Câu chuyện "sống còn" của doanh nghiệp Việt đằng sau những ánh đèn Giáng sinh lấp lánh
(Dân trí) - Trong nhiều năm, đèn chiếu sáng ngày lễ thường được sản xuất gần như duy nhất tại Trung Quốc, nhưng thuế quan của Mỹ tăng đối với hàng hóa Trung Quốc đã đẩy nhiều người mua đến lấy hàng hóa ở các nơi khác, trong đó có Việt Nam.
Theo dữ liệu hải quan của Mỹ, có một quốc gia được hưởng lợi rõ ràng từ cuộc thương chiến Mỹ- Trung, đó là Việt Nam: Các lô hàng đèn Giáng sinh vượt biển đến từ Việt Nam đã tăng hơn gấp đôi trong 10 tháng đầu năm so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, nhập khẩu đèn của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm 49%.
Nhìn sâu hơn vào dữ liệu và thảo luận với các chuyên gia thương mại, có một câu chuyện phức tạp đằng sau những ánh đèn rực đỡ đó.
Đèn Giáng sinh đang đến Mỹ theo một mô hình trở nên quen thuộc bởi nó nằm trong danh sách áp thuế quan của Mỹ: Các nhà cung cấp Trung Quốc đang tìm cách gỡ bỏ nhãn hiệu "Made in China". Để trốn tránh các hình phạt, sử dụng các nước láng giềng như Việt Nam để vận chuyển hàng hóa qua biên giới, dán nhãn lại và vận chuyển chúng đến Mỹ.
Từ lâu, Việt Nam đã thu hút rất nhiều vốn đầu tư và sản xuất kinh doanh hợp pháp nước ngoài - và đã làm rất tốt trước khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu làm rung chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, cuộc chiến thương mại đã làm tăng nguy cơ buôn bán hàng hóa bất hợp pháp, khiến Việt Nam bị chú ý.
Deborah Elms, giám đốc điều hành của Trung tâm thương mại châu Á tại Singapore cho biết: “Người Trung Quốc rất giỏi trong việc tạo ra hàng hóa giá trị thấp và số lượng lớn với một số mẹo làm nhái nhất định có thể dễ dàng nhân rộng. Các doanh nghiệp Trung Quốc làm rất nhiều cách để tránh các mức thuế khổng lồ có thể làm lu mờ biên lợi nhuận”, cô nói.
“Có một số công ty địa phương đã mang vật liệu, các bộ phận từ Trung Quốc và lắp ráp chúng thành các loại đèn này để bán”, Nguyễn Thị Hà, một chủ cửa hàng 34 tuổi ở Hàng Mã, nói.
“Họ không muốn tự sản xuất vì họ sẽ tốn nhiều tiền hơn so với việc nhập các bộ phận từ Trung Quốc để lắp ráp”, cô nói.
“Áp lực chiến tranh thương mại có nghĩa là có rất nhiều hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường trong năm nay”, một số chủ cửa hàng dọc theo Hàng Mã cho biết.
Hồi tháng 5, chính quyền tổng thống Trump đã đánh thuế 25% đối với đèn Giáng sinh từ Trung Quốc, tăng từ 10% trước đó.
Đối với ông Âu Anh Tuấn, Cục trường cơ quan kiểm soát và giám sát hải quan tại Tổng cục Hải quan Việt Nam, việc kiềm chế dòng hàng hóa bất hợp pháp là một cuộc đấu tranh sống còn. Đến tháng 10, cảnh sát Việt Nam đã phát hiện ra khoảng 14 trường hợp xuất khẩu với nhãn giả, chi tính riêng trong năm nay.
"Chúng tôi đã làm việc với Bộ kế hoạch và Đầu tư để rà soát toàn bộ vốn FDI từ Trung Quốc và Hồng Kông”, ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 11 tại Hà Nội. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Việt Nam tăng trưởng ba chữ số vào năm 2019, dữ liệu cho đến tháng 11 cho thấy.
Ông Tuấn cho biết, họ đã xem xét giá trị của các khoản đầu tư - đặc biệt là quy mô của các nhà máy và công nghệ các công ty sử dụng - để xác định xem các nhà đầu tư này có nhắm đến việc chỉ cần thành lập một nơi để lắp ráp tất cả các bộ phận mà họ mang đến từ Trung Quốc hay không, liệu các sản phẩm đó có phải chịu thuế quan của Mỹ hay không, hay tìm ra những nhà đầu tư mà chỉ đang muốn cố gắng trốn tránh các hình phạt từ Mỹ.
Một số công ty tên tuổi lớn như Kyocera Corp, Sharp Corp và Nintendo đã đầu tư vào Việt Nam kể từ khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, và nhiều công ty khác cũng đang cân nhắc. Vốn đầu tư vào Việt Nam đang trên đà đạt 35 tỷ USD trong năm nay.
Thành công đó cũng đã phải đánh đổi. Thặng dư hàng hóa của Việt Nam với Mỹ đã tăng lên 46,3 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm 2019 - tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái - khiến Việt Nam có thể trở thành mục tiêu của Nhà Trắng. Mỹ trước đó đã đánh thuế hơn 400% đối với một số mặt hàng thép từ Việt Nam.
Trong khi đó, các doanh nghiệp ở phía bên kia của thế giới vẫn gặp rắc rối bởi việc thay đổi những chuỗi cung ứng mà họ chưa kịp thích nghi - bao gồm cả đèn Giáng sinh.
Frank Skinner, giám đốc tiếp thị của WinterType Corp có trụ sở tại Georgia, Mỹ, một công ty nhập khẩu đèn Giáng sinh và các đồ trang trí trong ngày lễ, cho biết: “Cần một vài năm để các công ty vượt qua điều này. Đối với những công ty như chúng tôi, những công ty có đường cầu theo mùa rất lớn, điều đó khó khăn hơn nhiều”.
Thùy Dung
Theo Bloomberg