1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Chênh lệch giá vàng SJC và vàng thế giới được thu hẹp

An Chi

(Dân trí) - Giá vàng thế giới đang rẻ hơn vàng SJC là 17,22 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch này đã được thu hẹp so với mức 19 triệu đồng/lượng trước đó, song vẫn khá cao.

Sáng nay (23/6), doanh nghiệp vàng lớn tại Hà Nội niêm yết vàng miếng SJC tại 67,85 - 68,67 triệu đồng/lượng, tăng 100.000 đồng/lượng ở mỗi chiều so với chốt phiên hôm qua (22/6). Tại TPHCM, giá thu gom tương đương Hà Nội nhưng bán ra rẻ hơn 20.000 đồng/lượng. Chênh lệch mua - bán dao động 800.000 - 820.000 đồng/lượng.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay trên Kitco ở mức 1.834 USD/ounce (tương đương 51,45 triệu đồng/lượng), tăng 7 USD so với hôm qua. Quy đổi theo tỷ giá USD tự do chưa thuế phí, vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,22 triệu đồng/lượng.

Chênh lệch giá vàng SJC và  vàng thế giới được thu hẹp - 1

Giá vàng thế giới đang rẻ hơn trong nước 17,05 triệu đồng/lượng. (Ảnh: Việt Đức).

Thị trường vàng vẫn diễn biến khó lường, nhất là trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương trên thế giới ồ ạt tăng lãi suất. 

Ông Powell tái khẳng định quan điểm của Fed với kế hoạch tăng lãi suất là đúng đắn. "Lạm phát tăng cao gây ra những khó khăn đáng kể. Vào những tháng tới, chúng tôi sẽ tìm kiếm bằng chứng để thuyết phục rằng lạm phát đang giảm", ông nói. Do đó, cơ quan này sẽ sử dụng các công cụ mạnh mẽ để giải quyết vấn đề theo hướng quyết liệt.

Thị trường lao động Mỹ đang "nóng" một cách không bền vững. Do đó, Fed phải khôi phục sự ổn định giá cả để duy trì lượng việc làm được tạo ra trong dài hạn. "Đừng chỉ nghĩ rằng việc tăng lãi suất có thể dẫn đến suy thoái mà việc làm này là cần thiết để khôi phục sự ổn định giá cả", Chủ tịch Fed nói.

Đồng thời, ông Powell cũng chỉ ra một số tác nhân khiến lạm phát vượt ngoài tầm kiểm soát như cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, phương pháp chống dịch Covid-19 ở Trung Quốc.

"Giá xăng dầu tăng cao do chiến sự ở Ukraine không hạ nhiệt. Điều này khiến giá cả các mặt hàng tăng vọt, làm gia tăng lạm phát. Không những thế, phương pháp chống dịch bằng cách phong tỏa của Trung Quốc cũng khiến chuỗi cung ứng toàn cầu lâm vào khủng hoảng", ông nói.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) đã cảnh báo đỏ về mức độ lạm phát đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Theo đó, WB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm nay xuống 2,9% so với mức dự báo 4,1% hồi tháng 1. Tại Mỹ, dự báo tăng trưởng giảm xuống 2,5% trong năm nay so với mức 3,7% vào tháng 1.