CEO Vinacafe thú nhận làm cà phê trộn đậu nành vì... sức ép thị trường

(Dân trí) - “Tôi thú thật cách đây 3-4 năm, chính xác là năm 2012, đứng trước sức ép của thị trường, sức ép của gu thưởng thức cà phê mới, chúng tôi đã làm ra hai sản phẩm Wake -up và Phinn có trộn đậu nành vào trong cà phê", CEO Vinacafe thừa nhận.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Phát biểu tại Diễn đàn "Đón sóng thực phẩm sạch" diễn ra sáng ngày 23/8, ông Nguyễn Đình Toàn - Giám đốc cao cấp ngành hàng cafe - Masan Consumer, thuộc Tập đoàn Masan cho biết, có 17 tỷ ly cà phê Việt Nam được uống mỗi năm, tương đương với khoảng có 35 triệu ly cà phê mỗi ngày. Cà phê gắn với cuộc sống hàng triệu hàng triệu người Việt Nam và tại đây, ngoại trừ xe máy nhiều nhất thế giới thì còn thấy đặc trưng là đi đâu cũng bắt gặp quán cà phê.

"Các vị có thấy ly cà phê linh thiêng với người Việt không, chúng tôi gọi là nó di sản quốc gia nhưng giờ đang dần bị mai một vì mỗi năm tại Việt Nam có 17 tỷ ly cà phê được uống nhưng vì một đời sống kinh tế khó khăn, vì lợi nhuận, lòng tham, đang biến thứ thức uống đó thành không phải cà phê. Điều đó khiến hàng triệu người Việt Nam chưa từng được thưởng thức 1 ly cafe đúng nghĩa", ông Toàn nói.

Ông Toàn cũng dẫn số liệu báo cáo gần đây cho thấy 50% là không phải cà phê trên thị trường không phải là cà phê nguyên chất.

"Chúng ta đứng số 1 về cà phê Robusta, thứ 2 về xuất khẩu cà phê nói chung nhưng người Việt Nam không được uống cà phê thực sự. Thêm vào đó, hạt cà phê cũng đang được định giá thấp hơn giá trị đổ ra. Mỗi ký cà phê nông dân Việt bán được 2 USD/kg nhưng Starbuck bán 1 ly cà phê giá 4 USD, gấp hàng trăm lần so với hàng triệu người nông dân Việt Nam thu được. Nescafe hay Starbuck thương hiệu hàng trăm tỷ USD nhưng không trồng 1 hạt cà phê nào. Vậy mà cường quốc số 1 cà phê chúng ta không sống nổi trên chính hạt cà phê chúng ta tạo ra", ông Toàn nói.

Mặc dù nêu lên thực trạng "bi thảm" của thị trường cà phê nhưng Vinacafe cũng buộc phải thừa nhận, các sản phẩm cà phê của doanh nghiệp này không phải hoàn toàn là "cà phê".

Tại Diễn đàn này, trước câu hỏi Masan có đúng là đi theo triết lý sản xuất sản phẩm truyền thống, nguyên bản không hay chỉ là hình thức quảng cáo, ông Nguyễn Tân Kỷ, Tổng Giám đốc Vinacafe Biên Hòa (thuộc Tập đoàn Masan) cho biết: "Không cái gì đau hơn khi cái tên Việt Nam coffee để người nước ngoài phân biệt cà phê Việt Nam lại không phải là cà phê mà là đậu nành".

“Hè vừa rồi tôi đưa gia đình đi nghỉ ở một resrot tại Phú Quốc, ở đấy có bình cà phê ghi Việt Nam coffee và coffee. Tôi có hỏi hai loại này khác nhau như thế nào thì nhân viên ở đây giải thích rằng Việt Nam coffee mua cà phê bột về rồi pha phin còn coffee là cà phê rang xay. Tôi đã thử và dễ dàng nhận ra Việt Nam coffee không phải là cà phê nguyên bản mà là có trộn đậu nành, vị đắng vẫn còn nguyên trong cổ họng của tôi”, ông Kỷ nói.

“Tôi thú thật cách đây 3-4 năm, chính xác là năm 2012, đứng trước sức ép của thị trường, sức ép của gu thưởng thức cà phê mới, chúng tôi đã làm ra hai sản phẩm Wake -up và Phinn có trộn đậu nành vào trong cà phê. Điều này khiến chúng tôi vô cùng day dứt khi đã đi ra khỏi triết lý kinh doanh, đi sai với niềm tin suốt 50 năm qua theo đuổi. Đặt trong bối cảnh gần đây đang có cuộc tranh luận về vấn đề cà phê pha tẩm nhiều, chúng tôi quyết định từ 1/8 chỉ làm cà phê nguyên bản”, CEO Vinacafe Biên Hòa cho hay.

Chia sẻ với câu chuyện của Masan tại Vinacafe Biên Hòa, Tiến sỹ Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện chính sách và chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới về cà phê nhưng ở nước Ý, nơi người dân dùng cà phê nhiều nhất thế giới chỉ có 10% dân số biết Việt Nam có cà phê. Nên việc đẩy mạnh phát triển sản phẩm cà phê đậm hương vị truyền thống là việc cần làm, vươn ra thị trường thế giới không chỉ là cà phê thô mà là những sản phẩm tốt.

Trước đó, tại hội thảo diễn ra trong tháng 7, một “ông lớn” khác trong ngành cà phê Việt Nam là Nescafe cũng thừa nhận sản phẩm cà phê Việt của mình có độn đậu nành với lý do là "để phù hợp với khẩu vị và sở thích của người Việt Nam".

"Nếu chúng ta chỉ cho ra đời loại cà phê nguyên chất 100% mà quên đi khẩu vị, gu thưởng thức của người Việt Nam thì liệu có phải là một định hướng nên theo đuổi hay không?” - cách trả lời của đại diện Nescafe cho thấy rõ ràng họ đang coi trọng gu tiêu thụ hơn.

Đai diện của Nestle cũng cho biết, Nescafe được sản xuất ở các quốc gia khác trên thế giới không độn, nhưng sản xuất ở Việt Nam thì phải độn. Tuy nhiên khi được hỏi tỉ lệ đậu nành và cà phê là bao nhiêu phần trăm, đại diện Nescafé đã từ chối vì cho rằng mình chỉ có nghĩa vụ công bố cụ thể thành phần với cơ quan nhà nước, còn với người tiêu dùng thì việc công bố là “không có ý nghĩa” nhằm “bảo mật bí quyết kinh doanh”.

Trong khi đó, cà phê của "gã khổng lồ" Trung Nguyên, được xem là “cây đại thụ” của cà phê Việt, khi chiếm thị phần lớn nhất của ngành cũng được nhiều chuyên gia đặt câu hỏi.

Nhiều chuyên gia đã làm một phép so sánh: Trên thị trường hiện nay, 1 kg cà phê nhân đã có giá 50.000 - 60.000 đồng. Sau khi rang xay chỉ còn lại 700g cà phê bột, cộng thêm chi phí sản xuất, đóng gói, nhân công, vận chuyển thì theo các chuyên gia, giá 1kg cà phê thành phẩm muốn bán có lời phải đội lên ít nhất gấp ba lần.

Thế nhưng một vài nhãn hàng của Trung Nguyên lại có giá rẻ. Chẳng hạn Cà phê Chinh phục S giá 48.900 đồng/500g; Cà phê Khát vọng I giá 57.500 đồng/500g... Như vậy 1 kg cà phê S hay cà phê I chỉ có giá trên dưới 100.000 đồng. Với giá thành thấp như thế, liệu trong đó có bao nhiêu phần trăm là cà phê thật sự?

Phương Dung