Càng theo lộ trình thị trường, điệp khúc tăng giá điện càng dài?

(Dân trí) - Bình luận phần trả lời của Bộ trưởng Công Thương về điệp khúc tăng giá điện, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Vì thời kỳ bao cấp của chúng ta quá dài, tháo chưa xong nên phải tăng giá cho kịp nhưng không dám tăng thường xuyên, ý Bộ trưởng như vậy chứ gì?”.

14h30 chiều nay 11/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan tới ngành công thương.

Phát biểu trước khi chất vấn, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho hay, đã nhận được 87 kiến nghị của cử tri tại kỳ họp này. Đến nay, Bộ Công Thương nhận được 9 chất vấn của 8 đại biểu xoay quanh các vấn đề: ứ đọng hàng nông sản, thương lái nước ngoài thu mua nông sản, suy giảm xuất nhập khẩu, lưới điện…

Theo lưu ý của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia, ký kết nhiều Hiệp định thương mại và đang đàm phán tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ là vấn đề quan trọng của Bộ trưởng tại phiên chất vấn này.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.

Vào phiên chất vấn, bên cạnh “truy” việc ùn ứ nông sản, hàng nhái, hàng giả tràn lan trên thị trường làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân, câu hỏi mà Bộ trưởng Hoàng nhận được là giá điện, giá xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) nêu vấn đề: Ở nước ta, điện là mặt hàng rất kỳ lạ. Tăng giá, tăng giá, lại tăng giá.Tăng nhiều, tăng ít và tăng nữa. Đó là điệp khúc mà có lẽ được ra đời từ khi khai sinh ra ngành điện nước nhà.

“Việc tăng giá điện không phải không có lý. Lẽ ra, việc tăng giá điện sẽ khiến người dân được lợi. Về lý thuyết, giá bán lẻ cũng là điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư và một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán thì chi phí sẽ giảm, khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất. Điều này đúng với các ngành nhưng không đúng với ngành điện. Bao giờ lý thuyết đó đúng với ngành điện?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng) ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành về giá xăng dầu trong những năm gần đây, tuy nhiên, về giá xăng dầu nước ta không theo cơ chế thị trường mà Nhà nước vẫn quản lý giá là không đúng với vận hành của thị trường.

Đại biểu nhấn mạnh: “Bộ Công Thương có giải pháp gì tham mưu cho Chính phủ điều hành giá xăng dầu hiện nay sang cơ chế thị trường như các nước trong khu vực? Khi nào chuyển sang cơ chế thị trường để người tiêu dùng có quyền lựa chọn mua?”.

Còn theo đại biểu Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang): Giá vật tư sản xuất nông nghiệp, điện, giá xăng dầu, than… tăng cao làm cho đầu vào sản xuất khó khăn, thu nhập của người dân suy giảm. Trong khi đầu ra sản phẩm nông nghiệp khó khăn, thương lái ép giá. Từ thực trạng trên, Bộ trưởng có suy nghĩ gì và giải pháp cụ thể nào xử lý có hiệu quả và có chuyển biến cụ thể?

Đáp lại câu hỏi của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cho hay: Điện và xăng dầu là 2 loại hàng hóa đặc biệt liên quan mật thiết đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Hai mặt hàng này nhất quán hoạt động theo cơ chế thị trường nhưng có sự quản lý của nhà nước.

"Đúng là mỗi khi đứng trước việc phải điều chỉnh giá, nhất là điện, với trách nhiệm Bộ được giao nhiệm vụ chủ trì, chúng tôi băn khoăn vì biết rằng việc điều chỉnh giá sẽ tác động tới cuộc sống người dân, nên trong tính toán đã cẩn trọng để giá theo đúng theo thị trường không bù giá và giảm thiểu mức tối đa ảnh hưởng tới đời sống người dân nghèo, thu nhập thấp và nông dân. Vừa qua chúng ta đã làm tương đối tốt việc điều chỉnh giá điện”, Bộ trưởng Công Thương chia sẻ.

Còn việc điều hành giá xăng dầu hiện nay, theo Bộ trưởng Hoàng, được thực hiện theo quy định của Nghị định 83 của Chính phủ. Mặc dù còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng đến thời điểm này, việc nhập khẩu, kinh doanh và điều hành giá xăng dầu đã từng bước theo lộ trình cơ chế thị trường.

Theo quy định của Nghị định 83, giá sản phẩm xăng dầu thế giới trong vòng 15 ngày nếu có sự thay đổi theo chiều hướng tăng hay giảm thì đến ngày thứ 16, Bộ Công Thương cũng sẽ điều chỉnh tăng giảm cho phù hợp.

Tuy nhiên, vì giá xăng dầu có tác động trực tiếp đến nền kinh tế, sản xuất kinh doanh cũng như đời sống nhân dân, nên nhà nước có sử dụng công cụ thuế và quỹ Bình ổn giá để trong trường hợp có tăng giá mặt hàng này cũng không ảnh hưởng nhiều đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội.

“Bộ Công Thương nhận trách nhiệm về việc này và xác nhận đúng là giá điện, xăng dầu đã và đang tác động lớn đến đời sống kinh tế xã hội. Xác định được điều này, Bộ Công Thương cam kết sẽ làm hết trách nhiệm của mình trong việc việc điều hành giá mặt hàng này chuẩn xác nhất phục vụ tốt nhất cho đời sống của người dân, trong đó tập trung đến chú ý đến các hộ nghèo”, Bộ trưởng Công Thương hứa trước Quốc hội.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Cương, Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá điện nằm trong chủ trương đưa giá điện về cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước khi các yếu tố đầu vào như tỷ giá, nhiên liệu và kết cấu sản lượng điện có thay đổi thì xem xét để điều chỉnh giá điện. Vừa qua chúng ta đã thực hiện việc điều chỉnh giá theo cơ chế này.

Nếu điều chỉnh dưới 10% thì Bộ tự xem xét, nếu trên 10% thì báo cáo Chính phủ xử lý. Lần gần đây nhất, Bộ cũng lập tổ tư vấn liên ngành gồm Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Ngân hàng nghe ngành điện báo cáo điều chỉnh các phương án điều chỉnh giá điện.

Và theo Bộ trưởng Hoàng thông tin, đến nay, điện bắt đầu giá bán cao hơn giá thành. Và theo lộ trình đến năm 2016 sẽ hoàn chỉnh cơ chế bán điện theo cơ chế thị trường.

Bình luận câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi: “Vì thời kỳ bao cấp của chúng ta quá dài, tháo chưa xong nên phải tăng giá cho kịp nhưng không dám tăng thường xuyên, ý Bộ trưởng như vậy chứ gì? Càng theo lộ trình thị trường thì điệp khúc càng dài”.

Chưa hài lòng với phần câu trả lời của Bộ trưởng Hoàng, đại biểu Cương đề nghị, vị trưởng ngành Công Thương cho biết bao giờ bỏ được độc quyền trong kinh doanh giá điện, vì còn giữ được độc quyền thì giá điện còn tăng mãi.

Đại biểu Cương chất vấn lại: “Bộ trưởng nói năm 2016 giá điện theo giá thị trường, nếu tới 2016 mà giá điện bỏ được độc quyền thì người dân sẽ rất mừng…”.

Đáp lại, Bộ trưởng Hoàng cho biết, năm 2016 giá điện sẽ theo thị trường nhưng lộ trình giá bán lẻ cạnh tranh đã được Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, năm 2012 thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh; 2016 thí điểm thị trường bán buôn điện cạnh tranh và từ 2021 thực hiện bán lẻ điện cạn tranh.

“Tới năm 2016, giá điện bán lẻ sẽ hoàn toàn theo thị trường, người mua điện được tự do lựa chọn phù hợp với khả năng của mình”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định.

 Nguyễn Hiền