Căng thẳng hàng hóa tại cảng biển sầm uất nhất Việt Nam hiện ra sao?

(Dân trí) - Vấn đề quá tải tại cảng Cát Lái (TPHCM) do nhiều doanh nghiệp dừng hoặc giãn sản xuất nên dẫn đến tồn ứ đã được giải quyết. Đến thời điểm này, hoạt động tại cảng đã diễn ra bình thường.

200 doanh nghiệp tồn hàng nhập

Lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, những ngày qua, Cục đã làm việc với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, cũng như hải quan TPHCM và các doanh nghiệp để triển khai các giải pháp tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, giải tỏa hàng hóa.

"Vấn đề nguy cơ quá tải tại cảng Cát Lái do nhiều doanh nghiệp dừng hoặc giãn sản xuất nên dẫn đến tồn ứ nguyên vật liệu tại các kho bãi của cảng. Đến thời điểm này, hoạt động tại các cảng diễn ra bình thường" - lãnh đạo Cục Hàng hải thông tin về tình hình mới nhất của cảng biển đang đảm nhận 40% hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Cũng theo vị lãnh đạo này, Sở chỉ huy tiền phương của Cục Hàng hải đã phối hợp với Tân cảng Sài Gòn rà soát được gần 200 doanh nghiệp có lượng hàng nhập tồn tại bến cảng Cát Lái số lượng nhiều, qua đó nắm bắt được kế hoạch sản xuất của từng doanh nghiệp (DN), dự kiến kế hoạch rút hàng và các vướng mắc liên quan.

Căng thẳng hàng hóa tại cảng biển sầm uất nhất Việt Nam hiện ra sao? - 1

Hoạt động của cảng Cát Lái đã diễn ra bình thường ( Ảnh: Đại Việt).

Xác định rõ nguyên nhân của tình hình cảng, đặc biệt là hàng nhập tại cảng Cát Lái tăng cao là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp trong khu vực phải thu hẹp sản xuất hoặc ngừng hoạt động, Cục Hàng hải đã có công văn đề nghị UBND các địa phương là TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh và Long An xem xét, chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương hỗ trợ tạo điều kiện để DN đóng trên địa bàn có thể nhận hàng, giảm áp lực cho cảng Cát Lái.

Trong khi đó, Tân cảng Sài Gòn cũng lên kế hoạch và thực hiện chuyển container hàng nhập tồn lâu ngày (trên 90 ngày) đi Tân cảng Hiệp Phước để lấy thêm chỗ chứa container hàng nhập tại cảng Cát Lái; Nghiên cứu ban hành chính sách giảm giá khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại Cát Lái và Hiệp Phước.

"Hàng tồn tại cảng Cát Lái đã giảm. Nếu như trong ngày 3/8 lượng hàng tồn toàn cảng là gần 108.800 Teus, chiếm 87,7% thì ngày 4/8 lượng hàng tồn giảm còn hơn 106.700 Teus, chiếm 85,1%. Đầu tuần trước, lượt tàu ra vào cảng Cát Lái là 57 tàu. Đến tuần này, số tàu hoạt động khu vực cảng là 41 tàu (giảm hơn 28%). Hàng nhập cũng giảm hơn 6.300 Teus so với cùng thời điểm (giảm 32,67%). Lượng hàng giảm này đã được chuyển từ Cát Lái về các cảng lân cận và khu vực Cái Mép" - lãnh đạo Cục Hàng hải cho hay.

Dốc tổng lực thông quan hàng hóa

Hồi cuối tháng 7, Tân cảng Sài Gòn đã có văn bản báo cáo các cơ quan chức năng về khó khăn trong tổ chức hoạt động cảng Cát Lái. Theo báo cáo, sau 3 tuần TPHCM thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống sự lây lan của dịch Covid-19, dung lượng tồn bãi Cát Lái luôn chạm mức hết công suất, đặc biệt dung lượng dành cho hàng nhập luôn trên 100% công suất. Cảng Cát Lái đối mặt nguy cơ tạm ngưng hoạt động để chờ giải phóng hàng.

Với tình thế cấp bách, Cục Hàng hải Việt Nam đã nhanh chóng tham mưu Bộ Giao thông vận tải (GTVT) có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan) có cơ chế cho phép Tân cảng Sài Gòn vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung (cả container tồn đọng trên 90 ngày) về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng và thanh lý hàng tồn đọng tại Tân cảng Hiệp Phước và các ICD như: Tân cảng Nhơn Trạch, Tân cảng Long Bình (Đồng Nai), Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương).

Bộ GTVT cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND TPHCM lập điểm xét nghiệm nhanh và cấp giấy 24/7 tại địa điểm do Tân cảng Sài Gòn đề xuất để phục vụ đối tượng lái xe có giấy chứng nhận hết hạn hoặc sắp hết hạn ra, vào cảng Cát Lái được thuận tiện, nhanh chóng.

Đối với lực lượng hải quan, Bộ GTVT, Cục Hàng hải cũng kiến nghị cần nhanh chóng thanh lý hàng tồn đọng; mở rộng các danh mục hồ sơ được tải lên cổng thông tin một cửa quốc gia mà không cần bản giấy; cho phép doanh nghiệp nộp bản chứng thư scan bằng điện tử trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16 và bổ sung bản gốc sau để hạn chế người đến cảng làm thủ tục.

Ngày 2/8, Tổng cục Hải quan đã ban hành văn bản tháo gỡ khó khăn cho hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng Cát Lái.

Đến thời điểm hiện tại, Tân cảng Sài Gòn cũng đã ban hành chính sách giảm giá nhiều dịch vụ để khuyến khích chủ hàng đến nhận hàng sớm tại Cát Lái, Hiệp Phước nhằm thúc đẩy nhanh việc rút hàng ra khỏi bãi cảng, tạo khoảng trống để tiếp nhận các hàng nhập.

Chiều 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên có văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đưa ra loạt kiến nghị nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, góp phần tạo luồng hàng thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh như hiện nay.