1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nguy cơ về điều “đáng sợ” hơn cả chiến tranh thương mại: Việt Nam phải làm gì?

(Dân trí) - Ngày 6/8 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức khẳng định Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ khi để giá trị đồng nội tệ suy yếu nhằm đối phó với cuộc thương chiến mà nước Mỹ đang thực hiện. Tuyên bố này ngay lập tức khiến giới quan sát và chuyên gia lo ngại tình hình có thể đi xa hơn và khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Nguy cơ về điều “đáng sợ” hơn cả chiến tranh thương mại: Việt Nam phải làm gì? - 1
Chiến tranh tiền tệ theo đánh giá, sẽ có những hệ luỵ lớn, ảnh hưởng sâu rộng hơn chiến tranh thương mại.

Tại cuộc làm việc của Bộ Công Thương mới đây về tình hình xuất nhập khẩu, lãnh đạo Bộ cùng đại diện cục, vụ đều khẳng định sẽ bám sát tình hình xung đột thương mại Mỹ - Trung, nhằm có những đánh giá phù hợp.

Thứ trưởng Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu rằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung quá phức tạp, vượt quá khả năng đánh giá, dự báo cũng như phân tích. Cuộc chiến thương mại này đang đặt ra thách thức rất lớn cho các quốc gia có quan hệ thương mại với hai nước này, trong đó có Việt Nam.

"Từ chỗ là cuộc xung đột thương mại và giờ là xung đột tiền tệ. Xung đột thương mại có thể đánh thẳng vào các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, và sụt giảm doanh số sẽ ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng xuất khẩu", ông Khánh nhận định.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng trong cuộc họp tổng kết 7 tháng đầu năm, cũng nhắc đến diễn biến leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung như những “thách thức” lớn đối với nền kinh tế.

“Xung đột thương mại Mỹ - Trung căng thẳng leo thang sau khi Mỹ tuyên bố sẽ áp thuế 10% đối với khoảng 300 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu còn lại từ Trung Quốc và chính thức coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ”, ông Dũng nói.

Điều này theo ông Dũng, đặt ra các thách thức lớn đối với nền kinh tế Việt Nam, trong đó có liên quan trực tiếp tới các nội dung về phòng vệ thương mại trong thời gian tới.

Trong khi đó, Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết, với động thái liên tục phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc, có những đánh giá cho rằng xung đột chiến tranh thương mại có thể trở thành chiến tranh tiền tệ.

Chiến tranh tiền tệ theo vị này, sẽ có những hệ luỵ lớn, ảnh hưởng sâu rộng hơn cả chiến tranh thương mại. “Chúng tôi sẽ có những theo dõi chặt chẽ để có những tính toán, phân tích đánh giá phù hợp”, ông Sơn nhấn mạnh.

Trao đổi với Dân trí, TS. Quách Mạnh Hào, chuyên gia tài chính (Đại học Lincoln - Anh) đồng quan điểm cho rằng, cuộc chiến tiền tệ nếu xảy ra, còn tác động tiêu cực, nặng nề hơn chiến tranh thương mại.

“Tất nhiên là như vậy. Cuộc chiến thương mại về cơ bản vẫn là giữa Mỹ và Trung Quốc, còn cuộc chiến tiền tệ giống như một cuộc thế chiến. Các nền kinh tế trên thế giới sẽ ngay lập tức chịu tác động bởi sự phá giá đồng USD, nhiều hơn rất nhiều so với đồng nhân dân tệ do mức độ ảnh hưởng của hai đồng tiền này”, ông Hào nói.

Trong khi đó, trả lời trên báo chí, ông Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc cho rằng khó có khả năng xảy ra chiến tranh tiền tệ xảy ra, cũng không nghĩ Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ đến mức nào đó theo ý thích của mình.

Bên cạnh đó, Trung Quốc không hề muốn bị liệt vào nước bị thao túng tiền tệ, họ cũng muốn khi đàm phán phải có nhiều mặt thuận lợi.

Một số chuyên gia tài chính khác cho rằng, việc mất giá đồng Nhân dân tệ chỉ là một phản ứng mang tính chất tâm lý, mang tính chất bày đàn, góc độ tạm thời.

Việc của Việt Nam cần làm đó là cần hết sức bình tĩnh để theo dõi và không nên xoáy vào vòng xoáy của chiến tranh tiền tệ. Theo đó, ổn định nền kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá luôn luôn là vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam.

Còn theo quan điểm của TS. Quách Mạnh Hào, trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc đều là đối tác thương mại lớn của Việt nam, trong đó với Trung Quốc là nhập siêu và với Mỹ là xuất siêu, thì cuộc chiến tranh tiền tệ với Việt nam về mặt toán học có thể sẽ là một tác động tương đối cân bằng.

Thậm chí khi đó chúng ta có nhiều động lực hơn để phát triển các thị trường mới, các đối tác mới.

“Ngay cả bản thân nền kinh tế của chúng ta cũng cần một trật tự mới. Chúng ta cần một cú huých từ bên ngoài để thay đổi. Nó giống như việc chúng ta đang ở xuất phát điểm thấp thì rủi ro lớn nhất cũng chỉ là rơi xuống thêm một chút nhưng có cơ hội bật cao. Còn không, nguy cơ bị bỏ xa là rất cao. Như vậy, rủi ro của chúng ta chính là chẳng có gì để thay đổi”, ông Quách Mạnh Hào nhấn mạnh.

Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhận định dù có thể chịu sức ép giảm giá theo nhân dân tẹ nhưng tiền đồng sẽ không giảm giá quá sâu (trên 3%).

Trong ngắn hạn, theo BVSC, VND có thể sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng từ diễn biến giảm giá của nhân dân tệ nhưng tỷ giá VND/USD tính đến cuối tháng 7 gần như đi ngang so với cuối năm ngoái nên cơ quan điều hành vẫn đang còn khá nhiều dư địa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã bất ngờ khiến căng thẳng thương mại leo thang khi tuyên bố sẽ áp thuế 10% với khoảng 300 tỷ USD hàng nhập khẩu còn lại.

Ông Donald Trump cũng lên tiếng chỉ trích Trung Quốc là nước "thao túng tiền tệ" và gọi hành động hạ giá nội tệ là "một sự vi phạm nghiêm trọng". Vài năm gần đây, ông vẫn luôn phàn nàn việc nước này hạ giá nhân dân tệ để tăng lợi thế xuất khẩu.

Ngày 6/8, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức khẳng định Trung Quốc là quốc gia thao túng tiền tệ khi để giá trị đồng nội tệ suy yếu nhằm đối phó với cuộc thương chiến mà nước Mỹ đang thực hiện.

Tuyên bố này ngay lập tức khiến giới quan sát và chuyên gia lo ngại tình hình có thể đi xa hơn và khơi mào một cuộc chiến tranh tiền tệ.

Nguyễn Mạnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm