Chi cả trăm tỷ đồng, một đại gia đặt tham vọng tăng sở hữu tại Bản Việt
(Dân trí) - Đại gia này không ai khác chính là ông Tô Hải - Tổng giám đốc Chứng khoán Bản Việt. Ông Hải dự kiến sẽ chi khoảng 145 tỷ đồng mua thêm 6 triệu cổ phiếu VCI để tăng sở hữu.
Cổ phiếu VCI tăng giá mạnh
Cổ phiếu VCI của Công ty chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa khép lại phiên giao dịch 9/7 với mức tăng 1,9% lên 24.150 đồng. Trong phiên có lúc mã này được giao dịch ở vùng giá 24.500 đồng.
Với diễn biến tích cực ở phiên này, VCI ghi nhận có tới 7 phiên liên tục tăng giá kể từ đầu tháng 7 đến nay, tăng 17,8% so với cuối tháng 6.
Một thông tin đáng chú ý có thể sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu VCI trong những phiên tới đó là việc ông Tô Hải - Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VCSC vừa đăng ký mua vào 6 triệu cổ phiếu VCI kể từ ngày 15/7 đến ngày 13/8/2020.
Số cổ phiếu ông Tô Hải mua vào tương đương với 3,65% vốn điều lệ công ty. Ông Hải cho biết, mục đích giao dịch này nhằm tăng tỷ lệ sở hữu của ông tại Chứng khoán Bản Việt.
Theo đó, nếu như giao dịch thực hiện thành công, ông Hải sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại VCSC từ hơn 31,5 triệu cổ phiếu VCI tương ứng 19,17% vốn điều lệ lên 37,5 triệu cổ phiếu tương ứng 22,82% vốn điều lệ.
Tạm tính theo thị giá cổ phiếu VCI hiện nay, để chuẩn bị cho giao dịch này, ông Hải dự kiến sẽ phải chi khoảng 145 tỷ đồng.
Tại phiên họp thường niên diễn ra cuối tháng 6 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông VCSC đã ban hành Nghị quyết thông qua nội dung miễn chào mua công khai đối với ông Tô Hải.
Theo đó, ông Tô Hải và/hoặc những người có liên quan sẽ được quyền nhận chuyển nhượng cổ phần có quyền biểu quyết trong một lần hoặc nhiều lần dẫn đến việc sở hữu từ 25% đến 35% cổ phiếu có quyền biểu quyết của VCSC mà không phải thực hiện chào mua công khai theo quy định pháp luận.
Tại phiên họp này, ông Hải cũng đã thẳng thắn trả lời câu hỏi của cổ đông về lý do miễn chào mua công khai.
Ông Hải cho hay, theo Luật Chứng khoán thì khi một cổ đông, một nhóm cổ đông liên quan mà mua trên 25% cổ phiếu của một công ty đại chúng thì phải chào mua công khai.
“Cho tới giờ này thì tôi và gia đình đã giữ xấp xỉ con số này. Khi giá cổ phiếu xuống thấp như đợt vừa qua, tôi muốn mua thêm nhưng không mua được do bị vướng quy định chào mua công khai. Bây giờ giả sử tôi muốn mua 1% mà tôi phải chào mua công khai thì vấn đề thứ nhất là cổ đông có muốn bán cho tôi không? Tại vì khi chào mua công khai thì đến lúc thực hiện có thể giá thị trường cao hơn giá mà tôi đăng ký chào mua. Và vấn đề thứ hai là khi mua 1% theo phương thức chào mua công khai, ví dụ tôi giữ 25% thì 75% còn lại bán cho tôi 1% thì mỗi người chỉ có thể bán cho tôi một ít (do chia theo tỷ lệ tương ứng).”
Cho nên, theo ông Hải, nhiều công ty niêm yết thường đưa ra giải pháp miễn chào mua công khai nhưng không nêu thời gian cụ thể.
“Trong trường hợp này, tôi được quyền mua số lượng cổ phiếu tôi mong muốn, sau đó công bố thông tin, trước khi mua phải công bố thông tin, sau khi mua cũng phải công bố thông tin, như vậy sẽ hoàn toàn minh bạch. Còn lại, câu chuyện chào mua công khai là không thực tế, tôi muốn mua cổ phiếu công ty nhưng không mua được” - ông Hải giải thích.
Thanh khoản cải thiện
Diễn biến tăng vẫn được giữ nhịp trong suốt phiên chiều 9/7. Các chỉ số tăng giá tích cực trong điều kiện thanh khoản cải thiện đáng kể.
VN-Index đóng cửa với mức tăng 11,96 điểm tương ứng 1,38% lên 876,46 điểm; HNX-Index tăng 1,8 điểm tương ứng 1,57% lên 116,16 điểm và UPCoM-Index tăng 0,38 điểm tương ứng 0,67% lên 57,16 điểm.
Thanh khoản trên HSX tăng lên con số 306,07 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 5.240,49 tỷ đồng. Các con số này trên HNX là 46,26 triệu cổ phiếu tương ứng 414,35 tỷ đồng và trên UPCoM là 18,61 triệu cổ phiếu tương ứng 218,38 tỷ đồng.
Một sắc xanh mướt mát bao phủ thị trường. Theo thống kê cuối phiên có đến 511 mã tăng giá, 65 mã tăng trần, áp đảo hoàn toàn so với con số 201 mã giảm, 26 mã giảm sàn.
SAB vẫn đóng vai trò “nhạc trưởng” khuấy động thị trường với mức tăng mạnh 12.000 đồng/cổ phiếu lên 205.000 đồng. Trong phiên, mã này có lúc đã được giao dịch ở mức giá trần 206.500 đồng. Chỉ riêng mã này đóng góp 2,19 điểm cho chỉ số chính.
Bên cạnh đó, thị trường cũng được hỗ trợ đáng kể nhờ sự đồng thuận của nhóm bluechips. Phiên này, GAS tăng 2.300 đồng lên 75.200 đồng, PNJ tăng 1.400 đồng lên 60.600 đồng; BID tăng 1.050 đồng lên 41.600 đồng. Loạt cổ phiếu ngân hàng khác như HDB, BID, VPB, TCB, VCB, CTG…đều tăng.
Trong số đó, GAS mang về 1,25 điểm cho VN-Index; BID mang về 1,2 điểm. TCB, VPB, VCB cũng có đóng góp tích cực và nằm trong top những mã có ảnh hưởng nhất đến diễn biến VN-Index trong phiên.
Một số cổ phiếu “nóng” sau thời gian điều chỉnh vừa qua cũng đã tăng trần trở lại. Có thể kể đến ITA với mức tăng trần 310 đồng lên 4.780 đồng; HQC tăng trần lên 1.700 đồng; FLC cũng tăng trần lên 3.580 đồng, AMD tăng trần lên 3.260 đồng… Các mã này đều được giao dịch mạnh với khối lượng khớp lệnh lớn, cuối phiên vẫn còn dư mua giá trần và trắng bên bán.
Ở chiều ngược lại, HPX, HNG, CTD… lạc lõng giảm giá. Tình trạng giảm ở những mã này có ảnh hưởng không đáng kể đến diễn biến chung.
Theo đánh giá của các chuyên gia Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), sau một thời gian tích lũy, thị trường chứng khoán đã tăng điểm tích cực và nhóm cổ phiếu ngân hàng là động lực chính cho thị trường, cho thấy rằng nhịp tăng sẽ còn tiếp tục.
Để cùng hòa vào xu hướng tích cực của thị trường, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư có thể có thể giải ngân tiếp tục vào những cổ phiếu có báo cáo quý 2 khả quan hoặc các cổ phiếu đang có xu hướng tốt ở tình hình hiện nay...
Chứng khoán SHS lại đưa ra dự báo, trong phiên giao dịch cuối tuần 10/7, VN-Index có thể sẽ tiếp tục tăng điểm với ngưỡng kháng cự gần nhất quanh 895 điểm.
Do vậy, nhà đầu tư đang tiếp tục nắm giữ cổ phiếu và quan sát thị trường trong phiên tới, có thể canh bán ra nếu như VN-Index đánh mất ngưỡng 855 điểm. Ở chiều ngược lại, nhà đầu tư cầm tiền mặt nên tiếp tục đứng ngoài thị trường và chưa nên vội giải ngân do đây đã là sóng tăng cuối của chu kỳ hồi phục từ quanh ngưỡng 650 điểm đến nay.
Mai Chi