TS. Nguyễn Đình Cung:

"Cần tăng tốc chặt hạ những "rừng" quy định phi cạnh tranh"

(Dân trí) - "Các cơ quan Nhà nước hiện đang áp dụng các hình thức phản cạnh tranh một cách phi điều kiện. Quan trọng hơn và thách thức hơn là tư duy vì thị trường, thân thiện với thị trường ở ta quá xa lạ. Hội nhập đầu tiên phải là hội nhập về thể chế thì mới mang lại sự thịnh vượng cho quốc gia. Tôi chưa thấy được cải cách môi trường kinh doanh thật sự tại Việt Nam…”.

Đây là khẳng định của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cùng một số chuyên gia kinh tế tại hội thảo "Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam" vừa được tổ chức sáng nay 15/4.

"Cần tăng tốc chặt hạ những "rừng" quy định phi cạnh tranh" - 1

Theo ông Cung: Ở Việt Nam đầy rẫy những quy định phản cạnh tranh, phi cạnh tranh mà rất nhiều năm, chúng ta kêu gọi bỏ, cắt. Nhưng bỏ chỗ này thì ở chỗ kia, bộ ngành kia lại mọc lên. Cần nhanh chóng hạ bỏ những rừng quy định phi cạnh tranh này để nền kinh tế và doanh nghiệp hội nhập sâu, rộng.

Ông Cung ví dụ như thị trường điện cạnh tranh hoặc xăng dầu cũng vậy. Ta xây dựng thị trường cạnh tranh từ lâu rồi nhưng hiện nay giá điện của các nhà máy phát điện vẫn phụ thuộc vào mức giá chào mua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hay khi xăng dầu thế giới giảm, chúng ta lại tăng thuế và phí xăng dầu trong nước khiến xăng dầu trong nước không thể hạ giá được.

Ông Cung nhìn nhận, Chính phủ trong 2 năm qua liên tục đưa ra Nghị Quyết 19 về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh với rất nhiều ý tưởng "phá rào". Quốc hội cũng yêu cầu các bộ đưa ra các điều kiện kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực đặc thù nhưng đến nay vẫn còn nhiều lĩnh vực còn chậm ban hành.

Ông Cung dẫn giải: “Đơn cử việc giao cho các bộ bỏ giấy phép con là không bao giờ làm được, chỉ có tăng lên. Các bộ đâu dễ lấy đá tự ghè chân mình, chính những giấy phép con sinh ra từ các thông tư của bộ chứ ở đâu”, ông Cung cho biết.

Về chính sách vĩ mô, ông Cung chỉ ra bất cập: Việt Nam hiện đang trải thảm cho các doanh nghiệp ngoại (FDI) trong khi trải đinh đối với doanh nghiệp trong nước. Trong khi những kỳ vọng của Chính phủ với doanh nghiệp ngoại chưa được đáp ứng như tăng trưởng về chất, tăng năng suất lao động, chuyển giao khoa học kỹ thuật... thì nhập khẩu ở khu vực FDI ngày càng nhiều hơn, nhanh hơn và không thay đổi qua các năm. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước hết sức vật vã với các loại thuế, phí, không thể tiếp cận vốn tín dụng rẻ được...

Liên quan đến ưu đãi doanh nghiệp (DN) FDI và tư nhân cùng sức khỏe của các DN nhỏ và vừa, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế cũng khẳng định: Về chính sách chung, Việt Nam không có bất bình đằng giữa DNNN với khu vực tư nhân trong nước, nhưng lại có có sự bất bình đẳng giữa khu vực FDI với DN tư nhân trong nước. Vì vậy, các DN tư nhân trong nước ngày càng nhỏ đi. Đáng nói, những bất bình đẳng trong tiếp cận thông tin, thụ hưởng chính sách và cạnh tranh đang khiến liên kết giữa DN nhỏ, vừa và DN lớn rất yếu.

Bà Lan lấy ví dụ: Chúng ta đã có bài học là nhiều DN FDI lỗ cả chục năm liền, đến khi cơ quan thuế cảnh cáo thì họ tìm cách rút khỏi Việt Nam. Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) có tổng vốn đầu tư 9 tỷ USD từ năm 2013, do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN) là chủ đầu tư với các bên góp vốn gồm các DN Cô - Oét, Nhật Bản... Để dự án này được sớm triển khai và đi vào hoạt động, Chính phủ hỗ trợ khoảng 3 tỷ USD do chênh lệch thuế, PVN cam kết bao tiêu sản phẩm, bản thân PVN có 25% cổ phần đầu tư Nghi Sơn.

"Chỉ nhìn vào mức hỗ trợ của Chính phủ, chúng ta cũng thấy quá đáng. Đây là những con số gây sốc cho ngân sách trong khi chúng ta đang truy thu, tận thu thuế các DN nhỏ và vừa. Không thể lấy của nhà nghèo để ưu tiên cho nhà giàu được. Đây là nguyên nhân khiến các DN nhỏ và vừa ngày càng teo đi. Kinh tế vẫn phát triển, những doanh nghiệp lớn tiếp tục phát triển nhưng bỏ lại đằng sau đại đa số các DN nhỏ và vừa", bà Lan nói.

Nhìn nhận về năng lực cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam, bà Lan cho rằng, hàng hóa Việt Nam đang đuối sức trong cạnh tranh toàn cầu và các sân chơi lớn. Nguyên nhân khiến chúng ta “thua chị, kém em” là sau quá nhiều năm duy trì cơ chế quản lý hành chính, tư duy chậm sửa đổi và chơi cuộc chơi mới với toàn cầu.

"Hiện tượng phản cạnh tranh đầy rẫy là hệ quả của thể chế hiện nay. Rõ ràng nhất là ngành lúa gạo Việt Nam, lượng tăng, chất lượng giảm và không nâng cao được năng lực cạnh tranh. Trong tương lai, giới trung lưu Việt Nam chắc sẽ sẽ ăn gạo Thái, Campuchia, đây là điều rất đáng lo vì giới trung lưu của Việt Nam ngày càng nhiều và chắc gạo Việt Nam chỉ bán cho người nghèo ở đâu đó", bà Lan cho biết.

Nguyễn Tuyền

"Cần tăng tốc chặt hạ những "rừng" quy định phi cạnh tranh" - 2