Tàu đâm sập cầu ở Mỹ:
Cây cầu hóa "sắt vụn" sau vài giây, huyết mạch 80 tỷ USD tê liệt
(Dân trí) - Vụ sập cầu tại Mỹ chỉ diễn ra trong vài giây nhưng có thể sẽ mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng để khắc phục. Sự cố này khiến huyết mạch vận chuyển bị tê liệt và để lại hậu quả lớn về kinh tế.
Cây cầu hóa "sắt vụn" trong vài giây
Rạng sáng 26/3 theo giờ Mỹ, một tàu chở container tên Dali, treo cờ Singapore, đã đâm vào một trong những trụ đỡ trung tâm của cây cầu Francis Scott Key tại khu vực cảng Baltimore. Vào thời điểm xảy ra tai nạn, trên tàu có 22 thủy thủ đoàn và khoảng 4.679 container.
Con tàu đang chở đầy hàng hóa hướng tới Sri Lanka dường như đã bị mất điện và đi chệch hướng. Được biết, thủy thủ đoàn đã cố gắng ra tín hiệu cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện trước khi thực sự lao vào cây cầu và giúp các quan chức Baltimore kịp ngăn chặn các phương tiện lưu thông trên tàu.
Cây cầu này gồm 4 làn xe dài 2,6 km bắc qua sông Patapsco và đóng vai trò là điểm vận chuyển thiết yếu.
Vụ va chạm khiến cây cầu Francis Scott Key bị gãy, sập, kéo theo một số phương tiện rơi xuống sông Patapsco và khiến một số người mất tích. Con tàu bị cho là bốc cháy một phần do bị cây cầu sập đè lên, tuy nhiên 22 thủy thủ đoàn đều an toàn.
Thống đốc bang Maryland cho biết vụ sập cầu là một sự kiện gây sốc và đau lòng đối với người dân Maryland, những người đã sử dụng cây cầu trong 47 năm qua.
Patrick Penfield, giáo sư chuỗi cung ứng tại Đại học Syracuse, chia sẻ với Quartz: "Thảm kịch cầu Francis Scott Key sẽ tác động đến nhiều chuỗi cung ứng. Hơn 11 triệu phương tiện sử dụng cây cầu đó hàng năm và đó là con đường quan trọng đối với mạng lưới giao thông của Baltimore".
Huyết mạch vận chuyển bị tê liệt
Cây cầu trên là huyết mạch giao thông giúp vận hành cảng Baltimore. Chính vì vậy, sự cố này có thể khiến một trong những hải cảng nhộn nhịp nhất bờ đông nước Mỹ phải ngừng hoạt động vô thời hạn.
Cảng Baltimore đóng vai trò quan trọng đối với hoạt động vận tải ô tô và xe tải nhẹ của các nhà sản xuất châu Âu như Mercedes-Benz, Volkswagen và BMW. Baltimore cũng là cảng xuất khẩu than lớn thứ 2 của Mỹ, việc ngừng hoạt động có thể ảnh hưởng tới các chuyến hàng đến Ấn Độ.
Theo dữ liệu của Hiệp hội Vận tải đường bộ Mỹ, giá trị hàng hóa được vận chuyển qua đây hàng năm là khoảng 28 tỷ USD.
Không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động vận tải hàng hóa, vụ đâm tàu cũng ảnh hưởng tới khoảng 35.000 người dân thường xuyên sử dụng cây cầu mỗi ngày.
Chia sẻ với Reuters, chuyên gia nghiên cứu Yonah Freemark tại viện nghiên cứu Urban Institute nhận định: "Hệ thống cơ sở hạ tầng này rất quan trọng đối với nhu cầu hàng ngày của chúng tôi. Việc một lượng lớn hàng hóa ra vào Mỹ bị cắt đứt đột ngột như vậy sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng lớn".
Ngoài ra, Ryan Petersen, giám đốc điều hành của nền tảng vận chuyển Flexport, khẳng định lượng hàng hóa thông qua cảng tăng đột ngột từ 10% đến 20% cũng đủ để gây ra tình trạng tồn đọng và tắc nghẽn nghiêm trọng.
Hoạt động vận chuyển khoảng 2,5 triệu tấn than, hàng trăm ô tô do Ford và General Motors sản xuất cùng nhiều mặt hàng như gỗ và thạch cao có nguy cơ bị gián đoạn sau khi tàu container Dali đâm sập cầu Francis Scott Key.
Thiệt hại kinh tế lớn
Cảng Baltimore, một mắt xích trị giá khoảng 80 tỷ USD trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dự kiến sẽ đóng cửa vô thời hạn trong khi các quan chức liên bang và tiểu bang Mỹ ở Maryland giải quyết hậu quả của vụ sập cầu Francis Scott Key.
Theo Cục Quản lý cảng Maryland, Baltimore là cảng lớn thứ 11 ở Mỹ về mặt xử lý container nhưng là cảng bận rộn nhất của Mỹ về xuất khẩu ô tô, đã xử lý hơn 750.000 phương tiện vào năm 2023. Cảng Baltimore được đánh giá là một thành viên quan trọng trong chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô và năng lượng.
Theo dữ liệu của Maryland, tháng 1 năm nay, 56.332 tấn ô tô và phụ tùng ô tô, 62.397 lâm sản và 199 tấn thép và kim loại đã di chuyển qua cảng.
Năm 2023, cảng Baltimore cũng đã xử lý 52,3 triệu tấn hàng hóa nước ngoài, trị giá 80 tỷ USD. Cảng cũng tạo ra khoảng 15.300 việc làm trực tiếp và 139.180 việc làm gắn liền với công việc tại cảng và tạo ra tổng thu nhập cá nhân gần 3,3 tỷ USD.
Ông Ernie Thrasher, Giám đốc điều hành của công ty năng lượng Xcoal Energy and Resources, cho rằng vụ sập cầu có thể khiến các chuyến hàng than ra khỏi Baltimore ngừng hoạt động trong khoảng 6 tuần.
Chia sẻ với Bloomberg, ông John Lawler, giám đốc tài chính của Ford Motor, cho biết nhà sản xuất ô tô này sẽ bắt đầu định tuyến lại các bộ phận ô tô đến các cảng khác ở Bờ Đông nước Mỹ.
GM cũng cho biết họ đang nỗ lực định tuyến lại các chuyến hàng đến các cảng khác nhau và dự kiến sẽ có tác động tối thiểu đến hoạt động của mình. Volkswagen dự kiến việc vận chuyển đường bộ sẽ bị chậm trễ do giao thông được định tuyến lại trên đất liền nhưng không có vấn đề về hàng hải.
Tiền bảo hiểm có thể phá kỷ lục
Không những vậy, nhiều nhà phân tích cho rằng vụ sập cầu Francis Scott Key ở cảng Baltimore có thể phá vỡ kỷ lục thế giới về số tiền bảo hiểm cho một tai nạn. Theo Reuters, giới phân tích và các đơn vị cung cấp bảo hiểm đang đánh giá số tiền những doanh nghiệp này sẽ phải chi trả trong vụ sập cầu này.
Với việc chưa rõ khi nào cảng Baltimore hoạt động trở lại, các lĩnh vực có thể nhận tiền từ vụ tai nạn này bao gồm bảo hiểm vật chất, hàng hóa, hàng hải, tín dụng thương mại và bảo hiểm gián đoạn kinh doanh do yếu tố bên ngoài.
"Phụ thuộc vào việc cảng Baltimore đóng cửa đến bao lâu và tính chất các khoản bảo hiểm gián đoạn kinh doanh cho cảng Baltimore, số tiền bảo hiểm có thể dao động trong khoảng từ 2 tỷ đến 4 tỷ USD", ông Marcos Alvarez, giám đốc quản lý xếp hạng bảo hiểm toàn cầu tại cơ quan xếp hạng tín dụng Morningstar DBRS, nói với Reuters.
Nếu lên tới 4 tỷ USD, tiền bảo hiểm cho tai nạn này sẽ phá vỡ kỷ lục khoản tiền bồi thường bảo hiểm cho một vụ việc lớn nhất lịch sử là tai nạn du thuyền hạng sang Costa Concordia năm 2012. Ông Alvarez cho biết thảm họa trên có thể sẽ gây áp lực lên giá bảo hiểm hàng hải trên toàn cầu.
Trong khi đó, bà Mathilde Jakobsen, giám đốc cấp cao trung tâm xếp hạng bảo hiểm AM Best, cũng khẳng định số tiền doanh nghiệp có thể yêu cầu được chi trả sẽ lên tới hàng tỷ USD.
Ông Brandan Holmes, nhà phân tích tại Tổ chức xếp hạng tín dụng toàn cầu Moody's, cho biết có khoảng 80 đơn vị bảo hiểm sẽ chia nhau chi trả các khoản tiền này. Ông nhận định rằng dù tổng số tiền bảo hiểm trong vụ này dự đoán sẽ rất cao nhưng số tiền này sẽ được chia cho nhiều đơn vị thanh toán.
"Việc gián đoạn kinh tế và cơn đau mà các cá nhân, doanh nghiệp ở Maryland và vùng kinh tế Baltimore phải hứng chịu sẽ lan rộng. Chúng ta cần nhiều năm để thấy được hết hậu quả và bồi thường cho những người bị ảnh hưởng", ông Julien Horn, chuyên gia tại tập đoàn môi giới bảo hiểm McGill and Partners, nhận định với The Economic Times.
Công ty phân tích kinh tế IPLAN cho biết chi phí sơ bộ cho việc xây dựng lại cây cầu có thể sẽ lên tới 600 triệu USD và Chính phủ liên bang sẽ chịu khoản này. Việc đóng cửa cảng Baltimore có thể làm thâm hụt ít nhất 28 triệu USD cho bang Maryland.