Cảng Kê Gà gây nhiều hệ lụy!

Khi đề xuất làm cảng, nhiều phương án thuyết phục đã được Vinacomin đưa ra, kéo theo nhiều nhà đầu tư phải hy sinh cho dự án, nhiều công trình khác lại dở khóc vì xây dựng đón đầu.

Như đã thông tin, Thủ tướng đã yêu cầu ngưng xây dựng cảng Kê Gà (huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận).

Ngay từ khi có những thông tin về việc xây dựng cảng này đã có những ý kiến không đồng tình.

“Giảm chi phí vận chuyển cho dự án bauxite”

Trước đó, quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxite giai đoạn 2007-2015 (có xét đến năm 2025) được Chính phủ phê duyệt đã quy hoạch hệ thống vận tải ngoài, quy hoạch hệ thống cảng biển chuyên dụng phục vụ cho việc sản xuất, chế biến alumin (được sản xuất từ quặng bauxite). Quy hoạch này nêu kế hoạch xây dựng cảng chuyên dụng tại khu vực biển Bình Thuận (Bắc Hòn Gió hoặc Hòn Kê Gà).

Năm 2009, Chính phủ tiếp tục duyệt quy hoạch xác định cảng Kê Gà thuộc nhóm cảng biển Nam Trung Bộ. Cảng này được chia làm hai phần, trong đó khu Bắc Kê Gà là cảng chuyên dùng làm khu liên hợp alumin.

Một cụm biệt thự xây dựng tiền tỉ phải ngưng lại để nhường đất cho cảng Kê Gà. Ảnh: PN
Một cụm biệt thự xây dựng tiền tỉ phải ngưng lại để nhường đất cho cảng Kê Gà. Ảnh: PN

Dự án cảng biển Kê Gà có tổng giá trị trên 20.000 tỉ đồng, được chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho hay sẽ gồm các bến xuất, bến nhập hàng hóa và bến bốc dỡ xuất khẩu alumin. Cảng dài khoảng 2,3 km với tổng diện tích 366 ha. “Cảng Kê Gà hình thành sẽ rút ngắn cung đường, giảm chi phí vận chuyển hàng hóa của các dự án bauxite nhôm nói riêng cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế cho cả vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ” - thông tin trang web của Vinacomin khẳng định.

Theo Bộ Công Thương, việc quy hoạch vận tải ngoài, trong đó có cảng Kê Gà là nhằm phục vụ việc vận chuyển và tiêu thụ alumin. Để thuyết phục duyệt cho đầu tư các dự án khai thác bauxite, Vinacomin (trước đây là TKV) cũng đã “vẽ” ra phương án vận chuyển, xuất khẩu một cách thuyết phục. Đó là hệ thống đường sắt từ Tây Nguyên đổ xuống Bình Thuận, là cảng biển Kê Gà chỉ để phục vụ vận chuyển, xuất khẩu alumin và chở nguyên liệu (than, xút rắn, dầu…), thậm chí còn có phương án lấy nước từ Bình Thuận lên để xử lý bùn đỏ.

Nhưng nằm ở nơi không hợp!

Chiều 20/2, kỹ sư Doãn Mạnh Dũng (Hội Khoa học Kỹ thuật và Kinh tế biển TP.HCM) bức xúc: “Dừng dự án cảng biển Kê Gà là quyết định đúng đắn! Đến thời điểm này, dù chưa khởi công nhưng cũng đã biết bao tiền của đổ vào việc nghiên cứu, lên lịch khởi công nhiều lần”.

Từng là người có ý kiến phân tích những điểm không hợp lý, kỹ sư Dũng cho rằng khu vực dự định xây cảng Kê Gà nằm gần cảng Cam Ranh nên nếu muốn đầu tư thì phải bố cục tương tự cảng Cam Ranh, tức phải có đê chắn sóng, có hướng chuẩn… “Để có một cảng an toàn, đủ sâu cho tàu lớn thì không đơn giản và vô cùng tốn kém, phải ở vị trí thuận tiện với tự nhiên để giảm chi phí.
 
Trong khi đó, mũi Kê Gà nằm ở vị trí không hợp lý, buộc phải “nhân tạo” toàn bộ, thậm chí còn phải đào đá dưới đáy biển. Vùng bờ biển Kê Gà hứng cả gió đông bắc và tây nam sẽ gây ra nhiều khó khăn khi xây cảng. Ngoài ra, tốc độ dòng chảy tại đây - theo tài liệu bảo đảm hàng hải của Bộ Tư lệnh Hải quân xuất bản năm 1985 - là rất lớn, nguy hiểm khi điều động quay trở tàu, do vậy chưa thấy tàu nào dám neo tại Kê Gà. Những người trình phương án cảng có biết hay không mà đề xuất làm cảng nơi đây” - kỹ sư Dũng phân tích.

Gây hậu quả đầu tư

Tuy vậy, trong một cuộc làm việc với Vinacomin liên quan đến việc xây cảng này, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận từng nói thẳng: “Chủ đầu tư chưa tính toán một cách kỹ lưỡng trong việc xây dựng cảng Kê Gà”. Chính quyết định xây cảng Kê Gà đã khiến 12 dự án du lịch tại địa phương phải ngừng.

Mặt khác, tin tưởng vào sự khả thi của dự án cảng Kê Gà, nhiều doanh nghiệp đổ tiền xuống đầu tư để đón đầu. Điển hình là năm 2008, Công ty ĐK đã thuê 14 ha đất tại xã Hàm Cường, Hàm Thuận Nam gần với con lộ dự kiến vận chuyển bauxite để xây dựng cảng khô (ICD) với vốn đầu tư hai giai đoạn lên đến hơn 260 tỉ đồng. Ngoài ra, tỉnh Bình Thuận còn gấp rút quy hoạch Khu công nghiệp Kê Gà gần dự án xây dựng cảng để trình Chính phủ. Khu công nghiệp diện tích 422 ha này được giao cho Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư. Trong số diện tích trên có đến hơn 350 ha đất rừng đặc dụng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.

Chiều 20/2, lãnh đạo Tập đoàn Rạng Đông cho biết: Cách đây hai tháng, đơn vị này đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Thuận xin rút không đầu tư vì thấy không hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Thu, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, người đã có gần năm năm theo sát việc Vinacomin xúc tiến việc xây dựng cảng Kê Gà băn khoăn: “Thời điểm ấy tỉnh thực hiện nhiệm vụ chỉ đạo của Chính phủ. Tỉnh cũng mong muốn có cảng biển để phát triển kinh tế-xã hội địa phương nên lúc đó chúng tôi phải thuyết phục các nhà đầu tư du lịch ưu tiên nhường đất cho dự án cảng Kê Gà. Sao lúc đó không tính toán thật kỹ để khỏi xây dựng cảng ở đây? Năm năm qua, Bình Thuận đã mất quá nhiều cơ hội vì trông chờ vào dự án cảng biển này. Ngoài Khu công nghiệp Kê Gà, cảng ICD Hàm Cường thì các khu công nghiệp I, II ở Hàm Kiệm (Hàm Thuận Nam) xây dựng để đón đầu cảng Kê Gà cũng là hệ lụy của cảng biển này”.

Đường đi nào cho alumin?

Khi Nhà máy Tân Rai (Lâm Đồng) chính thức đi vào hoạt động, Vinacomin lấy cảng Gò Dầu (Đồng Nai) làm nơi xuất alumin. Theo đó, lộ trình vận chuyển sẽ từ nhà máy ở Tân Rai (Lâm Đồng) theo tỉnh lộ 725 đến Bảo Lộc (Lâm Đồng) rồi theo quốc lộ 20 về ngã ba Dầu Giây. Từ đây sẽ vào tỉnh lộ 769 rồi ra quốc lộ 51 để vào cảng Gò Dầu (Đồng Nai).

Đây chỉ là phương án tạm chờ cảng Kê Gà xây dựng. Nhưng với việc ngừng đầu tư cảng Kê Gà thì liệu lộ trình tạm trên có trở thành lộ trình chính?

Được biết một phương án được đề xuất thay cảng Kê Gà là chọn cảng Vĩnh Tân (huyện Tuy Phong, Bình Thuận) làm nơi xuất alumin. Đây là cảng chuyên dụng tiếp nhận than, dầu cho Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân (thuộc EVN). Hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có khảo sát ban đầu về lộ trình vận chuyển alumin. Theo đơn vị này, lộ trình mới chở alumin đến cảng Vĩnh Tân sẽ dài hơn đến cảng Kê Gà trên 62 km nhưng có thuận lợi là cảng Vĩnh Tân đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành trong năm 2014.

______________________________________

Dừng do quy hoạch chưa theo kịp!

Ông Trần Văn Chiều, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin, hiện là người được phân công phụ trách dự án cảng nước sâu Kê Gà: “Hiện nay, chúng tôi chưa nhận văn bản chính thức quyết định dừng dự án. Thủ tướng đã có chỉ đạo dừng thì chủ đầu tư phải tuân thủ. Thật ra trước đó chủ đầu tư và các bên cũng đã có chủ trương dừng dự án”.

. Tại sao lại dừng dự án khi mà đã triển khai suốt mấy năm?

+ Ông Trần Văn Chiều: Nguyên nhân thì có nhiều nhưng không phải là do vốn và kỹ thuật, hạ tầng. Vốn khó mấy thì khó nhưng tập đoàn vẫn thu xếp được. Vấn đề quan trọng nằm ở quy hoạch kinh tế của vùng này. Hiện ở khu vực các tỉnh Nam Trung bộ, Đông Nam Bộ đã có một số cảng đủ điều kiện để vận chuyển hàng hóa.

Mục đích xây dựng cảng Kê Gà là để phục vụ cho dự án nhà máy alumin ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông) với khoảng cách địa lý gần nhất, thuận lợi nhất. Tuy vậy, hiện nay cơ sở hạ tầng liên quan đến cảng như đường sá từ Tây Nguyên về chưa theo kịp và bảo đảm quy hoạch chung.

Mặt khác, sản lượng sản xuất alumin của hai nhà máy trên nằm trong khoảng trên 600.000 tấn/năm, mức này không đáng kể để xây dựng một cảng nước sâu như cảng Kê Gà, chỉ khi nào sản lượng lên mức 20-30 triệu tấn/năm thì mới cần tính đến. Bên cạnh đó, hiện ở Bình Thuận đang triển khai xây dựng cảng Vĩnh Tân. Đây cũng là một phương án được tính đến trong quy hoạch so với Kê Gà.

. Trước đây, nhiều chuyên gia và dư luận đã không đồng tình việc xây cảng. Lúc đó Vinacomin vẫn bảo vệ quan điểm và xin ý kiến bộ, ngành, Chính phủ đồng ý cho triển khai?

+ Thời điểm đó tôi chưa đảm nhận nhiệm vụ phó tổng giám đốc phụ trách nên tôi không biết được!

. Dừng dự án thì chuyện bồi thường mặt bằng đã thu hồi trước kia và công trình hạ tầng liên quan sẽ xử lý ra sao?

+ Chủ đầu tư sẽ làm việc với địa phương để thống nhất, giá bồi thường sẽ do chính quyền quyết định trên cơ sở giá Nhà nước quy định. Chủ đầu tư chỉ có nhiệm vụ thanh toán tiền. Hiện đã có một số dự án resort đã được bồi thường, còn lại khoảng năm dự án nữa đang thẩm định.

. Xin cảm ơn ông.

TRÀ PHƯƠNG thực hiện

 
Theo M.PHONG - P.NAM - M.CƯỜNG
Pháp luật TPHCM