1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chân dung tân CEO "không nhận lương" của Bách Hóa Xanh

Bảo Yến

(Dân trí) - Chuỗi bách hóa của Thế Giới Di Động có người dẫn dắt mới. CEO mới này là thạc sĩ toán tin, từng dẫn dắt trang thương mại điện tử VuiVui.com - tham vọng của ông Nguyễn Đức Tài nhưng thất bại.

Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) mới đây có công bố quan trọng về nhân sự mới dẫn dắt chuỗi Bách Hóa Xanh trong năm nay. Đó là ông Phạm Văn Trọng, 1 trong 4 nhân sự chủ chốt tại chuỗi bách hóa này. Ông Trọng đảm nhận khâu trung gian giữa bên mua hàng và đội siêu thị, đồng thời cũng là người xem xét toàn bộ được hệ thống.

Nhận cương vị mới, ông Trọng kể từ tháng này sẽ không còn nhận lương, cho đến khi chuỗi bách hóa này đạt được kết quả, bao gồm: có lãi vào năm 2023, đẩy mạnh hàng tươi sống và biến hệ thống này thành điểm đến của hộ gia đình, đưa trang thương mại điện tử (TMĐT) thành là số 1 Việt Nam.

Theo tìm hiểu, ông Trọng sinh năm 1979, là thạc sĩ toán tin và đã gia nhập tập đoàn do ông Nguyễn Đức Tài làm Chủ tịch HĐQT từ năm 2004. Sau 18 năm cống hiến ở đây, ông Trọng từng nắm giữ các vị trí quan trọng như Trưởng phòng công nghệ thông tin, Giám đốc khối công nghệ thông tin và đáng chú ý là Giám đốc trang TMĐT VuiVui.com. 

Chân dung tân CEO không nhận lương của Bách Hóa Xanh - 1

Ông Phạm Văn Trọng, nhân sự mới dẫn dắt chuỗi Bách Hóa Xanh từng là Giám đốc trang thương mại điện tử VuiVui.com (Ảnh: VuiVui).

VuiVui.com chính là tiền thân của trang TMĐT Bách Hóa Xanh hiện nay, được tự động chuyển sang sau khi VuiVui.com "đóng cửa" vào năm 2018.

VuiVui.com cũng từng là tham vọng số 1 thị trường bán hàng trực tuyến của ông Nguyễn Đức Tài những năm 2016 tuy nhiên đã thất bại chỉ 2 năm sau đó mà lý do được cho là đến từ việc hầu hết sản phẩm của trang này đều là từ tập đoàn. Điều này đồng nghĩa với danh mục sản phẩm thời điểm này của VuiVui.com không đa dạng, không hiệu quả về mặt doanh số. Trong khi đó, VuiVui.com phải duy trì một đội ngũ giao hàng với chi phí đầu tư cao, hơn nữa mức giá sản phẩm điện tử theo một số phản hồi cao hơn so với nhiều website khác... là những nguyên nhân cân nhắc dẫn đến kết cục cuối cùng.

Trước khi đóng cửa vĩnh viễn, tình hình kinh doanh năm 2017 của VuiVui.com khá khiêm tốn với doanh thu chỉ hơn 70 tỷ đồng, tương đương 0,1% doanh thu toàn Thế Giới Di Động.

Ngoài ra, một lý do lớn khác, theo chuyên gia, là sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường. Nhiều thương hiệu khác cũng lần lượt đóng cửa, kể tên có Beyeu.vn, Deca.vn, Cucre.vn, Adayroi, Rocket Internet…

Như vậy, sau 5 năm thất bại, Thế Giới Di Động "nuôi" lại giấc mơ đứng đầu thị trường TMĐT Việt Nam. Trong đó, theo Sách trắng TMĐT Việt Nam năm 2022 vừa công bố, dự báo quy mô thị trường TMĐT bán lẻ (B2C - Business to Customers) của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 16,4 tỷ USD, tăng trưởng 20% so với năm trước.

Mức tăng trưởng còn được các hãng dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong những năm tới và sẽ cán mốc 39 tỷ USD vào năm 2025, đứng thứ 2 sau Indonesia (104 tỷ USD), ngang bằng Singapore. Tổng doanh thu kinh tế internet Việt Nam đến năm 2025 dự báo đạt mức 57 tỷ USD, chỉ đứng sau Indonesia. Việt Nam cũng có tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm trực tuyến cao thứ 2 trong khu vực, chỉ sau Singapore.

Thị trường màu mỡ thu hút rất nhiều "đại gia" tham gia, không ngoại trừ Thế Giới Di Động. Tuy nhiên, liệu Thế Giới Di Động có thành công hay không thì vẫn còn chờ đợi ở tương lai.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm