Cây xăng cháy gần viện 108 kinh doanh không phép

(Dân trí) - Bộ Công thương khẳng định không cấp phép kinh doanh cho cây xăng 2B Trần Hưng Đạo. Cây xăng này không được gọi là điểm kinh doanh xăng dầu mà chỉ là trạm cấp phát nội bộ của quân đội. Song theo phản ánh, cây xăng này vẫn bán cho dân.

Tại cuộc họp báo diễn ra sáng nay (5/6/2013) do Bộ Công thương tổ chức, ông Võ Văn Quyền,Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, cây xăng 2B Trần Hưng Đạo thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội (gần viện 108) vừa xảy ra cháy nổ gần đây là trạm cấp phát xăng nội bộ của quân đội.

Trước năm 2010, thực hiện theo Nghị định 55, trạm này được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, sau đó, do các lý do về diện tích đất đai, sự xen lấn của các công trình dân sự và nhiều yếu tố khác, đến năm 2011, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội đã trả lại đất cho Bộ Quốc phòng và thông báo với Sở Công thương Hà Nội không còn kinh doanh tại trạm xăng dầu này.

Xét về mặt quy hoạch và đảm bảo các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy cùng các yêu cầu an toàn khác, trong phê duyệt quy hoạch kinh doanh xăng dầu của Ủy ban nhân dân TP.Hà Nội đầu năm 2012 đã đưa vị trí này ra khỏi các điểm được cấp phép kinh doanh xăng dầu. “Sở Công thương Hà Nội đã không cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho trạm này” – ông Quyền khẳng định.

Toàn cảnh vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo.

Toàn cảnh vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo.

Vị lãnh đạo cũng cho hay, theo xác nhận, trạm xăng 2B Trần Hưng Đạo chỉ phục vụ cho nội bộ quân đội và không được gọi là điểm kinh doanh xăng dầu, không được tham gia kinh doanh, không được bán xăng dầu cho doanh nghiệp hay người dân.

Cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, vì vậy, không chịu sự điều chỉnh của Nghị định 84. Mặc dù vậy, cây xăng này vẫn phải đảm bảo yêu cầu về chất lượng xăng dầu và các nguyên tắc trong phòng cháy, chữa cháy…

Còn về quy hoạch, theo Nghị định 55 và sau này là Nghị định 84, quy hoạch về các địa điểm kinh doanh xăng dầu do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố lập trên cơ sở phát triển kinh tế xã hội, nhu cầu đi lại, giao thông vận tải cũng như các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, các đặc điểm kỹ thuật mà nhà nước quy định để xây dựng mạng lưới kinh doanh xăng dầu. 

Tuy nhiên, nhu cầu về xăng dầu lại có từ trước, do đó, ở những địa bàn như thành phố Hà Nội, TPHCM và các đô thị lớn vẫn còn có sự tồn tại mang tính lịch sử của những cửa hàng xăng dầu mà hiện nay chưa phù hợp quy hoạch hoặc chưa đáp ứng được một số các yêu cầu tiêu chuẩn như quy định của nhà nước.

Ông Quyền nói, Hà Nội hiện có trên dưới 50 cây xăng chưa phù hợp. Theo Nghị định 84, các thương nhân sẽ phải phối hợp với các cơ quan nhà nước có lộ trình cải tạo di dời. Đối với những cây xăng phù hợp với quy hoạch thì buộc phải cải tạo, còn không đúng thì có lộ trình di dời.

“Phải di dời theo lộ trình để tránh tác động đột ngột đến nhu cầu dân sinh và bố trí mạng lưới của chính doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”, ông Quyền lưu ý.

Trở lại với cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, phóng viên đặt câu hỏi, “mặc dù trạm này chỉ được cấp phát nội bộ song vẫn bán cho dân, vậy phải tính thế nào?”, ông Quyền cho hay, nếu quả thực có tình trạng đó thì cây xăng này đã vi phạm. Chỉ những điểm cấp phát xăng của quân đội ở khu vực 3 (vùng sâu vùng xa) mới được phép bán xăng dầu cho dân. Bộ Công thương sẽ đề nghị Bộ Quốc phòng và quản lý trạm xăng phải dừng ngay việc kinh doanh và buộc phải chấn chỉnh.

Tuy nhiên, ông Quyền cũng cho biết, không thể đóng cửa trạm xăng này do các yêu cầu về an ninh, quốc phòng.

Bích Diệp