Cần Thơ: Thương lái ồ ạt thu mua cau non giá cao

(Dân trí) - Khoảng 2 tuần nay, ở Cần Thơ, thương lái lùng sục khắp nơi mua cau non với giá cao ngất ngưởng để xuất sang Trung Quốc. Theo các ngành chức năng, đây được xem là một hiện tượng bất thường.

Hiện tượng mua bán cau non đang xảy ra rầm rộ ở thị trấn Phong Điền - Cần Thơ
Hiện tượng mua bán cau non đang xảy ra rầm rộ ở thị trấn Phong Điền - Cần Thơ.

Ngày 7/5, phóng viên Dân trí có mặt tại các địa điểm tập kết thu mua cau ở thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ. Nhiều người dân sống ở đây cho biết, tình trạng trên đã diễn ra khoảng hơn 2 tuần nay.


Thực hiện: Phạm Tâm

Bà Nguyễn Thị Hoa, ở ấp Nhơn Lộc, thị trấn Phong Điền, một nhà vườn có cau bán cho biết: Những ngày đầu thương lái đến mua với giá 70.000 đồng/kg cau non, cân nguyên cả buồng. Còn hiện tại giá cau non dao động từ 35.000 đồng đến 40.000 đồng/kg.

“Trước đây, chúng tôi chỉ để cau già, nhằm phục vụ cho lễ tết, cưới hỏi, giá chỉ 2.500 đồng đến 3000 đồng/kg, nhưng nay được giá thì người dân chúng tôi đốn sạch để bán chứ không cần biết thương lái mua để làm gì”- Bà Hoa nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng trở thành người đi buôn cau bất đắc dĩ
Ông Nguyễn Văn Dũng trở thành người đi buôn cau bất đắc dĩ

Ông Nguyễn Văn Dũng (45 tuổi), một người đi buôn cau non bất đắc dĩ ngụ ở xã Tân Thới, huyện Phong Điền cho biết: Tự nhiên thấy người ta đến đây đặt mua cau non với giá cao nên những ngày qua tôi đi hết Phong Điền, qua Ô Môn, lên tận Thốt Nốt, thậm chí xuống tận Hậu Giang để mua của nhà vườn, sau đó về các điểm tập kết ở Phong Điền để bán lại với giá cao hơn. 

“Cứ có cau non mang tới, cân ký xong là họ trả tiền liền nên tôi cũng không lo lắng”- ông Dũng nói.

Còn ông Nguyễn Văn Bình (ở thị trấn Phong Điền) thông tin: “Thương lái đang lùng sục mua cau non từ ấp này sang ấp nọ. Nghe nói họ mua về để xuất sang Trung Quốc nhưng không biết có chính xác không. Chúng tôi thấy việc thu mua này rất lạ vì từ trước tới giờ chưa biết cau non có tác dụng như thế nào và giá trị ra sao”.

Cau non được lặt sạch, đóng thùng để chuyển đi

Cau non được lặt sạch, đóng thùng để chuyển đi
Cau non được lặt sạch, đóng thùng để chuyển đi

Còn em Đào, một trong những người ngồi phân loại cau cho biết: "Khoảng một tuần nay thấy các điểm buôn bán trái cây có thêm dịch vụ mua bán và lặt cau nên em đi lặt thuê. Khi nhà vườn đưa cau ra bán nguyên buồng, thương lái thuê bọn em nhặt sạch và cắt ra từng quả riêng, rồi phân loại to nhỏ để đóng thùng chuyển ra Bắc. Mỗi ký như vậy em được trả 2 ngàn đồng, nếu nhặt nhanh mỗi ngày cũng được 60 đến 70 kg".

Mỗi ký cau non cân nguyên cả buồng như thế này cách đây 2 tuần được thương lái mua 70 ngàn đồng
Mỗi ký cau non cân nguyên cả buồng như thế này cách đây 2 tuần được thương lái mua 70 ngàn đồng

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Lạc - Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Phong Điền cho biết: Hiện nay, thời gian từ 14-16 giờ mỗi ngày, có rất nhiều người chở cau non đến bán cho thương lái tại các điểm thu mua. Ở thị trấn Phong Điền có 3 địa điểm tấp kết và thu mua cau non. Việc mua bán cau, những ngày qua ở đây diễn ra rất sôi nổi.

Ông Nguyễn Lạc - Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Phong Điền bên những buồng cau non
Ông Nguyễn Lạc - Phó chủ tịch Hội nông dân huyện Phong Điền bên những buồng cau non

Cũng theo ông Lạc: Một số thương lái nói họ mua cau non về bán lại cho người dân ăn. Tuy nhiên, ông Lạc cũng khẳng định, "lâu nay chưa từng nghe chuyện ăn cau non nên đã khuyên người dân không nên thấy cau có giá mà đốn những loại cây ăn trái đặc sản nổi tiếng của địa phương để trồng cau. Chúng tôi cũng khuyên người dân cần phải cảnh giác, thận trọng, tránh ảnh hưởng về sau".


Thực hiện: Phạm Tâm

“Không riêng thị trấn Phong Điền, các thương lái còn đi sâu vào các vùng quê ở xã Mỹ Khánh, Nhơn Ái, Trường Long, Giai Xuân… để thu mua cau non. Họ mua rất nhiều nơi và mua rất nhiều loại cau, kể cả cau kiểng non. Sau đó, vận chuyển nguyên buồng về thị trấn này để lặt ra từng trái, bỏ vào thùng xốp vận chuyển đi” - ông Lạc cho biết thêm.

Ông Võ Châu Sơn - một thương lái đang thu mua cau non tại huyện Phong Điền cho hay: “Một ngày tôi thu mua khoảng 400kg cau buồng từ bạn hàng các địa phương. Tôi và nhiều thương lái khác mua cau để bán lại cho một chủ khác đem về TP.HCM, rồi vận chuyển bằng máy bay ra Hải Phòng, từ Hải Phòng sẽ được đưa sang Trung Quốc tiêu thụ”.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài huyện Phong Điền, tình trạng thương lái mua cau non còn xuất hiện ở huyện Cầu Kè (Trà Vinh), một số địa phương ở tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Hậu Giang, Sóc Trăng...

Phạm Tâm


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”