1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ Công Thương hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng giải cứu cảng Cát Lái

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Trước tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái gây khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu, chiều 4/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên ký công văn hỏa tốc gửi Thủ tướng Chính phủ.

Đề xuất khẩn cấp 6 giải pháp giải cứu cảng Cát Lái

Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã đưa ra một loạt kiến nghị nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái, góp phần tạo luồng hàng thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh như hiện nay.

Một là, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, làm việc với cảng Cát Lái nói riêng và các cảng biển lớn khác trên cả nước nói chung để khẩn trương đưa ra giải pháp cụ thể:

Nâng cao năng lực giải phóng hàng hóa ra khỏi cảng, rà soát và làm việc cụ thể với từng chủ hàng có hàng tồn tại cảng để đưa ra phương án thống nhất tháo gỡ vướng mắc sớm nhận hàng.

Nâng cao năng lực khai thác của bãi cảng, chủ động điều chỉnh xếp container từng khu vực để tăng khả năng tiếp nhận hàng nhập khẩu, đồng thời nâng tối đa khả năng xếp dỡ container trên bãi, điều chuyển bớt các container rỗng ra ngoài phạm vi cảng, điều chỉnh thời gian tiếp nhận container hàng xuất phù hợp.

Phối hợp với các bên điều tiết lượng hàng nhập về cảng Cát Lái, tạm thời ngưng chuyển container hàng nhập từ các cảng khu vực Cái Mép, Hiệp Phước về Cát Lái mà các chủ hàng cần nhận trực tiếp ở khu vực Cái Mép hoặc Hiệp Phước, các cảng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nơi gần nhà máy, doanh nghiệp của mình.

Các chủ hàng, hãng tàu cần hạn chế số chuyến tàu hoặc giãn tiến độ nhập container với hàng nhập của các doanh nghiệp, nhà máy đang giảm quy mô và sản lượng sản xuất.

Bộ Công Thương hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng giải cứu cảng Cát Lái - 1

Cảng Cát Lái có thể tạm ngừng nhận hàng do quá tải (Ảnh: N.Bình - Báo Dân Việt).

Hai là, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ giao Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan nghiên cứu cơ chế cho phép cảng Cát Lái vận chuyển container hàng nhập khẩu nói chung, trong đó có cả loại container tồn đọng trên 90 ngày từ cảng Cát Lái về lưu giữ, thông quan, giao cho khách hàng tại các cơ sở của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn là cảng Tân cảng Hiệp Phước (TPHCM), các ICD Tân cảng Long Bình, ICD Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai), ICD Tân cảng Sóng Thần (Bình Dương).

Qua đó giảm tải và tăng năng lực chứa tại cảng Cát Lái, giảm tình trạng ùn tắc hiện nay.

Về phía Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cũng cam kết chịu trách nhiệm đảm bảo nguyên trạng hàng hóa, nguyên container khi vận chuyển và lưu trữ.

Ba là, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ giao UBND TPHCM và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cảng biển ưu tiên tiêm vắc xin chống dịch Covid-19 cho những người công tác tại cảng, kể cả các nhân viên giao nhận, lái xe.

Bốn là, do tính chất đặc thù của hoạt động tại cảng biển nói chung, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương có cảng biển xem xét phương án khi có ca nhiễm Covid-19, một mặt cách ly những đối tượng liên quan, mặt khác vẫn cho phép cảng hoạt động nhằm đảm bảo mục tiêu kép của Chính phủ đã đặt ra "vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế".

Năm là, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương có liên quan xem xét, giải quyết các kiến nghị của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.

Sáu là, kiến nghị giao Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn xem xét giảm giá lưu container, lưu bãi cho hàng hóa ở cảng Cát Lái của các doanh nghiệp đang bị dừng sản xuất do tác động của dịch Covid-19.

Theo Bộ Công Thương, cảng biển là cơ sở hạ tầng trọng điểm đảm bảo hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển thông suốt. Trước tình hình ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái còn có thể kéo dài và lan sang các cảng khác như Cái Mép, Hải Phòng, tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Bộ Công Thương hy vọng với 6 giải pháp nêu trên, tình trạng ùn tắc hàng hóa ở cảng Cát Lái cũng như một số cảng biển khác sẽ được cải thiện, tránh tác động tiêu cực đến hoạt động xuất nhập khẩu, tạo luồng hàng thông thoáng cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong bối cảnh khó khăn bởi dịch bệnh như hiện nay.

Tình hình ùn ứ ra sao?

Theo Báo cáo của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, sau 3 tuần thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, sản lượng container xuất nhập tàu, sản lượng container giao nhận bãi, số lượt xe ra, vào cảng giao nhận hàng liên tục giảm so với cùng kỳ trước đó, kéo theo dung lượng tồn bãi cảng Cát Lái tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa phản ánh tình trạng ùn tắc giao thông bên ngoài cảng Cát Lái làm các doanh nghiệp luôn rơi vào tình cảnh giao nhận hàng không đúng thời gian quy định trong hợp đồng.

Năng lực vận chuyển hàng hóa cũng giảm hẳn, thay vì một ngày vận chuyển được từ 13-14 container nhưng vì ùn tắc giảm chỉ còn 5-7 container.

Ngoài tình trạng ùn ứ giao thông thường trực trên liên tỉnh lộ 25B, xa lộ Hà Nội... xe của doanh nghiệp vận tải hàng hóa cho cảng chỉ được chạy vào ban đêm, do đó chi phí cho một lần vận chuyển hàng cũng tăng lên.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay lượng hàng hóa, container tồn bãi ở cảng Cát Lái luôn gần hết công suất, nhất là dung lượng dành cho hàng nhập chạm ngưỡng 100% công suất.

Với đặc thù hoạt động của cảng Cát Lái (từ trước đến nay thường xuyên trong tình trạng gần hết công suất), nếu hàng hóa tiếp tục chậm luân chuyển như vậy sẽ làm cho cảng hết sức chứa, phải tạm thời ngưng tiếp nhận tàu, chờ giải phóng bớt hàng trên bãi dẫn đến nguy cơ phải gián đoạn hoạt động như đã xảy ra tại các cảng của Mỹ, Châu Âu, Trung Quốc trong các đợt dịch vừa qua.

Điều này sẽ gây tác động tiêu cực cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của Vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam.

Bộ Công Thương cho biết tình trạng ùn tắc hàng hóa tại cảng Cát Lái nêu trên phát sinh do hai nguyên nhân chính:

Thứ  nhất, nhiều nhà máy, doanh nghiệp xuất nhập khẩu phải dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Một số ít doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện "3 tại chỗ", "2 địa điểm, một cung đường" nhưng cũng đều phải cắt giảm sản lượng.

Tình trạng này dẫn đến việc các doanh nghiệp dừng hoạt động không thể tiếp nhận các container nguyên liệu nhập khẩu, container bị lưu lại cảng nhiều gây ùn tắc tại cảng.

Thứ hai, tình trạng thiếu nhân lực cho dây chuyền sản xuất tại cảng. Theo Báo cáo của Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, để duy trì hoạt động liên tục cho cảng Cát Lái, lượng nhân sự cần thiết phải có mặt tại hiện trường trong ngày (3 ca sản xuất) khoảng 500 người.

Tuy nhiên, tác động của dịch Covid-19 (các trường hợp bị F0, F1, cách ly, phong tỏa trong các khu vực; quy định hạn chế đi lại ...) đã làm lực lượng lao động của cảng Cát Lái hiện tại giảm xuống khoảng 50% (chỉ còn 250 người/ngày). Cảng đã linh hoạt cắt giảm tối đa quân số cho mỗi dây chuyền, thay đổi bằng mô hình điều hành tập trung nhưng tình hình thiếu hụt nhân sự, nhất là công nhân xếp dỡ tàu ngày càng trầm trọng.

Bên cạnh đó, cảng Cát Lái đã bố trí mô hình "3 tại chỗ", nhưng do đặc điểm sản xuất của cảng khác với các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất là hoạt động không tập trung trong nhà kín mà phân tán tại nhiều địa điểm ở ngoài trời (trên cầu tàu, bãi hàng, trên các phương tiện cơ giới...) nên mô hình này ít hiệu quả; mặt khác khi tập trung số lượng đông công nhân, người lao động ăn, ở, sinh hoạt cùng một địa điểm lại làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh. Do vậy, năng suất bốc dỡ, giải phóng tàu cũng bị ảnh hưởng.

Theo số liệu của Hiệp hội Cảng biển Việt Nam (VPA), sản lượng container năm 2020 của cảng Tân cảng Cát Lái (gọi tắt là cảng Cát Lái) đạt 5.585.086 TEU, chiếm trên 71% sản lượng container của cả khu vực cảng TPHCM.

6 tháng đầu năm nay, sản lượng container của cảng Cát Lái đạt 2.891.339 TEU, chiếm trên 66,7% sản lượng container của cả khu vực cảng TPHCM; trong đó nếu chỉ tính riêng sản lượng container xuất nhập khẩu trong tháng 6 thì cảng Cát Lái đạt 486.213 TEU, chiếm khoảng 86% sản lượng container xuất nhập khẩu của cả khu vực cảng TPHCM.