1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cần thêm biện pháp trị giá vàng

Giải pháp cho phép 5 ngân hàng bán vàng tồn quỹ đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, để trị tận gốc nạn thao túng thị trường cần có thêm nhiều biện pháp khác

Giá vàng trong nước có thời điểm chỉ cao hơn giá vàng thế giới vài trăm ngàn đồng/lượng cho thấy giải pháp cho phép 5 ngân hàng (NH) bán vàng tồn quỹ đã phát huy tác dụng phần nào.

 

Tuy nhiên, giá vàng trong nước ngày 11/10 tăng trở lại và cao hơn giá vàng thế giới 1 triệu đồng/lượng, nếu quy đổi theo tỉ giá USD tự do; cao hơn khoảng 1,9 triệu đồng/lượng, nếu tính theo tỉ giá trong NH.
 
Cần thêm biện pháp trị giá vàng - 1
Giá vàng thế giới tăng không đáng kể nhưng giá vàng trong nước tăng mạnh trở lại trong ngày 11/10.

 

Tác dụng nhất thời

 

Lúc 16 giờ 30 phút, giá vàng SJC mua vào 43,45 triệu đồng/lượng, bán ra 43,75 triệu đồng/lượng. Giá vàng thế giới giao dịch ở mức 1.660 USD/ounce. Nếu so với cuối chiều hôm trước, giá vàng thế giới tăng không đáng kể nhưng giá vàng trong nước lại tăng 460.000 đồng/lượng, dù sức mua rất yếu.

 

Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng cho rằng 5 NH được phép bán vàng tồn quỹ đã bán ra thị trường một lượng vàng khá lớn vào nhiều ngày trước nên giá vàng trong nước liên tục giảm.

 

Đến cuối ngày 10/10, giá vàng trong nước chỉ còn cao hơn giá thế giới khoảng 300.000 đồng/lượng, một mức cách biệt được coi là tương đối hợp lý. Thế nhưng, chỉ một ngày sau (ngày 11/10), do lực bán vàng của các NH đã chựng lại nên các doanh nghiệp khác tranh thủ tăng giá nhiều hơn và “neo” giá vàng trong nước cao hơn cả triệu đồng so với giá vàng thế giới...

 

Tổng giám đốc của một trong 5 NH được phép bán vàng cho biết đã tung ra thị trường hơn 1,2 tấn vàng. Nhiều ý kiến cho rằng nếu từ ngày 6/10 đến nay, 5 NH và Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), mỗi đơn vị  bán ra số vàng tương tự thì nguồn cung cho thị trường sẽ đạt gần 8 tấn vàng. Như thế, giá vàng trong nước lùi về sát với giá vàng thế giới cũng là dễ hiểu.

 

Một lãnh đạo NH Á Châu (ACB) thông tin NH này có thể tung ra 4-5 tấn vàng. Nếu các NH còn lại và SJC cũng bán ra con số tương tự thì lượng vàng bán ra sẽ lên tới hơn 20 tấn vàng, tạo nguồn cung thường xuyên để dập tắt cơn sốt vàng (nếu có)... Chưa kể đã có thêm 2 NH vừa được phép bán vàng cũng như được mở tài khoản giao dịch vàng trên thị trường thế giới là Việt Á và Phương Nam.

 

Trong khi đó, NH Nhà nước cũng đã tăng thêm biện pháp chống đầu cơ vàng theo hướng yêu cầu các NH thương mại báo cáo gấp doanh số cho vay bằng vàng, dư nợ cho vay, số lượng khách hàng, mục đích vay trước ngày 12/10. Các NH phải báo cáo hằng tuần với NH Nhà nước mọi thông tin liên quan đến cho vay bằng vàng... 

 

Từ thực tế trên cho thấy giải pháp cho phép các NH bán vàng tồn quỹ đã phát huy tác dụng nhưng vẫn chưa đủ liều để đưa thị trường vàng vào quy củ.

 

Nên có nhiều giải pháp căn cơ

 

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng các giải pháp bình ổn thị trường vàng vẫn chưa thật sự căn cơ. Vấn đề của thị trường vàng Việt Nam là cần chuyển hướng nhu cầu đầu tư vàng vật chất sang hình thức đầu tư khác chứ không phải chỉ là tăng nguồn cung vàng vật chất đi kèm các biện pháp hành chính.

 

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, NH Nhà nước nên cho phép một số NH phát hành chứng chỉ vàng, chứng chỉ này được mua bán trên thị trường.

 

PGS - TS Nguyễn Văn Trình, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), cũng cho rằng nên có sàn vàng quốc gia do NH Nhà nước quản lý để người dân mua - bán chứng chỉ vàng, vàng tài khoản. Khi đó, nhu cầu đầu tư vàng vật chất sẽ giảm, giới kinh doanh vàng không còn cơ hội làm giá, đầu cơ. Nhà nước sẽ hạn chế được nhập khẩu vàng, giảm áp lực cho thị trường ngoại tệ…

 

Một số ý kiến còn cho rằng đối tượng đầu cơ vàng chủ yếu là giới kinh doanh vàng và tình trạng này thường làm tăng tỉ giá. Vì thế, một trong những giải pháp đặt ra là Nhà nước cần đánh thuế thu nhập thật nặng đối với kinh doanh vàng.

 

Theo Thy Thơ
NLĐ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm