Bình Định:

Câu cá ngừ đại dương kiểu Nhật: Ngư dân vẫn chưa làm đúng quy trình

(Dân trí) - Tín hiệu vui khi những con cá ngừ đại dương trong chuyến biển đầu năm 2015 được chọn xuất khẩu qua Nhật Bản. Thế nhưng, chỉ 7/100 con cá ngừ đại dương được chọn đạt tỷ lệ quá thấp do ngư dân vẫn chưa tuân thủ đúng quy trình.

Câu cá ngừ đại dương kiểu Nhật: Ngư dân vẫn chưa làm đúng quy trình
Khai thác cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản, ngư dân vẫn chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, bảo quản

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
 
Sáng 31/1, 4 trong 5 chiếc tàu của ngư dân xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định) tham gia mô hình khai thác và xuất khẩu cá ngừ đại dương sang Nhật lần lượt cập Cảng cá Quy Nhơn với 100 con cá ngừ. Sau khi mổ lấy thịt kiểm tra chất lượng 100 con cá ngừ đại dương, các chuyên gia Nhật chỉ lựa chọn được 7 con đạt tiêu chuẩn ăn sống được đóng thùng lên máy bay chuẩn bị qua Nhật Bán đấu giá. Dù được các chuyên gia Nhật ghi nhận sự nỗ lực của ngư dân, nhưng tỷ lệ cá đạt tiêu chuẩn vẫn còn quá thấp.

Ông Masakazu Shoga, chuyên gia thủy sản của Cty Kato Hitoshi General Office của Nhật Bản đánh giá: Đây vẫn đang trong thời gian thí điểm nên những gì ngư dân Việt Nam làm được là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, qua kiểm tra lô cá ngừ cho thấy ngư dân vẫn chưa tuân thủ triệt để theo đúng quy trình về những kỹ thuật về đánh bắt, xử lý cũng như cách bảo quản cá mà các chuyên gia Nhật đã chuyển giao nên tỷ lệ cá đạt tiêu chuẩn đi Nhật còn thấp.

Theo ông Phạm Văn Tần, cán bộ kỹ thuật của Công ty CP thủy sản Bình Định, cho biết: Hầu hết, những con cá bị loại do thịt không đủ độ đàn hồi, thịt cá không cùng 1 màu, chỗ đỏ chỗ thâm đen. Nguyên nhân chính vẫn là do ngư dân không tuân thủ đúng quy trình xử lý và bảo quản, cá được đánh bắt tại vùng biển nước có nhiệt độ cao hoặc bị ký sinh trùng bám vào hủy hoại thịt.

Tiêu chuẩn cá ngừ đại dương được chọn qua Nhật Bản, ngoài tuân thủ các quy trình đánh bắt, hầm bảo quản, thì cá đánh bắt khi đem vào bờ chọn đưa qua Nhật không quá 10 ngày. Tuy nhiên, thực tế hầu hết số cá không đạt tiêu chuẩn có thời gian đánh bắt hơn 10 ngày trở lên. Các ngư dân hoạt tham gia đánh bắt theo mô hình này cũng thừa nhận, do không thể thực hiện chuyến biển dưới 10 ngày như quy định vì sẽ không đảm bảo thu nhập cho chuyến biển. Vì vậy, trong 10 ngày đầu họ đánh bắt không tuân thủ theo quy trình được chuyển giao, chấp nhận số cá này không đi Nhật. Chỉ 10 ngày cuối, họ mới đánh bắt theo quy trình nên tỷ lệ cá đạt tiêu chuẩn ít.

Tỷ lệ 7/100 con cá ngừ đại dương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu qua Nhật đang còn quá thấp
Tỷ lệ 7/100 con cá ngừ đại dương đạt tiêu chuẩn xuất khẩu qua Nhật đang còn quá thấp

Ngư dân Nguyễn Quê chủ tàu ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), thuyền trưởng tàu cá BĐ-96776 TS, dù chỉ có 1 tàu, đánh bắt được chỉ 21 con trong tổng số 100 con được kiểm tra, thì tàu có 4/7 con được chọn đi Nhật. Anh Quê, phấn khởi: “Đánh bắt theo mô hình cũng có nhiều cái khó, nhưng tôi luôn động viên thuyền viên từ bỏ thói quen cũ, thực hiện theo đúng quy trình để sản phẩm của mình bán qua thị trường Nhật. Tuy nhiên, có một cái khó không phải ra chuyến biển nào ra khơi là gặp đàn cá lớn, có khi vài ngày chỉ đánh bắt được một con. Nếu thực hiện quy trình dưới 10 ngày phải đem cá vào bờ thì sợ không đủ phí tổn, tiền công chia bạn tàu”.

Trao đổi về vấn đề trên, bà Trần Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tin tưởng: “Mặc dù tỷ lệ cá đạt tiêu chuẩn qua Nhật chưa cao nhưng đã cho thấy ngư dân từng bước có những tiến bộ. Cách làm truyền thống ăn sâu vào máu ngư dân mình nên giờ muốn thay đổi phải có thời gian. Dù khó mấy chúng tôi cũng quyết tâm đưa mô hình thành công và tin tưởng ngư dân chúng ta sẽ làm được”.
 
Doãn Công
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”