Chất vấn nóng chậm giải ngân đầu tư công: Trách nhiệm từ bộ gác cửa ra sao?
(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng giải ngân đầu tư công chậm phần lớn ở khâu tổ chức thực hiện tại địa phương. Đại biểu thì cho rằng nếu nói vậy thì "tội địa phương", đâu là trách nhiệm bộ gác cửa?
Giải ngân vốn đầu tư công chậm, trách nhiệm của ai?
Chiều nay (11/11), Quốc hội bước vào phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nhóm câu hỏi liên quan đến vấn đề về giải ngân đầu tư công làm "nóng" nghị trường.
Vấn đề này không mới. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đây là nội dung được nhắc đến qua nhiều kỳ họp song vẫn chưa "giải quyết được triệt để".
Báo cáo cho thấy dự kiến giải ngân đến 31/10 năm nay mới đạt 257.387 tỷ đồng, đạt 55,8% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 67,25%.
Nói về nguyên nhân, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh nhiều đến khâu tổ chức thực hiện, khi công tác chuẩn bị dự án còn kém, chủ yếu mang tính hình thức, qua loa. Sau khi chấp nhận chủ trương thì mới làm lại, mất nhiều thời gian hay các vấn đề muôn thuở như GPMB, công tác đấu thầu, bố trí vốn đối ứng...
Bên cạnh đó theo ông Dũng, năm 2021 phát sinh thêm một số nguyên nhân là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khi phải thực hiện giãn cách, giá nguyên vật liệu tăng cao, thiếu nhân công, chi phí tăng... Tuy nhiên Bộ trưởng vẫn nhắc lại, nguyên nhân chính vẫn nằm khâu tổ chức thực hiện.
Bởi toàn bộ vấn đề từ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các nhóm A,B,C đã phân cấp cho địa phương, thẩm định nguồn vốn cũng phân cấp cho địa phương, điều chỉnh chủ trương đầu tư, giao vốn chi tiết cũng đã phân cấp cho bộ ngành địa phương...
Theo ông Dũng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giờ chỉ có còn chức năng chính như xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn, đảm bảo đúng chiến lược kế hoạch; xây dựng nguyên tắc tiêu chí báo cáo Quốc hội cho kế hoạch 5 năm... Còn lại hầu hết đã "phân cấp triệt để" cho tất cả các bộ ngành địa phương. Thủ tướng chỉ giao vốn 1 lần trước 30/11 năm trước.
"Tôi nói rõ như vậy để xem trách nhiệm thuộc về ai", Bộ trưởng Dũng vừa nói vừa giơ danh sách chi tiết về tình hình giải ngân vốn đầu tư công. Trong danh sách này, theo Bộ trưởng, có tới 30 tỉnh thành mới chỉ giải ngân chưa đến 60%. Bộ trưởng nhấn mạnh, trách nhiệm nằm nhiều ở phía địa phương.
Trao đổi về giải pháp thời gian tới, tư lệnh ngành Kế hoạch & Đầu tư nhấn mạnh công tác này phải thực hiện nghiêm túc hơn, làm rõ trách nhiệm người đứng đầu, làm tốt khâu GPMB... Sắp tới Bộ sẽ hoàn thiện, trình dự án một luật sửa nhiều luật, vấn đề thể chế sẽ hoàn thiện hơn. Song muốn giải quyết tận gốc, Bộ trưởng cho rằng bộ ngành địa phương phải thực hiện "nghiêm túc".
Đại biểu tranh luận về trách nhiệm Bộ "gác cửa" đầu tư công
Giành quyền tranh luận, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho biết đồng tình với Bộ trưởng đó là do khâu tổ chức thực hiện là chính. Thậm chí không phải từ nhu cầu thực tế của địa phương mà có khi từ cứ cơ sở, có khi do doanh nghiệp xây dựng, lập kế hoạch hay do tư duy nhiệm kỳ điều chỉnh, cho nên có những dự án nhiệm kỳ trước xây dựng do cần thiết, bức xúc, nhưng đến nhiệm kỳ sau lại xin điều chỉnh...
"Tuy nhiên với vai trò, trách nhiệm của bộ gác cửa giúp cho Chính phủ tham mưu về lĩnh vực này thì giải pháp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư như thế nào để chấn chỉnh và khắc phục ngay tình trạng này?", đại biểu Hạ nói.
Trả lời đại biểu Hạ, ông Nguyễn Chí Dũng khẳng định vấn đề hiện nay không phải là vấn đề luật pháp. "Tất cả các vấn đề của đầu tư công tôi xin khẳng định đến nay là rất rõ ràng, rất đầy đủ và trên tinh thần phân cấp triệt để cho các địa phương. Không còn một vấn đề gì phải lên đến Trung ương cả", ông Dũng nói.
Theo ông, ngay bản thân Bộ quản lý tổng hợp chung cũng bằng hệ thống công nghệ thông tin, trên hệ thống chứ không gặp nhau làm gì, không có giấy tờ gì.
"Tất cả các bộ, ngành, địa phương lập kế hoạch xong đưa vào máy, đưa lên hệ thống, chúng tôi kiểm soát được ngay, thấy đúng thì chúng tôi tổng hợp, báo cáo Thủ tướng; thấy không phù hợp chúng tôi yêu cầu các tỉnh làm lại", ông Dũng cho rằng như vậy đã rất thông thoáng, rất thuận lợi cho các địa phương.
"Bây giờ nó nằm ở đâu thì như tôi đã nói, chắc chắn là phải nằm ở tổ chức thực hiện. Như Chủ tịch Quốc hội vừa nêu, tại sao cùng một thể chế mà có những tỉnh hiện nay đã giải ngân hơn 100% vốn? Còn có những tỉnh hiện nay mới có 18%. Có những tỉnh 20, hơn 30%", Bộ trưởng đặt vấn đề.
Ông Dũng nhấn mạnh các địa phương, các bộ ngành phải nhìn nhận vấn đề này thật nghiêm túc thì "mới giải quyết được vấn đề". "Còn bây giờ lại đổ cho pháp luật thì tôi khẳng định hiện nay pháp luật không còn vấn đề gì. Sắp tới còn gì nữa thì chúng tôi đang rà lại một lần nữa để sửa các luật vào tháng 12 tới", ông Dũng trả lời chất vấn.
Đồng tình với đại biểu Tạ Văn Hạ, Bộ trưởng cho biết có thực tế lập kế hoạch không sát. Các địa phương, bộ, ngành cũng thờ ơ hoặc cũng có thể chưa làm hết trách nhiệm.
"Chúng ta đề xuất được vốn rất lớn nhưng trên thực tế không giải ngân được, trong đó có một phần trách nhiệm của chúng tôi, cũng nể nang, cũng không hết trách nhiệm rồi cũng tổng hợp vào rồi cũng đưa lên, cho nên khi số không sát thực tiễn mà lớn lên thì gây áp lực do tỷ lệ giải ngân, nếu chúng ta làm sát thì làm gì có tỷ lệ nào cao đến mức như thế, không sát thì chúng ta lại phải điều chuyển vốn, trả lại vốn, hủy vốn, không hiệu quả…", Bộ trưởng đề cập và xin nhận một phần trách nhiệm trong rà soát các kế hoạch vốn mà các bộ, ngành và các địa phương có trình lên.
Chậm ở địa phương, địa phương phải chịu trách nhiệm
Tuy nhiên ngay sau phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) tiếp tục phát biểu tranh luận lại. Theo ông Hòa, những vốn nhóm A mang trọng điểm quốc gia là do bộ, ngành trung ương thẩm định, mà hiện nay chậm là do bộ, ngành trung ương, không phải của địa phương mà không thấy có trách nhiệm để giải quyết việc thẩm định.
"Nếu giải ngân chậm đổ tại do địa phương thì tội nghiệp địa phương quá, cho nên tôi nghĩ rằng cũng phải làm rõ trách nhiệm, địa phương nào giải ngân chậm thì phải có trách nhiệm xử lý địa phương đó. Nhưng bộ, ngành trung ương thẩm định đối với những nhóm A có tầm cỡ quốc gia chậm thì ai chịu trách nhiệm", đại biểu đặt vấn đề.
Trả lời sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết các dự án nhóm A do địa phương thẩm định. Còn đối với dự án quan trọng quốc gia là Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định để trình cho Thủ tướng, cái nào chậm ở trên Bộ Kế hoạch hay ở trên Trung ương thì cho Bộ sẽ biết.
"Tôi đảm bảo rằng đối với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi đã luôn luôn nỗ lực và cố gắng không để chậm một ngày, một giờ nào hết. Còn quy trình, thủ tục rất nhiều bước và phải lấy ý kiến rất nhiều cơ quan, cũng có thể tổng hợp lại nên có thể chậm, chúng tôi xin rút kinh nghiệm và sẽ cố gắng ở mức cao nhất, còn riêng nhóm A là do địa phương, tôi xin khẳng định điều đấy cho rõ về trách nhiệm", Bộ trưởng Dũng trả lời tranh luận.