Cảnh giác với hoa quả Trung Quốc trái vụ nhập khẩu

(Dân trí) - Hiện mỗi ngày có đang trên 100 xe tải chở trái cây từ Trung Quốc vào Việt Nam qua cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) với tổng sản lượng trung bình khoảng trên 1.000 tấn/ngày. Để phòng các nguy cơ rủi ro, người tiêu dùng không nên ăn các loại trái cây trái vụ.

Cửa khẩu Lạng Sơn là điểm hoạt động xuất nhập khẩu trái cây, nông sản đa dạng và sôi động bậc nhất bởi khoảng cách vận chuyển từ đây về thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận hết sức thuận lợi. Mỗi ngày, hàng chục lượt xe tải hoặc container chở trái cây từ bên kia biên giới tấp nập đổ về nội địa.

Bà Nguyễn Thị Hà - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 cho biết: Thời điểm này, hoa quả được nhập khẩu từ Trung Quốc về chủ yếu là táo, lê, cam, quýt, dưa vàng, dưa hấu. Ngoài trái cây ra còn có tỏi, gừng, hành khô, hành tây, đỗ xanh, đỗ đen, khoai tây, cà rốt…

Cam Trung Quốc tràn ngập trên các phố Hà Nội với giá siêu rẻ.
Cam Trung Quốc tràn ngập trên các phố Hà Nội với giá siêu rẻ.
Cam Trung Quốc tràn ngập trên các phố Hà Nội với giá "siêu rẻ".

Gần đây cơ quan kiểm dịch đã phát hiện được mẫu khoai tây Trung Quốc nhập vào nước ta có chứa dư lượng bảo vệ thực vật vượt mức cho phép, song rất may là ở cửa khẩu Tân Thanh không có lô khoai tây nào vi phạm. Dẫu vậy, trong quá trình kiểm tra kiểm soát, trạm kiểm dịch ở Tân Thanh đã phát hiện một mẫu mận có chứa dư lượng vượt mức cho phép.

Cũng như Việt Nam, mùa thu hoạch mận Trung Quốc vào tháng 4 và 5. Tuy nhiên, thời điểm đó, mận của Việt Nam bán trên thị trường rất nhiều nên mận Trung Quốc không thể sang cạnh tranh được. Nhưng do các doanh nghiệp của Trung Quốc có các kho lạnh bảo quản ngay tại vùng trồng, nên họ có thể lưu giữ mận từ tháng 4, 5 cho tới tháng 8/9 mới đưa ra tiêu thụ. "Mận Trung Quốc cũng không ngon bằng mận Việt Nam, nhưng do quả to, bóng đẹp nên nhiều người dân thích mua. Từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9/2012, tổng lượng mận nhập qua cửa khẩu Tân Thanh là 42 tấn.

Theo bà Hà, để phòng các nguy cơ rủi ro, người tiêu dùng không nên ăn các loại trái cây trái vụ. "Vào mùa thu hoạch chính vụ thì kể cả rau xanh, trái cây Trung Quốc đều rất an toàn, nhưng trái vụ thì không tránh khỏi nguy cơ vì họ phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản để giữ năng suất, bảo quản được lâu dài". Ví dụ như thời điểm hiện nay, táo đỏ Trung Quốc đang vào chính vụ thu hoạch và kéo dài tới đầu năm sau, nên đang nhập sang Việt Nam rất nhiều và cơ quan kiểm dịch không hề phát hiện có chứa dư lượng độc hại.

Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh kiểm tra mẫu rau, quả nhập khẩu từ Trung Quốc.
Trạm kiểm dịch thực vật Tân Thanh kiểm tra mẫu rau, quả nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tuy nhiên hiện nay, Trung Quốc có thể xuất khẩu các loại táo, lê, cam, quýt… sang nước ta quanh năm, mà vụ trồng của họ thì chỉ một vụ, nên vào thời điểm trái vụ, nguy cơ lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật, bảo quản là khó tránh khỏi.

Trước những nguy cơ độc hại tiềm tàng của một bộ phận trái cây Trung Quốc nhập khẩu, Chi cục kiểm dịch thực vật cùng 7 đã tăng cường tần suất kiểm tra đối với tất cả các loại trái cây, nông sản nhập khẩu lên mức 30% trong khi trước đó thì chỉ có 10% theo quy định. Từ đó đã phát hiện có 10% sản lượng trái cây nhập khẩu đi qua Tân Thanh có chứa dư lượng nhưng đều dưới ngưỡng cho phép nên vẫn được coi là an toàn.

Trạm kiểm dịch Tân Thanh cũng đã được trang bị hơn 50 bộ "test kit" đặt ngay tại cửa khẩu để kiểm tra nhanh các mẫu hàng hạn chế đến mức thấp nhất các mẫu trái cây độc hại sẽ đi qua đây.  

Ông Nguyễn Văn Chương - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) cho biết, theo quy trình thì để được thông quan, các doanh nghiệp nhập trái cây vào nội địa bắt buộc phải làm thủ tục kiểm dịch thực vật, đảm bảo an toàn, không có "mầm bệnh", dịch hại cũng như hóa chất độc hại, phía hải quan mới cho lô hàng đi vào Việt Nam. Nếu phát hiện lô hàng nào không đảm bảo là hải quan giữ lại ngay, bắt buộc tái xuất.

Một mẫu lựu
Một mẫu lựu
Một mẫu lựu Trung Quốc có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép từ 1,5-5 lần đã được phát hiện.

Nếu phát hiện dư lượng hoặc dịch hại, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 cũng sẽ thông báo ngay cho Cục Kiểm định kiểm nghiệm Bằng Tường - Quảng Tây (Trung Quốc) để yêu cầu họ kiểm soát doanh nghiệp, chất lượng trái cây xuất khẩu. 

Trong khi đó, tại cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh), ông Nguyễn Trung Hà - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 1 kiêm Trạm trưởng Trạm kiểm dịch thực vật Móng Cái cho biết, do cung đường vận chuyển xa, đi lại khó khăn nên gần chục năm nay, cửa ngõ Móng Cái hầu như không có trái cây nhập khẩu, chỉ nhập hạt dưa Trung Quốc. Tổng lượng nông sản nhập ở đây chỉ khoảng 5%. Còn lại 95% là hàng tạm nhập tái xuất như vừng, lạc và tinh bột sắn do các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu.

Trước đó, trong quá trình kiểm tra rau quả, nông sản nhập vào Việt Nam từ tháng 8 đến nửa đầu tháng 9/2012, cơ quan kiểm dịch tại các cửa khẩu Lào Cai và Lạng Sơn đã phát hiện 4 mẫu trái cây có chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép từ 1,5-5 lần, gồm: 2 mẫu nho, một mẫu lựu và một mẫu mận. Trước đó, cũng đã phát hiện có hai mẫu nho và một mẫu khoai tây nhập của Trung Quốc có dư lượng vượt 3-5 lần.

Trước tình hình trên, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã yêu cầu cơ quan kiểm dịch thực vật tại các cửa khẩu tăng cường tần suất kiểm soát dư lượng hóa chất đối với trái cây nhập khẩu theo đúng thông lệ quốc tế.

Anh Thế - Quốc Đô