Carlsberg có thể ngăn cản lộ trình thoái vốn Nhà nước tại Habeco?
(Dân trí) - Theo đánh giá của HSC, với sở hữu lên tới 17,23% vốn Habeco, Carlsberg rõ ràng có một số quyền cổ đông đặc biệt có thể ngăn cản việc thoái vốn Nhà nước mà cụ thể là có thể hạn chế Chính phủ trong việc lựa chọn người mua tiềm năng mua cổ phần của Habeco.
Công ty cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HSC) vừa công bố báo cáo phân tích, trong đó đưa ra nhận định về việc thoái vốn Nhà nước tại Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco - mã BHN).
Theo đó, HSC cho rằng, Habeco có thể phải tiến hành đàm phán lại về quan hệ hợp tác chiến lược với Carlsberg trước khi Chính phủ hoàn tất việc bán cổ phần theo đề xuất. Habeco có thể phải thay đổi một số điều khoản trong thỏa thuận hợp tác chiến lược với Carlsberg để Nhà nước hoàn thành việc bán cổ phần vào năm sau như kế hoạch.
"Carlsberg rõ ràng là có một số quyền cổ đông đặc biệt có thể ngăn cản việc thoái vốn Nhà nước", báo cáo của HSC lưu ý. Bởi theo HSC, Carlsberg là cổ đông sở hữu 17,23% cổ phần của Habeco từ năm 2009 và đã ký thỏa thuận cổ đông với Habeco về quyền tăng tỷ lệ sở hữu và chấp thuận các cổ đông chiến lược khác.
Thỏa thuận này rõ ràng hạn chế Chính phủ trong việc lựa chọn người mua tiềm năng do Carlsberg có quyền phủ quyết. Do đó, có phỏng đoán rằng thỏa thuận này sẽ phải được đàm phán lại trước khi số cổ phần lớn của nhà nước được bán ra.
Thông tin mới nhất vừa cập nhật được, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã phê duyệt cho Habeco niêm yết 231,8 triệu cổ phiếu trên sàn UpCoM với mã chứng khoán là BHN.
Tổng số lượng cổ phiếu cho giao dịch bằng tổng sổ cổ phiếu đang lưu hành là 231,8 triệu cổ phiếu. Trong đó, Nhà nước (thông qua Bộ Công Thương) nắm 81,79% và Carlsberg nắm 17,23%. Như vậy, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng chỉ là 0,98% tương đương 2.271.640 cổ phiếu.
Ngày giao dịch đầu tiên và giá tham chiếu vẫn chưa được công bố. Nhiều khả năng Bộ Công Thương sẽ bán toàn bộ 81,79% cổ phần sau khi cổ phiếu được niêm yết.
Trong khi đó, theo HSC, trường hợp của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đơn giản hơn nhiều so với Habeco. Trong trường hợp của Sabeco, Heineken nắm cổ phần nhỏ hơn nhiều, chỉ là 5%.
Và như thông tin mà HSC cung cấp thì Heineken không có thêm bất kỳ quyền đặc biệt nào khác, chủ yếu bởi vì tỷ lệ sở hữu quá nhỏ. Nhờ vậy, việc thoái vốn nhà nước ở Sabeco sẽ dễ dàng hơn.
Bích Diệp