Chi phí nuôi xe công 12.000 tỷ đồng/năm: Nghịch lý và đề xuất
Trước đây chưa khoán xe công người ta đi xe thường, khoán rồi thì họ chọn xe xịn, xe sang như Mercedes, Camry. Xe càng sang, chi phí càng nhiều.
Khoán xe công, chi phí không giảm mấy?
Kiểm toán nhà nước vừa có báo cáo về việc sử dụng xe công trên cả nước trong năm 2019. Theo số liệu công bố, cả nước có gần 40.000 xe ô tô công với chi phí bình quân hơn 300 triệu đồng/xe/năm. Ngân sách nhà nước phải chi hơn 12.000 tỷ đồng để nuôi xe công mỗi năm.
Con số trên gần như không thay đổi sau nhiều năm thực hiện khoán xe công.
Cụ thể, từ năm 2015, khi thông báo về tình hình sử dụng xe công, Cục quản lý công sản, Bộ Tài chính đã cho biết, cả nước có gần 40.000 xe công, mỗi năm "ngốn" hơn 12.000 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí trả lương lái xe, chi phí hao mòn, sửa chữa, xăng dầu…).
Dư luận tỏ ra bất ngờ với con số trên, bởi lẽ từ năm 2015, chủ trương khoán xe công đã được thực hiện thí điểm và nhân rộng với hơn 20 bộ, ngành, địa phương. Nhiều người nghi vấn, chủ trương khoán xe công còn nhiều vấn đề.
Lý giải nghịch lý trên, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, về nguyên tắc là khi đã thực hiện cơ chế khoán thì số xe lượng xe công có thể sẽ được giảm đi và chi phí nuôi xe công cũng sẽ giảm.
Tuy nhiên, từ báo cáo có thể thấy, số lượng đầu xe đã không giảm nhiều và chi phí gần như vẫn giữ nguyên.
"Điều này có thể do trước đây chưa khoán xe công người ta đi xe thường như Toyota, Honda còn giờ khoán rồi thì họ chọn xe xịn, xe sang như Mercedes, Camry.
Trước đi xe giá trị chỉ khoảng vài ba trăm triệu, nay xe giá trị lên tới tiền tỉ...
Sự khác nhau về dòng xe, đời xe thì cũng sẽ khác nhau về chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, hao mòn... Tức là ở đây có thể giảm về số lượng đầu xe nhưng lại tăng chi phí về đơn giá", ông Thuận nói.
Vì lý do này, ông Thuận cho rằng chi phí nuôi xe công không giảm được bao nhiêu sau nhiều năm giao khoán xe cho các bộ, ngành, địa phương là dễ hiểu.
Theo vị chuyên gia, đó là chưa nói tới câu chuyện bất cập trong cơ chế quản lý, giám sát, thực hiện xe công tại Việt Nam còn thiếu chặt chẽ, chưa thống nhất, dẫn tới tình trạng nơi khoán cứ khoán, nơi dùng cứ dùng, nơi khoán rồi lại vẫn có nơi được mua thêm xe mới.
Vì thế mới có báo cáo một số bộ, cơ quan trung ương được kiểm toán có số ô tô vượt định mức so với quy định tại Quyết định số 32/2015/QĐ-TTg. Cụ thể, Bộ NN-PTNT có 101 xe dùng chung, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có 95 xe.
Ngoài ra, một số địa phương sử dụng ô tô vượt tiêu chuẩn định mức như: thành phố Hà Nội (vượt 57 xe); tỉnh Ninh Bình (Chi cục Kiểm lâm vượt 3 xe); Tiền Giang (huyện Cái Bè vượt 3 xe); Kon Tum (vượt 4xe)…
Là người đầu tiên nhận chế độ khoán xe công tại Việt Nam, ông Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ngán ngẩm: "chuyện cũ rích, nói hoài, nói miết không có gì thay đổi".
Nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, xe công chỉ còn phù hợp với những nước nghèo, những nước phát triển, tiên tiến không còn duy trì chế độ xe công nữa. Kể cả chức danh Bộ trưởng cũng phải thực hiện cơ chế khoán trong phương tiện đi lại.
Khoán chi thường xuyên?
Nhìn vào thực tế, chi tiêu thường xuyên hàng năm của Việt Nam vẫn ở mức quá cao, năm nào Việt Nam cũng phải đi vay để tiêu, hậu quả là nợ công tiếp tục tăng, gánh nặng tiếp tục đổ lên vai người dân, ông Thuận kiến nghị nên xem xét cân nhắc luôn cả việc khoán chi tiêu thường xuyên để các cơ quan, bộ ngành tự liệu cơm gắp mắm.
Thừa nhận, bước đầu thực hiện khoán chi thường xuyên có thể sẽ có những phản ứng, thậm chí là có tiêu cực trong chi trả lương thưởng, thu nhập cho người lao động... nhưng, nếu có cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả thì chắc chắn sẽ hạn chế được phần nào tiêu cực xảy ra.
Lấy ngay ví dụ từ cơ chế khoán xe công, ông Trần Quốc Thuận nói: "Khoán xe công chưa hiệu quả là do thí điểm, khuyến khích mãi mà không có cơ chế, chế tài chi li, chặt chẽ, cụ thể. Chỉ chờ đợi người ta thực hiện theo cách khuyến khích tự giác thì không thể mang lại kết quả".
Theo ông Thuận, nhận cơ chế khoán xe công nghĩa là không còn có xe xanh đưa đón, không còn được oai để làm chuyện này chuyện kia cho người ta sợ, tạo nên lợi ích vật chất, tinh thần.
"Lợi ích từ đây lớn hơn cả lương tháng họ nhận được. Vì thế, khi vẫn còn lợi ích trong khi cơ chế lại không rõ ràng, dứt khoát thì càng khoán chi phí sẽ càng tăng", ông Thuận nói.
Theo Thái Bình
Đất Việt