Châu Âu lên kế hoạch "khám sức khỏe" cho các ngân hàng

(Dân trí) - Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 23/10 đã công bố kế hoạch “khám sức khỏe” các ngân hàng lớn nhất khu vực eurozone bắt đầu từ tháng tới. Mục tiêu là nhằm kiểm tra khả năng chống đỡ của các nhà băng trước những cú “sốc” bất ngờ.

ECB sẽ kiểm tra khả năng quản lý rủi ro của các ngân hàng
ECB sẽ kiểm tra khả năng quản lý rủi ro của các ngân hàng

Kể từ năm tới, ECB sẽ đảm nhận quyền giám sát toàn bộ các ngân hàng hàng đầu của khu vực eurozone thay cho ngân hàng trung ương mỗi nước như hiện nay. Và cuộc kiểm tra này nhằm phát hiện những rủi ro tiềm tàng trong hệ thống.

Các ngân hàng bị phát hiện thiếu vốn sẽ có thể được yêu cầu củng cố lại bảng cân đối kế toán của mình, ECB cho biết.

Sau khi thông tin trên được công bố, chỉ số Euro Stoxx theo dõi cổ phiếu các ngân hàng lớn của eurozone nhanh chóng sụt giảm hơn 2,5% cuối giờ giao dịch buổi sáng 23/10.

Chủ tịch Mario Draghi khẳng định: “Chỉ một đánh giá duy nhất, sẽ được triển khai một cách đồng bộ tới tất cả những ngân hàng lớn, chiếm khoảng 85% hệ thống ngân hàng khu vực eurozone. Đây là một bước đi quan trọng đối với châu Âu và tương lai của nền kinh tế khu vực đồng euro.

Chúng tôi kỳ vọng đợt kiểm tra này sẽ củng cố lòng tin của lĩnh vực kinh tế tư nhân về sự an toàn đối với các ngân hàng eurozone, cũng như chất lượng bảng cân đối kế toán của họ”, ông Draghi nói.

Cuộc kiểm tra sẽ bắt đầu trong tháng tới và diễn ra trong khoảng 12 tháng. ECB cho biết mục tiêu là nhằm “tăng cường sự minh bạch để khôi phục và củng cố lòng tin”.

Christian Schulz, nhà kinh tế cấp cao tại Berenberg Bank nhận định: “Cuộc kiểm tra sẽ gia tăng sự minh bạch, khiến bảng cân đối kế toán được củng cố hơn nữa và khôi phục niềm tin đối với ngành ngân hàng tại eurozone. Một cuộc kiểm tra thành công sẽ hoàn tất quá trình hàn gắn vết thương sau vụ Lehman và khủng hoảng eurozone”.

Hiện tại danh sách sơ bộ các ngân hàng tham gia cuộc sát hạch này gồm có 24 ngân hàng Đức, 16 ngân hàng Tây Ban Nha, 15 ngân hàng Italia, 13 ngân hàng Pháp, 7 ngân hàng Hà Lan, 5 ngân hàng Ai len và Hy Lạp, CH Síp cùng Bồ Đào Nhà mỗi nước có 4 ngân hàng.

Tổng cộng khoảng 128 ngân hàng sẽ bị kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo sự ổn định, đồng thời chỉ ra những rủi ro tiềm tàng đối với hệ thống ngân hàng.

Những cú sốc bất ngờ

Việc đánh giá chất lượng tài sản sẽ nhắm vào “lượng trái phiếu chính phủ và tổ chức mà các ngân hàng nắm giữ cũng như mức độ rủi ro trong các mảng doanh nghiệp và bản lẻ. Cả sổ sách của ngân hàng và sổ sách giao dịch đều sẽ bị rà soát”, ECB khẳng định.

Một phần khác trong đợt rà soát sẽ nhắm vào mức độ thanh khoản, sử dụng đòn bẩy và nguồn vốn của các ngân hàng.

Thứ ba là, các ngân hàng sẽ bị kiểm tra khả năng ứng phó trước nhiều kịch bản khác nhau, nhằm đảm bảo sự an toàn của họ trước những cú sốc bất ngờ trong hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng sẽ được yêu cầu duy trì một vùng đệm về vốn ở mức 8%.

Khi đánh giá về vốn của các ngân hàng, ECB cho biết sẽ sử dụng định nghĩa của Cơ quan quản lý ngân hàng châu Âu, trong đó phân loại các khoản cho vay quá hạn trên 90 ngày là nợ xấu.

Cơ chế giám sáng duy nhất (SSM) của ECB sẽ giám sát 24 ngân hàng, chiếm thị phần 65% ngành ngân hàng Đức.

Phó chủ tịch Bundesbank Sabine Lautenschlaeger khẳng định quá trình này “sẽ là một đợt kiểm duyệt năng lực các ngân hàng Đức và những người giám sát họ”. Nhưng ông cho biết thêm rằng “nỗ lực này là đáng thực hiện, bởi SSM sẽ đem đến cho chúng ta cơ hội đạt được hiệu quả tốt nhất từ văn hóa giám sát tại khu vực eurozone”.

Thanh Tùng
Theo BBC