Canh bạc sứa đỏ độc nhất vô nhị

Ông Hoàng Văn Thụ, vua tu hài Vân Đồn cho biết, khi ấy, nghề rừng ổn định, nghề nuôi tu hài cũng đã thuộc, các khâu như giống, vật liệu dù khó khăn nhưng vẫn lo được. Mọi chuyện lúc đó khá hanh thông và ông thấy tiềm năng biển bạc vô tận cuốn hút, hấp dẫn ông tham vọng làm ăn lớn hơn nữa. Ông không ngờ giông tố đang chờ…

Bãi nuôi sứa trơ những cây cọc khi đàn sứa tràn ra biển.

Bãi nuôi sứa trơ những cây cọc khi đàn sứa tràn ra biển.

Vượt rào

Ông Thụ tâm sự, năm 2012 vừa qua hàng triệu con giống tu hài bị dịch bệnh chết hàng loạt. Đầu năm 2013 hơn 3 tỷ tu hài thương phẩm chìm xuống biển sâu vì dịch bệnh… Để có ngày nay, không biết đã đổ bao nhiêu tiền xuống biển nhưng, đến bây giờ, mất mát lớn nhất vẫn chính là hàng triệu con sứa đỏ trôi ra biển trong nỗi bất lực và cả những giọt nước mắt cay đắng…

Ông Thụ nhớ lại, năm 2006, qua những lần sang Trung Quốc làm giống tu hài và tìm tòi những mô hình nuôi trồng thủy sản. Ông có dịp và quen một thương nhân Trung Quốc. Người này đề nghị ông đưa sứa đầu đỏ vào nuôi thử nghiệm. Sứa trắng khi đó giá đã 5- 10 nghìn đồng/ đầu sứa. Sứa đầu đỏ giá cao gấp đôi gấp ba và rất hiếm. Vị thương nhân khẳng định, thị trường Trung Quốc đối với các loại sứa là vô tận. Thực tế, đến bây giờ, vào vụ sứa, hàng ngàn ngư dân ra biển vớt sứa bán cho Trung Quốc và giàu lên nhờ sứa. Người Trung Quốc thích ăn sứa và sứa đỏ là đặc sản cho giới thượng lưu. Qua một người quen và một đêm suy nghĩ ông Thụ có một quyết định động trời…

Ông Thụ gọi tất cả anh em vào bè và giao nhiệm vụ từng người. Người thì đi mua hàng ngàn mét lưới mắt nhỏ. Người chặt cây quây một vùng nước rộng 60 ha. Mấy anh em ông Thụ quần quật không kể ngày đêm quây lưới, đóng cọc bằng thủ công. Chỉ trong vòng 7 ngày, một vùng nước khổng lồ hình thành với những thân cây cắm sâu vào lòng biển…

Ông Hoàng Văn Thụ: “Biển lấy đi nhiều thứ, nhưng cho tôi niềm tin bất tận vào tiềm năng của biển”.

Ông Hoàng Văn Thụ: “Biển lấy đi nhiều thứ, nhưng cho tôi niềm tin bất tận vào tiềm năng của biển”.

Sau khi nhìn cơ ngơi và vùng nuôi hình thành, một mình ông Thụ sang Trung Quốc. Khi đó, người ta chỉ biết ông xách mấy thùng xốp nhưng không biết đó là hàng triệu quả trứng sứa chỉ chờ kích hoạt là nở. Trở về đảo, với hàng chục chiếc bể đầy nước biển và sục khí, rất nhanh hàng triệu con sứa ra đời ken đặc và đỏ rực trong các bể chứa.

Ông Thụ và anh em không thể giấu được vui mừng khi sứa lớn từng ngày. Từ bé như ngón tay, chỉ vài ngày sứa lớn như quả trứng và cứ vậy sau một tuần đã bằng nắm tay. Hàng triệu con giống lớn nhanh như thổi được thả ra chiếc lồng khổng lồ 60 ha rào kín và đỏ rực màu lửa. Ông Thụ nghĩ, chỉ một đầu sứa 10 - 18 ngàn đồng và nhân với vài triệu con sẽ cho ra một số tiền khổng lồ đủ để mua mọi thứ được bán ở Vân Đồn. Giấc mơ bừng sáng bởi hiện thực trước mắt.

Nhìn đàn sứa lớn từng ngày, lúc nhúc, ken đặc đỏ rực giữa biển khơi, ông Thụ tin, ông sẽ giàu nhất Vân Đồn.

Tuy nhiên, đời không bao giờ là mơ, khi gần như tất cả vốn liếng, tâm sức ông Thụ đánh vào canh bạc sứa đỏ thì một ngày, hàng chục cán bộ của Sở Thủy sản, cán bộ huyện cùng công an tìm tới. Ông Thụ bị phạt hành chính vì nuôi trồng sinh vật ngoại lai.

Liên tục những đoàn kiểm tra từ sở tới huyện, rồi cả trung ương về đã phạt ông vì nuôi sinh vật ngoại lai. Cái bè vốn đã ọp ẹp nay càng oằn thêm vì phải chứa thêm người liệu có khuất phục ý chí của lão ngư gầy, đen khắc khổ…

Ông Thụ khi ấy không biết sứa đỏ là loài bị cấm. Ông chỉ biết nó là con giống sẽ đổi đời ông. Không thể tin đây là loài cấm nuôi và sẽ bị tiêu hủy. Tuy nhiên, trước hấp lực khổng lồ của giá trị sứa đầu đỏ, các cán bộ thủy sản từ tỉnh tới huyện không thể biết làm gì được ngoài việc ghi biên bản phạt. Lúc này ông Thụ cũng chả có tiền mà nộp phạt.

Câu chuyện có một lão ngư nuôi cả triệu con sứa và tạo ra một vùng nuôi sứa khổng lồ giữa biển Vân Đồn gây chấn động cả tỉnh và lên tới trung ương. Chưa ai nuôi được sứa cả và nhiều kỹ sư thủy sản được học hành đàng hoàng không biết vì sao một lão ngư chả học hành gì nuôi được đám sứa khổng lồ ấy. Nhiều người tìm tới chỉ để nhìn tận mắt đống tiền đang lúc nhúc trong 60 ha lưới của đảo Đống Chén, Bản Sen.

Ông Thụ nhớ lại, ông hoang mang lắm vì liên tục cán bộ tìm đến. Đoàn nào cũng luật với quy định. Dù lúc này ông đã biết là loài cấm nuôi thì ông cũng không thể tưởng tượng nếu tiêu hủy đống sứa này thì phải mất bao lâu, bao nhiêu tiền. Tiền tỷ chưa thấy đâu đã thấy nguy cơ mất tiền. Một thời gian cùng cực trong cả giấc ngủ chập chờn.

Ông Vũ Văn Nam, Chi cục Trưởng Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản - Sở NN & PTNT Quảng Ninh nhớ lại, khi đó ông mới lên chức Chi cục trưởng. Đối mặt với việc này lần đầu tiên ông Nam rất bất ngờ đời ông chưa bao giờ thấy nhiều sứa và sứa đẹp đến vậy. Không thể tưởng tượng trong thời gian ngắn ông Thụ lại nuôi được đám sứa khổng lồ này. Biết là vi phạm, nhưng ông Nam thấy trong mắt người đàn ông nhỏ bé, đen đủi trước mặt một niềm tin, nghị lực đáng kinh ngạc. Ông Nam đùa, khi ấy, công việc buộc ông phải thổi còi nhưng bản thân bị hút hồn và rơi còi xuống biển.

Tiếp mạch, ông Nam hồi tưởng: Đôi mắt ông Thụ ngày đó ám ảnh tôi và thật sự dù phạm luật thì đây cũng chưa bao giờ có tiền lệ. Chưa ai đánh giá tác động của sinh vật ngoại lai này. Nhưng đàn sứa đáng giá hàng tỷ đồng đang bơi trong cái lồng 60 ha ấy là hiện thực. Không thể ủng hộ bằng văn bản, cũng không biết cách nào giúp được người đàn ông này. Thay vì báo cáo, thay vì quyết liệt, tôi không làm gì cả. Những lúc gặp riêng tôi chỉ biết động viên và ngầm ủng hộ…

Cơn thủy triều đỏ

Ông Thụ ám ảnh, khi đó, án treo vẫn ở trên đầu, bởi nếu quyết làm có thể ông sẽ phải ngồi tù. Thế nhưng, không biết vì sao những đoàn kiểm tra thưa dần. Đàn sứa khổng lồ vẫn lớn lên từng ngày và vẫn đỏ rừng rực như niềm tin của lão Robinson thời hiện đại.

Ông Hoàng Văn Thụ: “Biển lấy đi nhiều thứ, nhưng cho tôi niềm tin bất tận vào tiềm năng của biển”.

Ông Thụ giờ không phải vất vả tự tay làm những việc liên quan tới nuôi trồng nữa vì thuê người làm nhưng riêng ươm giống thì vẫn tự tay ông làm.

Rồi một ngày ngủ dậy, ông Thụ không thể tin vào mắt mình khi 60 ha sứa đỏ trống không. Màu đỏ ám ảnh mỗi ngày không còn một con nào trong lưới. Ông chết trân. Đàn sứa khổng lồ ấy đi đâu? Không ai có thể trộm nổi từng đó con sứa, không thể biến mất một cách kỳ lạ như vậy. Ông Thụ lao ra vùng nuôi và sững sờ nhìn cả trăm mét lưới rào đổ và sứa đi ra ngoài khi thủy triều xuống. Đàn sứa quá lớn và ngày một phát triển, hàng triệu con sứa dập dờn như những con sóng đánh bật và làm đổ hàng rào. Phút chốc cơ ngơi khổng lồ tan biến. Đâu đó vẫn sót lại những con sứa chỉ vài tuần nữa là thu hoạch. Cuộc giải thoát của ông trời với đàn sứa đỏ như đánh gục lão ngư vốn đã gầy gò và xác xơ ...

Ông Thụ nhìn vào khoảng nước biển xanh ngắt mênh mông trước mặt, nghĩ con người không phá được tôi nhưng trời phá thì chịu. Khi ấy vốn liếng ít quá, nếu có tiền tôi đã làm hàng rào chắc chắn hơn.

Ông Nguyễn Văn Ninh, Phó phòng NN&PTNT huyện Vân Đồn cho biết, ở Vân Đồn có nhiều người nổi tiếng về nuôi trồng thủy hải sản. Nhưng có lẽ không có người thứ hai dám nghĩ và dám làm như con người này và câu chuyện nuôi sứa đỏ là câu chuyện nổi tiếng nhất. Nhưng đáng khâm phục là, sau biến cố khủng khiếp này người đàn ông đó không gục ngã…

Trên chiếc tàu đi thăm trại ươm giống, ông Thụ bảo, sau vụ sứa đỏ đó tôi tập trung vào làm tu hài. Có thời điểm, tôi có vài vạn lồng tu hài và sản lượng từ tu hài đủ để tôi ăn chơi cả đời. Tuy nhiên, giấc mơ làm giàu từ biển như một canh bạc mất nhiều hơn được nhưng luôn có ma lực hấp dẫn những ai quyết chí. Bao nhiêu tiền tôi có bây giờ lại đầu tư vào biển.

Giờ không nuôi được tu hài ông chuyển sang nuôi hàu, nuôi ngao. Biển bạc mênh mông tất không phụ người vì nó…

Theo Thành Duy
Tiền Phong