Cập nhật vụ tách Trung tâm Điều độ điện khỏi EVN, đưa về Bộ Công Thương
(Dân trí) - Bộ Công Thương đề xuất sau khi A0 tách khỏi EVN để thành lập NSMO, sẽ tạm ứng tiền từ EVN để đảm bảo duy trì hoạt động của doanh nghiệp này.
Bộ Công Thương vừa có văn bản góp ý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến đề án tách Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ban đầu, A0 sẽ tách khỏi EVN để thành lập Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), thuộc Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là một trong hai bước để đưa A0 về Bộ Công Thương theo yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 được EVN phê duyệt, tổng chi phí cho hoạt động thường xuyên của A0 là 333,17 tỷ đồng. Tuy nhiên, nếu tính đủ, tổng chi phí thực tế cho hoạt động thường xuyên là hơn 451,6 tỷ đồng/năm.
Kế hoạch giai đoạn năm 2024-2028, tổng chi phí cho hoạt động thường xuyên của NSMO là 3.343 tỷ đồng, bình quân 668,6 tỷ đồng/năm (bao gồm các chi phí về tiền lương, bảo hiểm, thuê trụ sở, thuê bảo hành...).
Đối với nguồn tiền cho NSMO, Bộ Công Thương thống nhất việc tạm ứng tiền từ EVN để đảm bảo duy trì hoạt động của NSMO được ổn định, liên tục, hiệu quả sau khi được thành lập.
Trong khi đó, NSMO sau khi thành lập sẽ có vốn điều lệ 776 tỷ đồng, trong đó gồm 630 tỷ đồng vốn chủ sở hữu, tính tới cuối tháng 6 và 146 tỷ đồng tại các dự án đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ thị trường phát điện cạnh tranh chưa được quyết toán và đang đầu tư năm 2023.
Theo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, số vốn điều lệ 776 tỷ đồng đề xuất như trên đảm bảo cho A0 sau khi tách khỏi EVN hoạt động bình thường, tiếp tục vận hành ổn định, an toàn, hiệu quả, không ảnh hưởng tới các dự án đầu tư dở dang năm 2023.
Về phương án xử lý tài chính, EVN đang cấp vốn vay cho A0 qua hai khoản vay thuộc hiệp định vay của Ngân hàng Thế giới, bao gồm: 1,56 triệu USD dự án trung tâm A0 mới và gần 1,35 triệu USD dự án cơ sở hạ tầng thông tin cho thị trường phát điện cạnh tranh.
Theo đánh giá, đây là các khoản vay lại không chịu rủi ro tín dụng. Tài sản hình thành từ các nguồn vốn vay này đang được thế chấp cho các cơ quan cho vay lại được Bộ Tài chính ủy quyền. Do đó, theo quy định về quản lý nợ công, EVN có thể chuyển giao nghĩa vụ nợ cho A0 khi có sự chấp thuận của Thủ tướng.
Ủy ban Quản lý vốn cũng đề xuất Thủ tướng chấp thuận bàn giao hai khoản vay trên từ EVN sang NSMO sau khi thành lập. Công ty này sẽ trực tiếp ký hợp đồng vay lại, hợp đồng thế chấp tài sản và trả nợ cho các cơ quan cho vay lại.
Hiện A0 là đơn vị hạch toán phụ thuộc EVN. Để đảm bảo tính công bằng, minh bạch trong điều hành thị trường điện, A0 được chuyển thành Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện, hạch toán độc lập trong EVN giai đoạn 2019-2020, sau đó chuyển thành đơn vị độc lập về nhân sự, pháp lý, tài chính, không chung lợi ích với bên bán và mua điện, do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ giai đoạn 2021-2025.
Từ khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được thành lập vào năm 2018, nhiệm vụ tái cơ cấu A0 được giao cho cơ quan này. Tuy nhiên đến nay, việc này vẫn chưa được phê duyệt và triển khai thực hiện.