩm cây được đánh giá là đẹp phải đảm bảo được nhiều yếu tố như: thuận mắt, ưa nhìn, thấu tình, đạt lý, bố cục hài hòa, gây cảm xúc mạnh mẽ cho người xem. Trong hàng trăm thậm chí hàng nghìn cây mới may mắn tìm được vài cây có giá trị nổi bật.
“Người nghệ nhân phải biết nhìn ra cây nào độc, cây nào lạ, biết thổi hồn tạo tác từ bông lá, dáng thế giúp nâng tầm giá trị của cây thành một tác phẩm nghệ thuật. Đôi khi phải mất vài năm thậm cả chục năm “đổ mồ hôi”, trí óc, kiên trì, nhẫn nại và đam mê mới tạo ra một tác phẩm cây cảnh ưng ý”, ông Cường nói.
Tầng 2 của căn nhà cũng được ông Cường dành trưng bày cây cảnh. Khu vườn của nghệ nhân Đặng Xuân Cường thường xuyên đón tiếp những người bạn có chung niềm đam mê cây cảnh từ khắp mọi nơi về thưởng lãm.
Hiệp Nguyễn
Ảnh: Toàn Vũ