1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chi thường xuyên "ngốn" 72% ngân sách, vốn cho địa phương đang tăng mạnh

(Dân trí) - Trong khi Quốc hội đang bàn chuyện giảm biên chế, giảm chi thường xuyên, có đề xuất sáp nhập bộ ngành và 10 tỉnh thành để giảm chi tiêu thường xuyên của ngân sách, một báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa khẳng định: Số chi thường xuyên đang chiếm 72% tổng chi ngân sách, vốn dành cho địa phương đang tăng mạnh.

Tổng cục Thống kê vừa công bố tình hình kinh tế xã hội 10 tháng đầu năm. Trong đó, đáng lưu ý là số vốn chi của ngân sách Nhà nước chi cho địa phương cấp tỉnh, huyện, xã đang tăng mạnh hơn 12.200 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Riêng vốn chi cho cấp huyện, xã đang tăng từ 10%.

Chi thường xuyên đạt trên 72% tổng chi ngân sách, vốn cho địa phương đang tăng lên (ảnh minh hoạ)
Chi thường xuyên đạt trên 72% tổng chi ngân sách, vốn cho địa phương đang tăng lên (ảnh minh hoạ)

Cụ thể, tổng số vốn Ngân sách Nhà nước tính đến hết tháng 10 năm nay ước đạt 221.000 tỷ đồng, trong đó vốn cấp cho 10 bộ ngành trung ương là hơn 50.000 tỷ đồng, vốn cấp cho địa phương là trên 170.000 tỷ đồng.

Vốn cấp cho 10 bộ ngành chiếm hơn 22% tổng đầu tư nguồn ngân sách, trong khi đó 63 địa phương đang chiếm hơn 78% tổng vốn.

Về số vốn cho bộ ngành, hiện Bộ GTVT đang chiếm lượng vốn đầu tư lớn nhất với 24.500 tỷ đồng (chiếm 49% tổng vốn cấp cho các bộ), mức vốn 10 tháng qua ước tính tăng trên 37% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 2 là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thứ 3 là Bộ Y tế.

Đáng chú ý, trong 10 bộ ngành được hưởng ngân sách, 8 bộ đang bị giảm vốn đầu tư chỉ còn hai bộ ngành có mức đầu tư vốn tăng là Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT), Bộ Y tế.

Điều đáng nói, ngân sách nhà nước cấp cho nhiều bộ so với cùng kỳ năm ngoái đang bị giảm rất nhanh, trong đó có Bộ Xây dựng giảm 50% vốn ngân sách, Bộ Giáo dục và Đào tạo giảm 70% vốn ngân sách, Bộ Khoa học và Công nghệ bị giảm trên 60% vốn ngân sách.

Về nguồn vốn ngân sách cho địa phương, ngân sách cấp tỉnh đang chiếm lượng vốn lớn nhất với gần 70%, ngân sách cấp huyện và xã chia nhau 30% vốn còn lại. Như vậy, nếu so sánh nguồn vốn cấp cho 63 tỉnh đã gấp hơn 2 lần so với ngân sách cấp cho các bộ, ngành.

Ngân sách cấp huyện và xã hiện đang có tốc độ tăng nhanh, so với cùng kỳ năm trước ngân sách trung ương phân bổ cho các huyện tăng 17%, phân cho cấp xã tăng 10%.

Trong 63 địa phương được phân bổ vốn, hiện Hà Nội và TP.HCM chiếm 1/4 tổng; với số vốn trung ương cấp cho gần 27.000 tỷ đồng, vốn ngân sách của Hà Nội bằng 9 bộ ngành trung ương cộng lại, và gấp 2 lần số vốn trung ương phân bổ cho TP.HCM.

Về tổng thu chi Ngân sách Nhà nước, tổng thu tính đến hết ngày 15/10 ước đạt 865.600 tỷ đồng, đạt 71% dự toán, trong đó thu nội địa chiếm 78% tổng thu, có dấu hiệu tăng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đang chiếm chưa đầy 18% và có dấu hiệu giảm.

Về số chi, 10 tháng đầu năm số chi thường xuyên của ngân sách vẫn đang rất lớn và chưa có dấu hiệu cải thiện. Cụ thể tổng chi Ngân sách Nhà nước đạt hơn 960.300 tỷ đồng, chi thường xuyên đã đạt hơn 696.000 tỷ đồng, chiếm 72% tổng chi ngân sách Nhà nước. Như vậy, số thu không đủ bù chi của ngân sách Nhà nước qua 10 tháng là 94.700 tỷ đồng.

Nguyễn Tuyền