Căng thẳng với Triều Tiên đe dọa kinh tế Hàn Quốc

(Dân trí) - Những căng thẳng chính trị ngày một leo thang với Triều Tiên bắt đầu khiến Hàn Quốc phải chịu hậu quả khi các doanh nghiệp bất an còn nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.

Vốn đã quen với những tuyên bố “đao to búa lớn” từ phía Triều Tiên về những “cuộc chiến tranh tổng lực”, “tấn công không thương tiếc” hay “chiến tranh hạt nhân” suốt nhiều năm qua, nhưng vài tuần trở lại đây các động thái từ quốc gia láng giềng vẫn khiến các doanh nghiệp và nhà đầu tư tại Hàn Quốc không khỏi lo ngại.

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không có lợi cho kinh tế Hàn Quốc
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không có lợi cho kinh tế Hàn Quốc

Giảm điểm ngay trong phiên đầu tuần, đến thứ Sáu vừa qua, chỉ số chứng khoán chính KOSPI của Hàn Quốc đã đóng cửa ở mức thấp nhất thứ tháng 11. Trước đó hôm thứ Năm, theo tờ New York Times, hãng General Motors của Mỹ cho biết họ đang lên kế hoạch ứng phó để đảm bảo an toàn cho nhân viên tại các nhà máy ở Hàn Quốc vì căng thẳng trong khu vực.

Thậm chí hãng này còn bỏ ngỏ khả năng rời nhà máy đi nơi khác nếu tình hình tiếp tục tăng nhiệt. Trong khi đó, Philippines và Thái Lan, những nước có hàng nghìn công dân đang sống và làm việc tại Hàn Quốc cũng cân nhắc kế hoạch di tản kiều bào nếu tình hình xấu đi.

“Trước đây, các sự kiện liên quan đến Triều Tiên ít gây tác động tới kinh tế hoặc nếu có thị trường cũng nhanh chóng hồi phục. Nhưng những đe dọa gần đây của Triều Tiên là mạnh mẽ hơn và do đó tác động của nó có thể không sớm biến mất”, ông Choo Kyung-ho, thứ trưởng tài chính Hàn Quốc thừa nhận trong một cuộc họp các quan chức ngành tài chính hôm thứ Sáu.

Sự e ngại của giới tài chính còn có thể lên cao nếu Triều Tiên tiếp tục ngăn không cho công nhân và hàng hóa, thiết bị từ Hàn Quốc tới khu công nghiệp chung Kaesong. Tính đến ngày hôm nay đã là ngày thứ năm Bình Nhưỡng đóng cửa khu vực này và là quãng thời gian dài nhất từ trước đến nay. Hành động này đang khiến 123 nhà máy của các doanh nghiệp Hàn Quốc đối mặt với sự cạn kiệt nguyên liệu. Hiện ít nhất 4 trong số này đã ngừng hoạt động.

Tác động của việc Kaesong bị đóng cửa không chỉ dừng lại ở hơn 100 doanh nghiệp mà nó còn ảnh hưởng tới niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc.

Hàng đoàn dài ô tô mắc kẹt bên ngoài khu công nghiệp Kaesong
Hàng đoàn dài ô tô mắc kẹt bên ngoài khu công nghiệp Kaesong

Suốt nhiều năm qua, bất chấp căng thẳng giữa hai nước Kaesong luôn hoạt động bình thường, và nó trở thành cơ sở để Hàn Quốc trấn an các nhà đầu tư rằng những tuyên bố đại ngôn của Bình Nhưỡng không phải lúc nào cũng đi kèm hành động. Nhưng nay Kaesong đã bị đóng cửa hoàn toàn và niềm tin nhà đầu tư sẽ càng dễ lung lay, còn áp lực chính trị lên vai nữ Tổng thống Park Geun-hye thêm đè nặng.

Với người Hàn Quốc, mặc dù hàng thập kỷ qua, họ đã chai sạn với những đe dọa từ Triều Tiên, không ít người vẫn e ngại rằng một sự đối đầu kéo dài sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu hóa của mình tổn thất nhiều hơn một Triều Tiên bị bủa vây bởi các lệnh cấm vận.

“Triều Tiên đang dùng một chiến dịch truyền thông ở dạng cực đoan để cố hủy hoại nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Hàn Quốc”, Thomas L. Coyner, thành viên của Phòng thương mại Mỹ tại Hàn Quốc và là tác giả cuốn “Kinh doanh tại Hàn Quốc”, cho biết. “Và họ, nếu nhìn theo khía cạnh này, đang chiến thắng trong cuộc chiến tâm lý khi đánh vào sức mạnh kinh tế của Hàn Quốc”.

John Delury, một giảng viên người Mỹ tại đại học Yonsei ở Seoul cho biết tác động về kinh tế từ những căng thẳng đang là “thách thức nghiêm trọng” đối với Tổng thống Park, người đã đắc cử với tuyên bố củng cố kinh tế và xây dựng lòng tin với Triều Tiên.

“Những màn phô trương sức mạnh hàng ngày của không chỉ Triều Tiên mà cả Mỹ và Hàn Quốc như một phần của cuộc tập trận chung thường niên đã khiến cả thế giới chú ý, và khiến bán đảo Triều Tiên trở thành một nơi không phải gắn liền với “Gangnam Style” mà là với vũ khí hạt nhân và máy bay ném bom tàng hình”, ông Delury nhận định.

Mặc dù các nhà phân tích và ngoại giao đều tin rằng Triều Tiên sẽ không thực hiện tuyên bố quyết liệt nhất là tấn công phủ đầu Mỹ và Hàn Quốc, ông Delury cho rằng chỉ riêng việc những cảnh báo được duy trì đã gây ra nhiều vấn đề. “Thị trường ghét rủi ro, ngay cả khi đó chỉ là cảm nhận chứ không phải thực tế”.

Thanh Tùng
Theo New York Times