"Chỉ nên hạ lãi suất sau Tết Nguyên đán"

(Dân trí) - Theo nhận định của các chuyên gia tại Ngân hàng ANZ, trong năm 2012, các mục tiêu tăng trưởng cung tiền và tín dụng của NHNN hàm ý định hướng nới lỏng trong chính sách tiền tệ. Song ít nhất vẫn thắt chặt đến hết Tết Nguyên đán nhằm kiểm soát kỳ vọng lạm phát

"Chỉ nên hạ lãi suất sau Tết Nguyên đán" - 1
Các chuyên gia tại ANZ cho rằng,mục tiêu tăng trưởng cung tiền và tín dụng trong năm 2012 cao hơn so kết quả ước tính đạt được trong năm 2011 và bao hàm một định hướng chính sách tiền tệ nới lỏng.
 
Ngân hàng ANZ vừa công bố báo cáo mới nhất đánh giá về tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam. Phía ANZ khuyến cáo rằng, NHNN nên từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2012. Mục tiêu chính là kiềm chế lạm phát dưới 10% và đạt tốc độ tăng trưởng GDP thực từ 6-6,5%.
 
Nhìn chung, trong năm 2011, tỷ lệ tăng trưởng tổng thu nhập quốc nội (GDP) đã giảm mạnh xuống 5,9% so với mức 6,8% của năm 2010. Tăng trưởng GDP quý IV đạt 6,1% so với cùng kỳ 2010 và bằng với mức tăng trưởng của quý III.
 
Theo ghi nhận của ANZ, hầu hết các ngành chính đều đạt được tăng trưởng, trừ bất động sản và cho thuê do ảnh hưởng của suy giảm trong lĩnh vực xây dựng - đây được xem là nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP cả nước giảm theo.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 18,1% so cùng kỳ sau khi đạt đỉnh 23% vào hồi tháng 8. Các chuyên gia ANZ lưu ý, mức tăng CPI có xu hướng giảm (đà lạm phát giảm 6 tháng liên tiếp), song vẫn duy trì ở mức cao. Và do vậy, để đạt mục tiêu CPI một con số trong năm 2012 này, chính sách tiền tệ thắt chặt vẫn còn tiếp tục trong ngắn hạn.

Năm vừa qua, do thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ nên tăng trưởng cung tiền và tín dụng đều giảm xuống mức kỷ lục. Tăng trưởng tín dụng và cung tiền giảm tốc trong năm xuống dưới cả mức mục tiêu do NHNN đặt ra nhằm chống lạm phát.
 
Theo đó, tín dụng trong nước tăng khoảng 13% trong năm 2011, giảm mạnh so 31,9% năm 2010 và 34,9% mức trung bình của cả thập kỷ trước. Tăng trưởng cung tiền chậm lại khoảng 10% từ 29,7% năm trước đó.

Như vậy, với mục tiêu mà NHNN đặt ra trong năm 2012, cung tiền tăng 14-16% và tăng trưởng tín dụng nằm trong khoảng 17-20%, ANZ cho rằng các chỉ tiêu tiền tệ này đều cao hơn so kết quả thực hiện trong năm 2011 và bao hàm một định hướng chính sách nới lỏng. “Chúng tôi cho rằng, điều này là phù hợp với mục tiêu giảm lạm phát dưới 10%” - cơ quan nghiên cứu này khẳng định.
 
Chính sách lãi suất nên giữ nguyên đến sau Tết

Theo quan sát của các chuyên gia ANZ, chính sách về lãi suất của NHNN đã được giữ không đổi trong 2 tháng cuối năm 2011 với mức lãi suất tái cấp vốn 15% và lãi suất cho vay ngắn hạn 14%.

Các chuyên gia ghi nhận, lãi suất trên thị trường trong quý IV vẫn tương đối ổn định và thấp hơn lãi suất chính sách (của NHNN đối với các NHTM) nhờ thanh khoản của các ngân hàng ổn định và sự hỗ trợ của NHNN. Cụ thể, từ tháng 10, NHNN đã cung cấp thanh khoản cho hệ thống thông qua nghiệp vụ thị trường mở trong cả hai kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày, kéo tổng lượng tiền cho vay tăng lên.

Mặc dù, với việc giảm lạm phát trong những tháng cuối năm đã giúp lãi suất thực phần nào bớt tiêu cực hơn kể từ tháng 9/2011, song theo đánh giá của ANZ thì vẫn là quá sớm để nới lỏng chính sách tiền tệ ngay lập tức.
 
“Chúng tôi giữ quan điểm rằng, chính sách lãi suất nên được giữ nguyên cho đến sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để đảm bảo kỳ vọng lạm phát được kiểm soát”, các chuyên gia nhấn mạnh.
 
Áp lực mất giá tiền đồng tăng
 
Về ngoại hối, ANZ cho rằng, áp lực mất giá tiền đồng vẫn tăng. Tỷ giá giao dịch USD/VNĐ vẫn đang trong giới hạn biên độ giao dịch được NHNN cho phép, hiện ở mức khoảng 21.030. Tuy vậy, tiền đồng đã mất giá 7,8% so với một năm trước, riêng đợt điều chỉnh tỉ giá hồi tháng 2 đã khiến tiền đồng mất giá 1,1%.

Nhờ cán cân thanh toán được cải thiện và lạm phát giảm nên đã giữ VNĐ tương đối ổn định trong quý II và quý III, nhưng sự cải thiện này được cho là không bền vững khi mức độ lạm phát vẫn cao và thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn còn lớn. Do vậy, áp lực mất giá tiền Đồng đã tăng trong quý IV.

Trong khi đó, mặc dù tỉ giá hối đoái hiệu dụng danh nghĩa của VNĐ giảm 7,9% do sự chênh lệch lạm phát đáng kể giữa Việt Nam và các đối tác thương mại lớn nhưng tỷ giá hối đoái hiệu dụng thực vẫn tăng cao.
 
Việc đánh giá cao giá trị tiền đồng đồng nghĩa với việc khả năng cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu Việt Nam thấp hơn và theo nhận định của ANZ, thực tế này có thể đặt thêm áp lực lên cán cân thanh toán và tỷ giá hối đoái danh nghĩa. Hay nói cách khác, thời gian tới, đồng nội tệ của Việt Nam sẽ còn đối mặt với tình trạng mất giá.
 
Tuy nhiên, trong đợt tiếp xúc với báo chí gần đây, Thống đốc Nguyễn Văn Bình có tiết lộ, nếu loại trừ những yếu tố bất trắc thì có thể khẳng định thị trường ngoại hối năm 2012 sẽ rất ổn định. Biến động của tỷ giá đồng USD có thể ở trong khoảng từ 2 - 3% so mức biến động chung từ năm 2007 đến nay luôn ở mức trên dưới 10%.
 
Bích Diệp