“Chấm điểm” hồ sơ, đấu thầu quốc tế “đại dự án” cao tốc Bắc - Nam

(Dân trí) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang kêu gọi hồ sơ, mời sơ tuyển chọn nhà đầu tư, đấu thầu quốc tế với 8 dự án thành phần thuộc “đại dự án” Dự án cao tốc Bắc - Nam. Để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100.

Công khai “chấm điểm” nhà đầu tư?

Ông Nguyễn Viết Huy - Phó vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (PPP) - cho biết: Hiện Bộ GTVT đã phê duyệt dự án đầu tư của 11 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông với tổng mức đầu tư 102.513 tỷ đồng, gồm 3 dự án đầu tư công và 8 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), loại hợp đồng BOT.

Trong đó, 8 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án nhóm A. Đối chiếu với các quy định hiện hành của pháp luật, hình thức lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án là đấu thầu rộng rãi quốc tế.

Ông Huy cho hay, quy trình đấu thầu quốc tế trải qua 2 bước: Thứ nhất, sơ tuyển quốc tế trên cơ sở báo cáo nghiên cứu khả thi đã được phê duyệt. Thứ hai, tổ chức đấu thầu trên cơ sở thiết kế kỹ thuật, dự toán xây dựng công trình.

“Chấm điểm” hồ sơ, đấu thầu quốc tế “đại dự án” cao tốc Bắc - Nam - 1
Chính phủ ưu tiên dự án cao tốc Bắc - Nam

Trong hồ sơ mời sơ tuyển, để đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà đầu tư, Bộ GTVT sử dụng phương pháp chấm điểm theo thang điểm 100. Trong đó, mức tối thiểu để đáp ứng yêu cầu là 60% tổng số điểm (60 điểm) và điểm đánh giá từng nội dung yêu cầu cơ bản tối thiểu là 50% điểm tối đa của nội dung đó.

Cụ thể, mức điểm năng lực về tài chính của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 60% tổng số điểm (tương ứng với 60 điểm); năng lực về kinh nghiệm của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 30% tổng số điểm (30 điểm) và phương pháp triển khai dự án của nhà đầu tư chiếm tỷ trọng 10% tổng số điểm (10 điểm).

Trường hợp liên danh, năng lực về tài chính của nhà đầu tư liên danh là tổng năng lực của các thành viên trong liên danh, đồng thời từng thành viên trong liên danh phải đáp ứng năng lực tương ứng với phần vốn góp chủ sở hữu theo thỏa thuận liên danh. Kinh nghiệm của nhà đầu tư liên danh thể hiện qua số dự án tương tự và bằng tổng số dự án của các thành viên trong liên danh đã thực hiện.

Về cơ chế thực hiện, công tác lựa chọn nhà đầu tư sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi quốc tế (bao gồm công tác sơ tuyển và đấu thầu); Thiết kế kỹ thuật, dự toán làm cơ sở để xây dựng hồ sơ mời thầu lựa chọn nhà đầu tư; Công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư triển khai bằng nguồn vốn nhà nước và Chính phủ Việt Nam không cung cấp bảo lãnh về doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ và các bảo lãnh về trách nhiệm của Chính phủ trong công tác triển khai thực hiện các dự án.

Không “phân biệt” nhà đầu tư nội hay ngoại

Đánh giá sơ bộ về khả năng tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài, đại diện Vụ PPP - Bộ GTVT cho rằng, ngay trong bước nghiên cứu tiền khả thi, Chính phủ đã có Tờ trình số 487/TTr-CP ngày 21/10/2017 báo cáo Quốc hội về chủ trương đầu tư, trong đó nêu rõ việc lựa chọn nhà đầu tư áp dụng hình thức đấu thầu công khai, minh bạch.

Theo đánh giá của Chính phủ, trong điều kiện chỉ số tín nhiệm của Việt Nam chưa cao, hành lang pháp lý và điều kiện hiện nay chưa cho phép Chính phủ cung cấp các bảo lãnh như yêu cầu các nhà đầu tư và ngân hàng nước ngoài (như: bảo lãnh doanh thu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ 3 thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng). Vì vậy, chưa thể khẳng định việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài sẽ thành công.

Còn đối với nhà đầu tư trong nước, Vụ PPP cũng đánh giá khi các nhà đầu tư trong nước phải đáp ứng các tiêu chí tối thiểu theo quy định của pháp luật về đấu thầu và Nghị quyết số 20/NQ-CP của Chính phủ (như: vốn chủ sở hữu bảo đảm tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; đã triển khai dự án có tổng vốn đầu tư tối thiểu bằng 50% tổng vốn đầu tư dự án đang xét; dự án có vốn chủ sở hữu nhà đầu tư đã góp tối thiểu bằng yêu cầu vốn chủ sở hữu dự án đang xét; đã thi công dự án/gói thầu có giá trị 30% giá trị xây lắp của dự án đang xét;...) cũng rất hạn chế nên sẽ phải liên danh với các nhà đầu tư khác trong và ngoài nước để bảo đảm năng lực và kinh nghiệm theo yêu cầu.

Ngoài ra, trong điều kiện dư nợ tín dụng dài hạn của các tổ chức tín dụng trong nước đang ở mức cao, tỷ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay dài hạn đã ở mức giới hạn theo quy định, trong khi Ngân hàng Nhà nước có chủ trương giảm dần tỷ lệ này nên khả năng huy động nguồn vốn từ các tổ chức tín dụng trong nước cũng gặp nhiều khó khăn.

“Từ thực tiễn cho thấy, để triển khai thành công các dự án PPP phụ thuộc rất nhiều vào thị trường như: mức độ rủi ro, tính hấp dẫn của dự án, lợi nhuận các lĩnh vực khác, khả năng cung ứng nguồn tín dụng dài hạn, mức độ ổn định chính sách của quốc gia,… Vì vậy, để đánh giá chính xác khả năng tham gia của nhà đầu tư trong nước hay quốc tế phải qua bước sơ tuyển mới đủ cơ sở để đánh giá”, ông Thái cho hay.

Đại diện Bộ GTVT khẳng định, hiện Việt Nam là thành viên của các tổ chức quốc tế, vì vậy việc đấu thầu nhà đầu tư thực hiện dự án phải bảo đảm trung thực, khách quan, công bằng theo pháp luật về đấu thầu cũng như các Hiệp ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, không ban hành các tiêu chí để hạn chế hay ưu tiên nhà đầu tư trong và ngoài nước.

 Châu Như Quỳnh