Chỉ có 1% doanh nghiệp hoạt động nông nghiệp

(Dân trí) - Chỉ khoảng 3.500 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 1% tổng số doanh nghiệp hoạt động hiện nay. Tỷ lệ này quá thấp trong khi ngành nông nghiệp đang đóng góp hơn 20% GDP cả nước.

Đáng lo ngại hơn, số DN nông nghiệp đang có xu hướng thu hẹp quy mô và lĩnh vực sản xuất trở thành DN nhỏ và siêu nhỏ. Đây là nội dung được thể hiện trong Báo cáo Thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2014, về phát triển doanh nghiệp trong kinh doanh nông nghiệp được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng các đơn vị liên quan công bố ngày 15/4.

Qu
Quá ít DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp khiến ngành này có nhiều lợi thế nhưng vẫn chưa thể khai thác những giá trị tiềm năng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Trong hơn 3.500 DN hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản là ngành có số DN đông đảo nhất chiếm gần 1170 doanh nghiệp, song có đến hơn 90% DN này thuộc loại nhỏ và vừa. Theo TS Phạm Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm nghẽn khiến DN và hộ sản xuất trong ngành nông nghiệp khó tăng quy mô chính là: lợi nhuận thấp, tính liên kết yếu và chịu tác động lớn từ biến động giá cả thị trường.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, mặc dù Việt Nam có nhiều cải thiện về thủ tục đăng ký và thành lập DN nhưng khó khăn đối với DN vẫn là rất lớn. Nhiều DN nông nghiệp thời gian vừa qua đã thu hẹp quy mô hoạt động sản xuất xuống hộ chăn nuôi gia đình. Các DN nông nghiệp đang gặp quá nhiều thách thức từ cơ chế vốn vay hạn hẹp, gánh nặng lãi suất ăn mòn hết phần lãi thậm chí cả vốn trong sản xuất - kinh doanh; bài toán thị trường và khó xây dựng thương hiệu…

Hiện, vốn cho nông nghiệp và người nông dân đang tắc ở nhiều điểm trong đó là cơ chế thế chấp vốn vay đang đẩy khó cho người nông dân. Hiện nay, muốn được vay vốn sản xuất lớn, nhà nông phải thế chấp đất đai hoặc đưa ra bản kế hoạch kinh doanh để các tổ chức tín dụng phê duyệt. Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ cung vốn nhỏ, người nông dân không có thói quen lập kế hoạch kinh doanh sản xuất nên nhiều đơn vay vốn đã bị các ngân hàng từ chối.

Trong lĩnh vực chăn nuôi và sản xuất thức ăn chăn nuôi, Việt Nam chưa hình thành được các nông trường, nông trại chăn nuôi quy mô lớn, có tính liên kết từ sản xuất thức ăn, chăn nuôi, giết mổ và đưa ra chuỗi cung ứng. Đây chính là thực tế khiến cho ngành chăn nuôi của Việt Nam phần lớn là các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ, tự cung, tự cấp và phụ thuộc lớn vào giá biến động thị trường.

Lĩnh vực sản xuất và chế biến thủy sản được xem là có lợi thế nhất, với nhiều DN tham gia sản xuất, xuất khẩu. Tuy nhiên, Báo cáo trên cũng chỉ ra, năm 2013 có hơn 99% DN hoạt động trong lĩnh vực này thuộc loại nhỏ và siêu nhỏ. Dù là ngành có số lượng DN đông đảo, chiếm khoảng 59,6% nhưng số đa phần đều là DN nhỏ và vừa, số DN lớn chỉ chiếm khoảng 7,1%, chưa đến 1% doanh nghiệp vừa và tương đối lớn.

Theo TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển: “Ngành nông nghiệp không phát triển được do nhiều lỗi, trong đó có cả Nhà nước, doanh nghiệp và điều tiết thị trường. Người nông dân đang ngày càng chịu thất thế trong mối quan hệ thị trường với doanh nghiệp. Hay nói cách khác họ đang bị DN “bóc lột” từ đầu vào lẫn đầu ra, từ kg phân bón, đến nguyên liệu cuối cùng là sản phẩm. Khi giá lên, DN cố dìm giá xuống để hưởng lợi, khi giá giảm, DN không thu mua, thậm chí bỏ mặc người nông dân. Người nông dân chịu thiệt thòi trong khi cơ quan bộ ngành, hiệp hội chưa tỏ rõ được vai trò và tác dụng của mình. Các cam kết hội nhập ngày càng lớn, cao điểm là Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ đặt thách thức cực lớn đối với người nông dân cũng như các sản phẩm Việt Nam”.

Nguyễn Tuyền
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”