Dự án cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh: Cao Bằng không vay 300 triệu USD của TQ
(Dân trí) - Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đều lên tiếng ủng hộ Cao Bằng chủ trương đứng ra huy động vốn và tự chịu trách nhiệm xây dựng tuyến cao tốc 115km, với vốn đầu tư gần 21.000 tỷ đồng. Vừa qua, Thủ tướng đã đề nghị một ngân hàng trong nước làm đầu mối thu xếp tín dụng cho dự án.
Trước đó, tháng 11/2018, trước đề nghị của UBND tỉnh Cao Bằng về việc xây dựng tuyến cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng) và Đồng Đăng (Lạng Sơn) kết nối tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng - cửa khẩu Tân Thanh, Văn phòng Chính phủ đã xin ý kiến của các Bộ liên quan.
Bộ Tài chính ủng hộ và đề nghị Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư tuyến cao tốc nói trên. Bộ KH&ĐT đề nghị Bộ GTVT hoàn thiện quy hoạch, có bổ sung tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh vào quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng năm 2030 trình Thủ tướng xem xét, quyết định.
Về đề xuất của tỉnh Cao Bằng tự đứng ra là cơ quan có thẩm quyển lập dự án đầu tư và vay vốn, Bộ Tài chính đề nghị tỉnh này cần làm việc với Bộ GTVT để phân rõ trách nhiệm từ khâu chuẩn bị, ký và thực hiện hợp đồng PPP, chuyển giao vốn nhà nước...
Về việc vay vốn của nhà đầu tư và vốn vay tín dụng hơn 13.890 tỷ đồng - 600 triệu USD (tương đương 64% số vốn) cho dự án, Bộ Tài chính cùng Bộ KH&ĐT đều đề nghị tỉnh Cao Bằng thực hiện đúng quy định hiện hành theo Luật Đầu tư và Luật Đấu thầu và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.
Bộ KH&ĐT đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến về vấn đề vay vốn nhà đầu tư và vốn tín dụng ưu đãi của dự án trên để báo cáo Thủ tướng.
Tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị điều chỉnh thời gian thực hiện dự án trên là năm 2019 - 2025 thay vì sau năm 2030 theo Quy hoạch. Đề xuất này đều được Bộ Tài chính, Bộ Đầu tư ủng hộ.
Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ năm 2016, đến năm 2020 và định hướng đến 2030, Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh có chiều dài toàn tuyến hơn 144km, thời gian đầu tư là sau năm 2030 với tổng vốn đầu tư hơn 47.520 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), có vay vốn Trung Quốc hơn 300 triệu USD.
Tuy nhiên, sau khi khảo sát tỉnh Cao Bằng có đề xuất phương án nghiên cứu đầu tư dự án trên với chiều dài 115 km (giảm 29km so với quy hoạch) và rút ngắn vốn đầu tư xuống gần 21.000 tỷ đồng (910 triệu USD), giảm gần 26.600 tỷ đồng so với tổng mức ban đầu (hơn 1,1 tỷ USD).
Ngày 7/4/2017, tỉnh Cao Bằng có văn bản gửi Bộ KH&ĐT đề nghị bộ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ GTVT trình Thủ tướng cho chủ trương sử dụng khoản vay tín dụng ưu đãi hơn 300 triệu USD của Trung Quốc để sớm đầu tư tuyến đường bộ nói trên.
Tuy nhiên, tại cuộc họp gần nhất, cuối tháng 11/2018 với lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng, do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cho biết đã mời nhà đầu tư Đèo Cả tham gia Dự án cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhất trí chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc nối Cao Bằng với Lạng Sơn dài khoảng 115 km theo hình thức đối tác công - tư (PPP), coi đây là một đột phá, là bước đi chiến lược giúp Cao Bằng phát triển, nên phải quyết tâm làm cho được.
Tại cuộc họp này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý triển khai dự án theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện dự án từ năm 2019 - 2020, đầu tư đoạn tuyến từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP. Cao Bằng với chiều dài khoảng 80km. Giai đoạn 2 đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng và đoạn từ TP. Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh. Về nguồn vốn, Thủ tướng nhất trí dự án sẽ sử dụng ngân sách hơn 7.500 tỷ đồng và gần 13.900 tỷ đồng còn lại là vốn của nhà đầu tư, vốn vay.
Thủ tướng yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng nghiên cứu kỹ để có cơ cấu nguồn vốn hợp lí cho dự án và chỉ đích danh một ngân hàng trong nước làm đầu mối để thu xếp tín dụng cho dự án.
An Linh