1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Cảnh báo dịp Valentine: Cẩn thận kẻo bị cuỗm hết tiền trong tài khoản

Cẩm Hà

(Dân trí) - Những kẻ lừa đảo lãng mạn không chỉ đánh cắp trái tim mà còn mang theo luôn tất cả số tiền trong tài khoản của bạn. Dịp Valentine này, bạn hãy cẩn trọng với các chiêu thức lừa đảo như vậy.

Ngày càng xuất hiện nhiều vụ việc liên quan tới các đối tượng làm quen qua mạng internet sau đó lừa tiền. Theo các công ty và cơ quan theo dõi các loại lừa đảo này, những phi vụ lừa đảo kiểu này sẽ tăng lên vào dịp Lễ tình nhân (Valentine). Những vụ việc như thế này thường được gọi với cái tên là lừa đảo lãng mạn. 

Cảnh báo dịp Valentine: Cẩn thận kẻo bị cuỗm hết tiền trong tài khoản - 1

Lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến, tinh vi với sự phát triển của kỹ thuật (Ảnh: Good Times).

Ủy ban Thương mại Liên bang khuyến cáo, năm 2022 đã có gần 70.000 người đã báo cáo về các vụ lừa đảo lãng mạn với thiệt hại 1,3 tỷ USD, trung bình là 4.400 USD/người. Nhưng đó chỉ là số tiền được báo cáo, còn phần lớn các vụ gian lận không được tiết lộ.

Dữ liệu cho thấy, chỉ chưa đến 3% nạn nhân khiếu nại với cơ quan chức năng về các vụ lừa đảo này. Con số đó cho thấy tác động kinh tế của gian lận có thể đáng kinh ngạc.

Những hành vi lừa đảo như trên vô hình trung đã khiến việc làm quen, hẹn hò qua mạng trở nên tiêu cực. Một số kẻ lừa đảo lãng mạn còn sử dụng các ứng dụng hẹn hò như Bumble và OkCupid để nhắm mục tiêu đến những người đang tìm kiếm tình yêu, trong đó, hầu hết đều bắt đầu bằng những tin nhắn trực tiếp bất ngờ trên mạng xã hội. Trên thực tế, 40% những người báo cáo là nạn nhân của các vụ lừa đảo lãng mạn vào năm ngoái cho biết họ quen những kẻ lừa đảo trên mạng xã hội, trong khi đó, 19% quen qua trang web hoặc ứng dụng hẹn hò.

Dấu hiệu để nhận biết một kẻ lừa đảo lãng mạn

Vậy ai có nguy cơ trở thành nạn nhân? Theo Social Catfish - một công ty xác minh danh tính trực tuyến bằng tìm kiếm hình ảnh đảo ngược, các nạn nhân ở California, Florida, Texas, New York và Washington (Mỹ) được báo cáo nhiều tổn thất nhất.

Đa số cho rằng kẻ lừa đảo thường nhắm mục tiêu vào người ít học. Song theo thống kê của Social Catfish, 75% nạn nhân của những vụ lừa đảo lãng mạn mà họ thăm dò ý kiến đều có trình độ đại học, trong đó 13% có bằng sau đại học. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là những nạn nhân đó nhất thiết phải là người có thu nhập cao. Khi nói đến thu nhập, 84% nạn nhân của các vụ lừa đảo lãng mạn kiếm được ít hơn 100.000 USD, khoảng một nửa trong số đó kiếm được ít hơn 40.000 USD mỗi năm.

Những kẻ lừa đảo thường không hoạt động một mình, cũng không nhắm mục tiêu vào những nạn nhân đơn độc. Chúng kết hợp với nhau trong một đường dây tội phạm tinh vi. 

Vì vậy, làm thế nào bạn có thể biết bạn đang nói chuyện với một kẻ lừa đảo? Dưới đây là một số đặc điểm cần chú ý.

Những tên tội phạm thường thể hiện mình quá tốt đến mức khó tin. Chúng thường sử dụng ảnh và hồ sơ của các cá nhân khác, đặc biệt là trên mạng xã hội. Nếu bạn muốn biết người mà bạn đang nói chuyện qua mạng có đúng như những gì họ nói hay không, hãy tìm kiếm ngược lại bằng cách sử dụng ảnh, email, số điện thoại và địa chỉ.

Một lý do để những kẻ lừa đảo lãng mạn đưa ra để tiếp cận bạn là sẽ khiến bạn có thể yêu từ cái nhìn đầu tiên. Điều này hầu như chỉ xảy ra trong những câu chuyện cổ tích. Vì vậy hãy cảnh giác khi ai đó nói rằng họ yêu bạn dù chưa từng gặp bạn trước đây. Mối quan hệ cần thời gian để phát triển. Và nếu họ đưa ra các lý do để không thể gặp trực tiếp, thì có khả năng cao bạn đang bị lợi dụng.

Những kẻ lừa đảo hay kết hợp sự lãng mạn với lời khuyên đầu tư. Hầu hết mối quan hệ bắt đầu bằng việc nói về những sở thích chung của bạn. Nhưng nếu một người bạn đang quen qua mạng có vẻ để tâm và hay trò chuyện về việc đầu tư vào tiền điện tử, thì bạn có khả năng là nạn nhân của một vụ lừa đảo trong tương lai. Thường những kẻ lừa đảo cho bạn chút lợi nhuận trước khi lấy hết tiền của bạn.

Một phụ nữ Tennessee đã mất 390.000 USD trong vụ lừa đảo hẹn hò như vậy. Sau khi được một người bạn quen qua mạng thuyết phục đầu tư vào một tài khoản tiền điện tử, cô ấy cho là sẽ kiếm được lợi nhuận và sau đó thuyết phục cha mình cùng đầu tư. Nhưng khi cô quyết định rút số tiền 1,2 triệu USD mà cô đinh ninh đang có trong tài khoản, cô nhận được thông báo từ trang web yêu cầu cô phải trả một "hóa đơn thuế" khoảng 380.000 USD. Cô nhận ra rằng hai cha con đã bị lừa.

Vào tháng 11 năm ngoái, Bộ Tư pháp Mỹ cũng đã công bố các cáo buộc đối với 10 bị cáo ở nhiều tiểu bang liên quan đến các âm mưu rửa tiền và lừa đảo qua đường dây nhắm vào các chương trình Medicare và Medicaid, công ty bảo hiểm y tế tư nhân và các nạn nhân khác, dẫn đến thiệt hại hơn 11,1 triệu USD .

Một trong số các bị cáo bị buộc tội trong vụ án là Malachi Mullings, ở Sandy Springs, Georgia. Ngoài các cáo buộc khác, Mullings bị buộc tội nhận 260.000 USD từ một vụ lừa đảo lãng mạn đối với một nạn nhân lớn tuổi, sau đó gã đã sử dụng số tiền này để mua một chiếc Ferrari.

Một bị cáo khác, Adewale Adesanya, ở Jonesboro, Georgia, đã nhận tội âm mưu rửa tiền và sử dụng hộ chiếu giả. Gã đã sử dụng hộ chiếu để thành lập một công ty vỏ bọc nhằm mở tài khoản ngân hàng để rửa hơn 1,5 triệu USD kiếm được từ các kế hoạch bao gồm lừa đảo tình cảm các nạn nhân lớn tuổi. Gã bị kết án 4 năm tù.

Cảnh báo dịp Valentine: Cẩn thận kẻo bị cuỗm hết tiền trong tài khoản - 2

Hãy tỉnh táo trong các mối quan hệ qua mạng để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo (Ảnh: Feedzai).

Lời khuyên cho các nạn nhân tiềm năng

Hãy cảnh giác: Đừng lo lắng về việc bạn luôn tỏ ra cảnh giác bởi một người thật lòng muốn làm quen với bạn sẽ hiểu sự do dự của bạn khi bắt đầu mối quan hệ với người mà bạn chưa từng gặp.

Hãy "kẹt xỉ": Không bao giờ cung cấp thông tin cá nhân của bạn cho bất kỳ ai bạn gặp trên mạng. Các thông tin này bao gồm số an sinh xã hội, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc địa chỉ của bạn.

Hãy thông minh: Nếu bạn muốn đầu tư vào tiền điện tử và không biết bắt đầu như thế nào, đừng tin tưởng vào người mà bạn mới gặp trực tuyến mà hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia tài chính.

Hãy tò mò: Nếu một cái gì đó không hiểu hoặc có thắc mắc, hãy đặt câu hỏi.

Hãy kiên nhẫn: Những kẻ lừa đảo thường muốn đẩy nhanh mọi thứ, từ các mối quan hệ đến chuyển khoản ngân hàng. Bạn nên từ từ tìm hiểu và điều tra mọi thứ cẩn thận và liên hệ với chuyên gia thuế hoặc pháp lý nếu cần.

Phải làm gì nếu bạn bị lừa đảo

Nếu bạn là nạn nhân của một vụ lừa đảo lãng mạn, đừng im lặng và chấp nhận nó mà hãy chiến đấu để ngăn chặn những kẻ lừa đảo với một số bước dưới đây:

Báo cáo: Bạn có thể báo cáo hành vi gian lận, lừa đảo lên cơ quan thực thi pháp luật địa phương. Trên thực tế, hầu hết các hành vi gian lận đều không được báo cáo và chính điều đó khiến những kẻ lừa đảo táo bạo hơn.

Liên hệ với tổ chức tài chính: Nếu bạn đã gửi tiền qua ngân hàng hoặc tài khoản môi giới, hãy hủy giao dịch. Bạn cũng có thể cần cập nhật thông tin tài khoản và mật khẩu của mình.

Thông báo cho nền tảng trực tuyến: Nếu bạn bị lừa qua một nền tảng truyền thông xã hội như Facebook hoặc Instagram, hãy cho họ biết trường hợp của mình và điều này có thể giúp ngăn người khác trở thành nạn nhân. Hầu hết các nền tảng đều có tùy chọn báo cáo lừa đảo.