Căng thẳng với Mỹ, các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc đổ xô đến Singapore
(Dân trí) - Một số công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc đang mở rộng hoạt động tại Singapore khi căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng leo thang.
Các “ông lớn” công nghệ Trung Quốc như: Tencent, Alibaba đang gia tăng sự hiện diện của họ tại quốc đảo này, trong khi ByteDance - công ty sở hữu TikTok - cũng tuyên bố sẽ đầu tư hàng triệu USD vào Singapore.
Singapore được coi là một quốc gia trung lập, có quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc.
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh ngày càng trở nên thù địch, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ.
Trong tuần này, Tencent đã thông báo họ đang “mở rộng sự hiện diện thương mại của mình tại Singapore nhằm hỗ trợ hoạt động kinh doanh đang tăng trưởng ở khu vực Đông Nam Á và hơn thế nữa”. Đây được coi là sự bổ sung mang tính chiến lược ở khu vực này.
Trong tháng này, cùng với TikTok, ứng dụng tin nhắn WeChat của Tencent đang phải đối mặt với lệnh cấm từ Mỹ. Chính quyền Tổng thống Mỹ Trump đang gia tăng kiểm soát đối với các ứng dụng và các công ty công nghệ Trung Quốc.
Tổng thống Donald Trump cũng đã áp đặt lệnh cấm đối với công ty viễn thông Trung Quốc Huawei.
Ông Tommy Wu tại Oxford Economics cho biết: “Căng thẳng Mỹ - Trung trong lĩnh vực công nghệ và nguy cơ tách rời ngày càng cao thúc đẩy các công ty công nghệ Trung Quốc tách bạch hoạt động ở Trung Quốc và bên ngoài Trung Quốc”.
“Singapore sẽ là một điểm đến lý tưởng với lợi thế so sánh của thành phố này trong lĩnh vực công nghệ, vị trí địa lý gần Trung Quốc và là trung tâm sáng tạo của Đông Nam Á”, ông nói.
Singapore luôn được xem là cơ sở khu vực của các doanh nghiệp phương Tây bởi những lợi thế về tài chính và hệ thống pháp luật. Do đó, Singapore chắc chắn nằm trong tầm ngắm của các doanh nghiệp Trung Quốc.
Tình hình chính trị bất ổn ở Hồng Kông và sự ra đời gây tranh cãi của Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc đã khiến nhiều doanh nghiệp ở Hồng Kông tìm kiếm một môi trường kinh doanh ổn định hơn ở châu Á.
Nhưng theo ông Nick Redfearn, Phó giám đốc điều hành tại hãng tư vấn Rouse có trụ sở tại Anh, có một lý do khác khiến Singapore trở nên hấp dẫn hơn với Trung Quốc.
Ông cho rằng, đó cũng là lý do tại sao quốc đảo này lại thu hút được đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều hơn các nước nước khác trong khu vực Đông Nam Á.
“Điều này thường là do các trụ sở khu vực của các tập đoàn tại Singapore, thay mặt cho công mẹ ở chính quốc, đóng vai trò là nhà đầu tư nước ngoài vào các nước như Philippines, Indonesia, Việt Nam… Chính điều này giúp các công ty Trung Quốc tránh được sự hiện diện là đầu tư từ Trung Quốc”, ông lý giải.
Theo ông Redfearn, Đông Nam Á đã vượt qua EU để trở thành đối tác thương mại khu vực lớn nhất của Trung Quốc vào năm 2020.
Rui Ma, một chuyên gia công nghệ Trung Quốc và là một nhà đầu tư, cho biết thêm rằng: “Bạn có thể thấy hiện nay các công ty phương Tây như Google, Facebook, LinkedIn và nhiều công ty khác nữa đều đặt trụ sở khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore. Do đó, tự nhiên các doanh nghiệp Trung Quốc cũng sẽ cân nhắc đặt trụ sở ở đây với những lý do tương tự”.
“Tôi nghĩ rằng, căng thẳng địa chính trị Mỹ - Trung gần đây chỉ khiến cho Singapore trở nên hấp dẫn hơn, nhưng đó không phải là lý do chính hay duy nhất”, bà nói.
Theo bà nói, toàn cầu hoá là một động lực. “Nếu các công ty phương Tây có thể toàn cầu hoá thì tại sao các công ty Trung Quốc lại không?”.
“Các công ty Trung Quốc rất sẵn lòng đầu tư dài hạn và không chịu bị bỏ lại phía sau nếu có các cơ hội trong tương lai”, bà Ma khẳng định.