Bài học của Thế Giới Di Động sau khi đóng hơn 400 cửa hàng Bách Hóa Xanh
(Dân trí) - Chủ tịch Thế Giới Di Động Nguyễn Đức Tài cho rằng việc đưa ra các quyết định lớn sẽ cần phải thận trọng hơn để tiết kiệm "học phí" sau quá trình tái cấu trúc Bách Hóa Xanh.
Trong buổi cập nhật tình hình kinh doanh với các nhà đầu tư hôm 23/11, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) Nguyễn Đức Tài thừa nhận khả năng không đạt kế hoạch lợi nhuận năm nay và chỉ thực hiện tương đương 90% so với 2021 dù doanh thu vẫn tăng trưởng.
Bài học chiến lược sau quá trình tái cấu trúc Bách Hóa Xanh
Theo ông Tài, trong giai đoạn hiện nay, doanh nghiệp phải ưu tiên bảo vệ dòng tiền hơn là tập trung vào lợi nhuận. Công ty sẵn sàng bán hàng với giá rẻ hơn, biên lợi nhuận thấp nhưng bù lại có doanh thu, đảm bảo dòng tiền.
Ông nhìn nhận những tác động của vĩ mô lên sức mua đã có thể nhìn thấy. Thu nhập bị ảnh hưởng, người tiêu dùng giảm chi tiêu, không mua những sản phẩm chưa cần thiết trong khi với hàng thiết yếu sẽ có xu hướng chọn sản phẩm giá thấp hơn.
Theo ông Tài, sức mua quý IV/2021 rất tốt sau khi bị kìm hãm nhiều tháng do dịch. Còn hiện tại, chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết nhưng có thể cảm nhận được nhu cầu yếu hơn trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng, người lao động nghỉ luân phiên thay vì tăng ca mùa cao điểm. Ông dự báo tình hình "thời tiết xấu" này sẽ còn kéo ít nhất đến hết quý I năm tới, thậm chí có thể đến quý II-III/2023.
Dù vậy, ông cũng chia sẻ thông tin tích cực với nhà đầu tư là Bách Hóa Xanh nhiều khả năng sẽ có lợi nhuận ròng vào quý IV/2023. Ông chủ Thế Giới Di Động đánh giá khả năng này "gần như chắc chắn" trừ trường hợp những tác động bên ngoài quá nghiêm trọng.
3 lý do được ông Tài nêu ra làm cơ sở cho mục tiêu trên gồm chuỗi đang thu hút thêm nhóm khách hàng mới, làm việc với các nhãn hàng để duy trì các hoạt động khuyến mãi giúp tăng doanh thu nhưng không làm suy giảm biên lợi nhuận, kiểm soát chặt chẽ việc vận hành để giảm chi phí.
Sau khi đóng cửa hơn 400 cửa hàng, Bách Hóa Xanh hiện tại còn khoảng hơn 1.700 điểm bán. "Việc mở rộng sau này sẽ đi theo chất lượng chứ không phải số lượng nữa, mở ra cửa hàng nào thì cửa hàng đó có tiền đem về. Tôi cũng không trả lời được sẽ mở bao nhiêu cửa hàng trong năm sau", ông Tài chia sẻ với nhà đầu tư.
Sau 10 tháng "dấn thân và chiến đấu" với Bách Hóa Xanh, ông Nguyễn Đức Tài cũng cho rằng đã rút ra bài học lớn về sự cẩn trọng khi đưa ra quyết định. Theo ông, Thế Giới Di Động từ trước đến nay có 2 điểm mạnh là ra quyết định và thực thi cực kỳ tốc độ. Việc thực thi nhanh vẫn phải duy trì nhưng cách ra quyết định phải thay đổi. Ông Tài thừa nhận trước đây, khi doanh nghiệp "đang thắng như chẻ tre thì thường chủ quan".
Theo ông, những quyết định tạo ra tác động lớn của tập đoàn từ nay có thể sẽ được đưa ra chậm hơn nhưng tăng cơ hội thành công, tiết kiệm "học phí". Việc quyết định phải thận trọng, dựa trên phân tích thấu đáo thay vì cảm nhận của cá nhân.
Mang chuông đi đánh xứ người
Với các ngành hàng điện thoại, điện máy, ông Đoàn Văn Hiểu Em - người phụ trách các chuỗi này - cho biết dự báo về thị trường năm tới không lạc quan và cũng không đặt mục tiêu mở thêm cửa hàng từ nay cho đến đầu năm tới. Cơ hội tăng trưởng sẽ đến từ việc hệ thống này lấy thêm thị phần của những nhà bán lẻ khác.
Theo ông Hiểu Em, doanh nghiệp sẽ tiếp tục làm việc với các nhà sản xuất để tìm cách gia tăng sản phẩm độc quyền. Song song đó, thị trường iPhone nói riêng và các sản phẩm Apple cũng được ông đánh giá còn nhiều cơ hội và công ty sẽ tiếp tục tập trung khai thác phân khúc này.
Ông Hiểu Em cũng thông tin Thế Giới Di Động vừa khai trương cửa hàng điện máy đầu tiên tại Indonesia theo mô hình liên doanh với đối tác bản địa.
Theo kết quả kinh doanh cập nhật ngày 25/11, tổng doanh thu sau 10 tháng của Thế Giới Di Động đạt gần 114.000 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế mới đạt hơn 3.800 tỷ đồng, thấp hơn 2% so với cùng kỳ năm trước.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu MWG hiện giao dịch ở mức 37.800 đồng/cổ phiếu, giảm gần 30% trong một tháng qua. Trong bối cảnh đó, hàng loạt lãnh đạo của tập đoàn này đã mua vào cổ phiếu. Riêng doanh nghiệp không có dự định mua cổ phiếu quỹ vì ưu tiên lúc này là bảo vệ dòng tiền, theo ông Nguyễn Đức Tài.