1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới lại nới rộng

An Chi

(Dân trí) - Giá vàng thế giới giảm nhưng trong nước vẫn tăng khiến chênh lệch giữa giá vàng SJC và thế giới được đẩy lên gần 17,5 triệu đồng/lượng.

Sáng nay (18/8), các doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội giao dịch vàng miếng SJC tại 66,1-67,12 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 100.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với hôm trước. Tại TPHCM, giá thu mua tương đương Hà Nội nhưng bán ra lại rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua bán dao động 1-1,02 triệu đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.763 USD/ounce (tương đương 49,81 triệu đồng/lượng), giảm 12 USD so với phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,31 triệu đồng/lượng.

Trước đó, mức chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới dao động từ 16,6-16,88 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giữa vàng SJC và thế giới lại nới rộng - 1

Giá vàng SJC cao hơn thế giới gần 17,5 triệu đồng/lượng (Ảnh: Việt Đức).

Giá vàng thế giới lao dốc khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 7 cho thấy, Fed vẫn cứng rắn trong vấn đề lãi suất để thực hiện mục tiêu "hạ nhiệt" lạm phát.

Một số chuyên gia cho rằng, thị trường vàng sẽ gặp bất lợi khi lãi suất cao hơn trong thời gian tới. 0,75% là mức tăng lãi suất vào tháng 9 được thị trường dự báo. Hiện tại, lãi suất tham chiếu tại Mỹ nằm trong khoảng 2,25% - 2,5%, mức cao nhất kể từ tháng 12/2018.

Trước đó, Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi lạm phát trở lại mục tiêu 2% và không loại trừ khả năng có "một lần tăng lãi suất bất thường" vào kỳ điều chỉnh tiếp theo.

Người đứng đầu Fed cũng đề cập đến rủi ro khi Ngân hàng Trung ương Mỹ "đi quá xa" trong việc tăng lãi suất. Tuy nhiên, ông cho rằng, rủi ro lớn hơn là không khôi phục được sự ổn định giá cả, trong khi tình hình tài chính của các hộ gia đình và doanh nghiệp đang vững chắc và "nhìn chung nền kinh tế Mỹ có thể chịu được chính sách tiền tệ thắt chặt hơn".

Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận tình trạng hiện nay của nền kinh tế và rủi ro suy thoái trước mắt khi GDP giảm trong 2 quý liên tiếp. Dù trước đó, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia (NBRE), cơ quan đưa ra tuyên bố nước Mỹ có chính thức suy thoái hay không lại không cho là như vậy.

Ông Tom Essaye, nhà sáng lập công ty nghiên cứu Sevens Report, cho biết nếu lạm phát vẫn "nóng" trong lúc nền kinh tế khỏe mạnh và tạo ra nhiều việc làm thì Fed sẽ không ngần ngại tăng lãi suất để hạ nhiệt giá cả. Còn lạm phát "hạ nhiệt" thì cơ quan này sẽ bắt đầu "hãm phanh" chính sách thắt chặt tiền tệ.