Cắt tóc, rửa xe, đánh giày hốt bạc ngày cuối năm
Giá rửa xe tại phố Liên Trì sáng 30 Tết là 200.000đ/ôtô; đánh giày phổ biến ở mức 20.000đ/đôi.
Thợ rửa xe bợt tay, phờ người
Do tối hôm trước, Hà Nội có mưa phùn nên sáng 29-2 (tức ngày 30 Tết), các điểm rửa xe tại Hà Nội đông nghịt khách. Tại khu vực Từ Liêm, giá rửa xe đã được tăng lên gấp đôi so với ngày thường, khoảng từ 80-100.000đ/ôtô; thậm chí xe máy còn không được nhận rửa.
Tại đường Nguyễn Khánh Toàn, 3-4 hàng rửa xe nằm liền kề nhau, có diện tích khá rộng đang hoạt động hết công suất. Nhóm thợ, người cầm vòi nước phun mù mịt, người loay hoay hút bụi, lau sàn... Giá rửa xe ở đây cũng là 100.000đ/xe. Anh Huy (trú tại Trần Đăng Ninh), vừa rút tiền trả vừa lắc đầu: Hôm nay rửa bẩn kinh khủng, xe tôi gần như họ không thèm đập bụi ở thảm lót sàn. Gầm xe còn bẩn nguyên, nội thất cũng lau “một nhát đến tai, hai nhát đến gáy”. Bình thường tôi rửa mất 20 phút, hôm nay chưa đầy 10 phút đã xong. Thôi thì đành chịu.
Tình trạng tương tự diễn ra tại phố Nguyễn Khang (ven sông Tô Lịch). Có những hàng rửa xe chỉ có 3-4 thợ, mà đến cả chục chiếc xe nằm nối đuôi nhau chờ. Lâm (quê Thanh Hóa)- một thợ rửa xe ngồi tranh thủ húp bát mì tôm bà chủ vừa úp nước sôi, chìa hai bàn tay trắng bạch vì ngâm nước suốt từ sáng than thở: Sao hôm nay trời lại lạnh nhanh thế, rửa lâu tê cứng cả tay, người thì lại nóng phừng phừng. Mới hôm qua còn mặc áo phông...
Đánh giày cũng là nghề "hốt bạc" dịp cuối năm (Ảnh minh họa)
Giá rửa xe “kinh hoàng” nhất Hà Nội có lẽ là tại các phố trung tâm như Liên Trì, Nhà Hỏa... Ngày bình thường, giá rửa xe tại các phố này đã đắt gấp 1,5 lần so với các nơi khác, tuy nhiên nhiều chủ xe thích đến đây rửa bởi tính chuyên nghiệp: Thợ tự đánh xe vào- ra, lau rửa rất cẩn thận, sạch sẽ với thời gian ngắn.
Từ khoảng 1 tuần lại đây, giá rửa xe tại các phố này đã bắt đầu rậm rịch tăng, và cho đến sáng 30 Tết đã đạt ngưỡng 200.000đ/xe (và vẫn chưa có “dấu hiệu” ngừng lại). Nhiều khách đưa xe đến đây, nghe qua giá thì lắc đầu, lè lưỡi, lại lái xe về với đủ các cách lập luận, kiểu như: Ôi dào, bẩn tí chết ai; Thôi, tí về nhà lấy vòi nước xịt qua là xong, tiết kiệm ¼ bình xăng... Các hàng rửa xe thì cũng chẳng buồn níu kéo, vì xe này vừa đi thì xe khác lại tới. Thợ thậm chí làm đến kiệt sức cũng không hết việc...
Đánh giày tăng giá gấp đôi, cắt tóc tăng 15%
Dũng đưa cánh tay chầm bàn chải nhanh thoăn thoắt, lướt qua lướt lại trên mũi giày của khách. Khác với một số đồng nghiệp quê ở xa, nhà Dũng ở ngay Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội), nên cậu dự định đánh giày đến cuối giờ chiều mới về nhà đón Tết. Với giá 20.000đ/đôi, riêng sáng 30 Tết, Dũng đã kiếm được gần triệu bạc. Mà thậm chí cậu không cần đi mời khách, chỉ ngồi ở cạnh quán bia hơi cũng đủ ngập việc, giày dép quẳng xung quanh người cả đống. Ngồi kế Dũng là Sáng- đứa em họ ở quê, mới ra “tăng cường” được đúng 3 hôm. Đồ nghề thì Dũng mượn lại của bạn đã về quê, có sẵn.
Cắt tóc nam tăng giá khoảng 15-20%, tuy nhiên lại giữ nguyên giá sau Tết
(Ảnh minh họa)
Hàng cắt tóc nam của anh Tú nằm trên phố Nguyễn Thái Học chỉ rộng vỏn vẹn 3m2, chứa được một cái ghế xoay và một cái ghế mây cho khách đợi. Thành thử ra 3 người khác phải đứng ngoài vỉa hè đợi đến lượt. Khác với rửa xe hay đánh giày, cắt tóc nam thường là khách quen nên không thể “chặt chém”. Anh Tú chỉ tăng giá lên một chút, từ 35-40.000đ. “Hầu hết những người đi cắt tóc ngày 30 Tết đều là người gọn gàng, sạch sẽ rõ rệt. Họ muốn có “đầu mới” hoàn toàn vào sáng 1 một, khác với một số người lại thích kiểu đầu tự nhiên, thì họ đi cắt tóc trước đó cả một tuần. Tất nhiên cũng không loại trừ, do họ quá bận việc, hôm nay mới đi sửa sang đầu tóc được”- anh thợ cắt tóc nhận xét. Được biết anh Tú sẽ dừng công việc sớm vào buổi chiều, để còn về nhà lo bữa cơm Tất niên.