Báo động nhiều ngành nghề chắc chắn tăng trưởng âm trong quý 2

(Dân trí) - Đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Hùng Linh - chuyên gia kinh tế trưởng tại SSI. Theo chuyên gia, sau khi GDP tăng thấp nhất 10 năm trong quý 1, tăng trưởng dự báo sẽ còn thấp hơn nữa trong quý 2.

Tăng trưởng GDP sẽ còn thấp hơn nữa trong quý 2

Báo cáo cập nhất kinh tế quý 1/2020 của SSI Research cho thấy, GDP quý 1 tăng rất thấp, 3,82%, chỉ nhỉnh hơn so với quý thấp nhất của giai đoạn khủng hoảng tài chính là quý 1/2009 (3,1%).

Tuy vậy khác với quý 1/2009, xu hướng giảm tốc của quý 1/2020 đến từ cả ba cấu thành: nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Ít nhất là năm 2009, dịch vụ vẫn còn tăng tương đối cao.

“Điều đáng lo ngại là tăng trưởng sẽ còn thấp hơn nữa trong quý 2/2020” - ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và Phát triển của SSI nhấn mạnh.

Báo động nhiều ngành nghề chắc chắn tăng trưởng âm trong quý 2 - 1

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh

Quý 1 năm nay, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, ngành có tỷ trọng lớn nhất trong GDP (19%) sẽ không còn bệ đỡ của công nghiệp điện tử.

Trong quý 1, ngành điện tử (có tăng trưởng 14,3%) là ngành hiếm hoi được hưởng lợi do các nhà máy ở Trung Quốc phải đóng cửa. Tuy vậy khi các hoạt động sản xuất tại Trung Quốc được nối lại, sản lượng điện tử tại Việt Nam rất có thể sẽ giảm. Hơn thế, yếu tố mạnh hơn kéo giảm ngành điện tử cũng như toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo là nhu cầu.

Ngành có tỷ trọng lớn thứ hai là nông nghiệp (chiếm 10% GDP) cũng sẽ rất khó khăn. Diện tích lúa Đông Xuân vụ 2020 cả nước đã giảm 3%. Xuất khẩu nông thủy sản quý I (gồm thủy sản, rau quả, gạo, hạt tiêu, chè, cà phê, hạt điều, sắn) cũng đã giảm 48%, từ 9,5 tỷ USD xuống còn 4,9 tỷ USD.

Tình trạng xâm nhập mặn và giảm cầu chắc chắn sẽ kéo dài và vì vậy, SSI cho rằng, tăng trưởng của quý II của ngành này khả năng cao sẽ tiếp tục âm.

Chỉ số bán lẻ trong tháng 3 đã giảm xuống 1,6% từ mức 7,2% của tháng 1. Với việc siết chặt nhiều hoạt động kinh doanh để ngăn chặn dịch bệnh, SSI đánh giá rằng, chỉ số bán lẻ chắc chắn sẽ giảm âm trong một vài tháng của quý 2, từ đó kéo giảm GDP của bán buôn bán lẻ, ngành có tỷ trọng lớn thứ 3 trong GDP (chiếm 9,8%). Trong quý 1, ngành này tăng 5,69% so cùng kỳ, mức thấp nhất 6 năm.

GDP xây dựng, ngành lớn thứ 4, chỉ tăng 4,37%, thấp hơn cả thời gian xảy ra khủng hoảng tài chính 2009. Nguyên nhân là do tăng trưởng chậm của vốn đầu tư toàn xã hội và thị trường bất động sản.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý 1 chỉ tăng 2,2% (cùng kỳ tăng 8,8%). Thị trường bất động sản đang chịu sức ép ở cả phía cung (các thủ tục cấp phép kéo dài khiến số dự án mới giảm mạnh) và phía cầu (kinh tế giảm tốc, cách ly diện rộng dẫn đến giảm giao dịch).

Một số ngành khác như tài chính ngân hàng bảo hiểm (ngành lớn thứ 5), giáo dục đào tạo hay nghệ thuật giải trí nhiều khả năng không duy trì được đà tăng trưởng như quý 1 khi các hoạt động kinh tế chậm lại và việc cách ly, hạn chế tập trung đông người được áp dụng rộng rãi.

Tuy vậy, khác với giai đoạn 2013-2014 khi ưu tiên ổn định vĩ mô dẫn đến thắt chặt chính sách tài khóa và tiền tệ, năm nay cả tài khóa lẫn tiền tệ đều phải tích cực hỗ trợ thúc đẩy nền kinh tế. Dịch vụ ngân hàng, bảo hiểm vì vậy được kỳ vọng vẫn sẽ có tăng trưởng tương đối cao.

Khai khoáng, ngành lớn thứ 6, được cho là sẽ rất khó khăn vì giá dầu. Sản lượng khai thác dầu thô tháng 3 giảm 16% và tính chung quý I giảm 11%. Với giá dầu giảm nhanh về chỉ còn 1/3 trung bình năm 2019, việc khai thác dầu tại Việt Nam sẽ khó có lãi và tránh được việc tiếp tục giảm sản lượng.

Báo động nhiều ngành nghề chắc chắn tăng trưởng âm trong quý 2 - 2

Tóm lại, 6 ngành lớn nhất trong GDP sẽ giảm tốc hoặc tiếp tục tăng trưởng âm do dịch bệnh và những tác động khách quan khác như khô hạn mặn và cuộc chiến giá dầu. Trong đó, ông Linh khẳng định, nông nghiệp, khai khoáng, lưu trú ăn uống và vận tải kho bãi gần như chắc chắn sẽ tăng trưởng âm trong quý 2.

Tạo dựng 30 “con sếu lớn” làm đầu tàu kéo tăng trưởng

Về tổng cầu, theo đánh giá của chuyên gia SSI, giải ngân đầu tư công được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích cho tăng trưởng nhưng vì diễn biến dịch bệnh quá khắc nghiệt, các hoạt động đầu tư khác bị ngưng trệ dẫn đến một mình đầu tư công đã không thể cứu vãn được tình hình.

Tăng trưởng vốn đầu tư FDI giảm 5,4% và vốn tư nhân chỉ tăng 4,2% trong khi hai nguồn vốn này chiếm tới 69% tổng vốn đầu tư.

Ông Nguyễn Đức Hùng Linh đánh giá, việc giảm giải ngân FDI là một tín hiệu rất đáng lưu tâm bởi vốn FDI đăng ký mới và tăng vốn quý 1 vẫn tăng 29%. Chỉ riêng có vốn góp và mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là giảm mạnh 65% do xu hướng dịch chuyển sang các tài sản an toàn trên phạm vi toàn cầu.

Báo động nhiều ngành nghề chắc chắn tăng trưởng âm trong quý 2 - 3

Báo cáo cũng chỉ ra hiện tượng xuất siêu hàng hóa tăng mạnh 68% trong quý 1, đạt là 2,8 tỷ USD. Ông Linh nhắc lại, năm 2012, Việt Nam xuất siêu do thắt chặt tài khóa và tiền tệ, dẫn đến sụt giảm nhu cầu trong nước và năm 2020 này, nhu cầu cũng giảm mạnh do dịch bệnh nên nhập khẩu hàng hóa giảm 1,9% trong quý 1, trong đó nhập khẩu hàng tiêu dùng giảm 10,6%.

Theo đánh giá của vị chuyên gia, tiêu dùng sẽ còn giảm rất mạnh không chỉ do tình trạng cách ly mà còn vì hai lý do đáng lo ngại hơn là suy giảm thu nhập và niềm tin người tiêu dùng. Xuất khẩu quý 1 tăng 0,5%, nhiều khả năng sẽ giảm âm trong quý 2.

Theo quan điểm của ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Việt Nam không cần đặt ưu tiên ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát mà nên tiếp tục cân bằng thực hiện cả 2 mục tiêu chiến lược là thúc đẩy tăng trưởng và ổn định vĩ mô.

Song song với kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam cần thúc đẩy đầu tư công, tập trung các dự án hạ tầng trọng điểm có sức lan tỏa cao; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, xử lý triệt để các ngân hàng yếu kém để chặn đứng cuộc đua lãi suất, tạo tiền đề cho giảm lãi suất một cách lâu dài.

Bên cạnh đó, phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ các tập đoàn tư nhân lớn, có sức cạnh tranh mạnh, tạo dựng 30 “con sếu lớn” làm đầu tàu kéo tăng trưởng.

Vị chuyên gia cũng đề xuất sửa đổi luật đất đai, nhanh chóng giải phóng sức sản xuất ngành nông nghiệp nhằm xây dựng ngành nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn và hướng đến xuất khẩu. Bảo hộ sản xuất trong nước, khuyến khích tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ trong nước, trong đó đặc biệt chú ý nhập siêu từ ASEAN.

“Mặc dù dịch bệnh đang mang đến rất nhiều khó khăn nhưng có thể chắc chắn rằng dịch bệnh sẽ đến thời điểm kết thúc. Cần phải biến nguy thành cơ, lấy dịch bệnh là động lực, quyết tâm để tái cơ cấu triệt để nhằm tạo nền tảng tốt hơn nữa cho việc phục hồi kinh tế hậu dịch” - ông Linh nhìn nhận.

Mai Chi