Chần chừ giảm cước vận tải

Cước vận tải vẫn chưa có dấu hiệu nhúc nhích dù giá xăng giảm liên tiếp 4 lần, một trong những nguyên nhân là do thị trường vận tải không có cạnh tranh, cầu lớn hơn cung

Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường vừa ký công văn yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố đề nghị hiệp hội vận tải ô tô tại địa phương tuyên truyền, vận động các đơn vị vận tải trên địa bàn kê khai và niêm yết giá cước theo quy định. Đặc biệt, phải điều chỉnh giảm giá cước vận tải đường bộ phù hợp theo mức giảm giá nhiên liệu hiện hành. Kết quả thực hiện phải báo cáo UBND cấp tỉnh, Bộ GTVT, Bộ Tài chính trước ngày 30/9. Tuy vậy, doanh nghiệp (DN) vận tải vẫn còn chần chừ trong việc giảm giá cước.

Đưa ra muôn vàn lý do

Theo khảo sát, giá vé xe khách tuyến Hà Nội - TP Nam Định phổ biến được các hãng thu là 60.000 đồng/lượt. Riêng xe khách Phương Trang có giá vé cao hơn (75.000 đồng/lượt) với lý do dịch vụ tốt hơn. Tuyến Hà Nội - Thái Bình có giá vé khoảng 75.000-80.000 đồng/lượt. Các tuyến xe khác cũng thu cước ở mức trung bình 500-600 đồng/km. Mức giá này đã tồn tại khá lâu, bất kể giá nhiên liệu lên hay xuống.

Trao đổi với phóng viên, chủ một DN vận tải tại TP Hải Phòng né tránh nói về kế hoạch điều chỉnh giá cước, chỉ phân trần: “Trong cơ cấu giá thành vận tải, ngoài xăng dầu còn phải tính cả chi phí phát sinh về phụ tùng, in lại phiếu, cài đặt lại đồng hồ, chi phí “bôi trơn” nữa. Giá xăng dầu chỉ chiếm 30%, không đáng kể”.

Một chủ xe chạy tuyến Hà Nội - TP Nam Định cho rằng xe khách nếu chở đúng số lượng ghế thì sẽ thất thu. Có những tuyến rất ít khách hoặc những ngày không cao điểm thì khách vắng nên nhà xe phải tranh thủ ngày cuối tuần “nhồi” khách. Muốn vậy, phải có chi phí “làm luật” thì mới hanh thông.

Một trong những lý do khác mà các DN vận tải đưa ra để trì hoãn việc giảm cước vận tải là phải chi trả phí cầu đường qua nhiều trạm thu phí. Ví dụ, nếu chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình thì chi phí cầu đường hết 140.000 đồng/lượt. Ngoài ra, tới đây, khi hoàn thiện, trạm thu phí Pháp Vân - Cầu Giẽ cũng sẽ được đề xuất thu phí.

Hành khách vẫn chưa được giảm giá vé dù giá xăng đã giảm Ảnh: Nguyễn Hưởng

Hành khách vẫn chưa được giảm giá vé dù giá xăng đã giảm Ảnh: Nguyễn Hưởng

Đại diện một DN vận tải chạy tuyến Hà Nội - TP Nam Định so sánh: “Nếu chạy đường cũ thì có thể tránh được phí cầu đường và thêm được vài khách giữa đường nhưng nhiên liệu tốn hơn; còn đi đường mới dù chạy thẳng, nhanh hơn nhưng lại mất phí. Nhà xe không lời lãi bao nhiêu trong khi giá vé 60.000 đồng/lượt cả mấy năm nay không thay đổi, kể cả khi giá xăng dầu cao nhất. Nếu giờ giảm giá cước thì rất khó”.

Các hãng taxi đến thời điểm này cũng hầu như chưa điều chỉnh giá cước. Đại diện Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết trong khoảng 1 tuần nữa, giá cước taxi sẽ giảm. Nguyên nhân chưa thể giảm ngay là do các DN còn phải thực hiện các thủ tục kê khai, niêm yết giá và chờ phê duyệt, điều chỉnh lại đồng hồ. Mức cước taxi dự kiến giảm sẽ vào khoảng 500-700 đồng/km.

Cần có thị trường cạnh tranh

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cho biết đã đề nghị các hiệp hội vận tải ô tô tỉnh, thành phố phối hợp với các sở GTVT và sở tài chính địa phương thực hiện có hiệu quả nhất văn bản đề nghị giảm giá cước của Bộ Tài chính. Hiệp hội cũng đang tuyên truyền, vận động các DN giảm giá cước vận tải, nhất là khi giá nhiên liệu giảm tới ngưỡng 10%.

Một lý do thường được viện dẫn cho việc chưa có chế tài đủ mạnh đối với các DN chậm trễ giảm giá cước là bởi DN vận tải hoạt động theo cơ chế thị trường, tự định giá và cạnh tranh nên không chịu sự điều tiết của các bộ, ngành, hiệp hội. Trong nhiều trường hợp, các hiệp hội chỉ có thể có ý kiến khuyến cáo, tuyên truyền, vận động DN giảm cước chứ không thể có chế tài.

TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng việc DN vận tải chây ì giảm giá cước xuất phát từ cung cầu. Thị trường kém cạnh tranh, không có cạnh tranh, cầu lớn hơn cung đã dẫn đến tình trạng này. “Vì thế, nên kiểm tra về cạnh tranh và độc quyền thông qua Cục Quản lý cạnh tranh và các cơ quan khác” - ông Cung đề xuất.

Trong khi đó, theo TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, hiện nay, những đối tượng tiêu thụ xăng dầu hoặc sử dụng các dịch vụ từ xăng dầu chưa được hưởng lợi nhiều từ động thái giảm giá xăng.

“Bằng chứng là người đi taxi chả thấy giá giảm gì cả. Có khi giảm cho có, chỉ vài chục đồng, thậm chí 10 đồng/km. Hoàn toàn không nên để cho Việt Nam trở thành một xứ mà giá không hề giảm khi có điều kiện. Vấn đề hiện nay là Cục Quản lý cạnh tranh không hoạt động độc lập nên không xử lý được tồn tại này” - ông Thiên nhận xét.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, trước khi có thể xây dựng và hình thành được một thị trường vận tải cạnh tranh thì trước mắt, vẫn cần một chế tài đủ mạnh để thúc ép DN giảm giá cước khi giá xăng dầu giảm mạnh.

 

Theo Thùy Dương
Người Lao động

 

Chần chừ giảm cước vận tải - 2